“Kéo giảm từ 5%-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” - đây là mục tiêu chính của “Phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2021 – 2025” vừa được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động, nhằm tạo động lực mạnh mẽ trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không.
Theo Kế hoạch phát động “Phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2021 – 2025”, tiếp tục thực hiện năm An toàn giao thông hàng năm với từng chủ đề, vì mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, thông qua phong trào thi đua, tạo động lực cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quyết tâm phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm và chuyên môn nghiệp vụ.
Phong trào thi đua tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2021 – 2025; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021; Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Các bộ, ngành, địa phương thi đua nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách về an toàn giao thông, áp dụng kịp thời thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt; ứng dụng công nghệ về an toàn và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp, kiểm định phương tiện; quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông.
Lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tập trung xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông; vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông.
Một nội dung nữa của phong trào thi đua giai đoạn này là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tới mọi thành phần trong hoạt động giao thông vận tải; tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ; phổ biến quy định pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và người điều khiển phương tiện cá nhân, đặc biệt là nhóm những người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Phong trào thi đua nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đồng bào nghèo. Cùng với đó, tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ phòng, chống ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và đô thị lớn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông đô thị; khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức; triển khai “Phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2021 – 2025” đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với các cấp ủy, tổ chức Đảng, các đoàn thể tập trung lãnh đạo, thực hiện phong trào thi đua đến tận cơ sở; coi phong trào thi đua, công tác khen thưởng là động lực mạnh mẽ để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; thường xuyên bám sát cơ sở để phát hiện, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền, tạo sự lan tỏa của các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, làm nòng cốt cho phong trào thi đua…