Thêm 9 máy thu gom chai và lon được lắp đặt tại các chung cư và trường học tại TP Hồ Chí Minh

Chai và lon sau khi thu gom sẽ được xử lý tái chế tại các máy, sau đó người dân kết nối với Zalo để nhận điểm hoặc chuyển đổi sang tiền thưởng. Mỗi lon hoặc chai được tái chế tương đương với số tiền 200 đồng.

Đây là chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối" do Coca-Cola Việt Nam hợp tác với Botol Việt Nam (công ty đầu tiên và là thành viên duy nhất của Hiệp hội Tái chế bao bì Việt Nam - PRO Vietnam) thực hiện và là năm thứ 2 đơn vị tiếp tục triển khai. Theo đó, sẽ có thêm 9 máy thu gom chai và lon được doanh nghiệp lắp đặt tại các khu dân cư và trường đại học ở TP Hồ Chí Minh để xử lý, tái chế tại chỗ.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh có thêm 9 điểm lắp đặt máy thu gom chai và lon tại các chung cư và trường học.

Sáng kiến trên nhằm truyền cảm hứng cho người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc phân loại và tái chế chai và lon đã qua sử dụng; đồng thời, việc tặng điểm hoặc các giải thưởng sau khi tái chế cũng là một cách để khuyến khích và tận dụng sức mạnh của cộng đồng cho hoạt động tái chế hiệu quả hơn.

Theo ông Max Craipeau, Giám đốc chiến lược của Botol Việt Nam, tại các nước Đông Nam Á, cứ 10 chai PET thì chỉ có 3 chai được tái chế, 7 chai còn lại bị thải ra biển và môi trường sống. Trong khi tại Đức và Nhật Bản, số chai PET được tái chế là 9 trên 10 chai.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàng năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Trong đó, mỗi ngày có hàng triệu chai nhựa được mua từ tiệm tạp hóa, siêu thị. Phần lớn, những rác thải nhựa như vỏ lon và chai thường được người tiêu dùng cho lẫn lộn vào thùng rác và được coi như phế thải. Tuy nhiên, nếu rác thải nhựa được phân loại sẽ tạo ra nhiều giá trị lớn khi trở thành đầu vào cho các ngành công nghiệp khác.

Trong khi đó, các loại máy tái chế nhựa hiện nay đã rất phổ biến tại châu Âu, nhưng tại Việt Nam vẫn chưa phát triển rộng rãi vì những hạn chế trong khâu vận chuyển, mức độ ô nhiễm môi trường nên công nghệ này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. 

Chú thích ảnh
Chiều 20/8, tại lễ kỷ niệm 30 năm Coca-Cola hoạt động tại Việt Nam, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ về chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối".

Chính vì vậy, máy tái chế nhựa nguyên sinh của Botol Việt Nam ra đời nhằm cung cấp giải pháp vượt trội trong việc thu gom và tái chế chai PET. Công nghệ này sẽ giúp giảm thiểu đáng kể khó khăn trong khâu vận chuyển, cụ thể là giảm số lượng xe tải từ 10 xe xuống còn 1 xe với cùng một khối lượng chai, đồng thời giảm lượng khí thải carbon, góp phần giải quyết mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đang hướng đến.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao sự hợp tác triển khai chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối" và kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp đồng hành, chung tay hơn nữa với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành để đạt được mục tiêu bền vững, vừa thịnh vượng kinh tế vừa đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu.

Cũng theo ông Lê Ngọc Tuấn, hiện nay, Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và đang trong quá trình cùng các nước tham gia đàm phán, xây dựng thỏa thuận toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế tuần hoàn cũng đang được Chính phủ khuyến khích, triển khai nhằm thực hiện các mục tiêu về môi trường và khí hậu. Với chiến lược phát triển bền vững, sự nỗ lực đóng góp của các doanh nghiệp là điều rất quan trọng để đạt các mục tiêu trên. 

Chú thích ảnh
Cơ cấu hoạt động của máy tái chế chai và lon.

Điểm nổi bật của máy tái chế chai và lon là khả năng tái chế ngay tại chỗ. Người dùng chỉ cần cho chai vào máy, máy sẽ tiến hành tách phần thân chai, nắp chai và nhãn chai, sau đó nghiền chúng thành các mảnh. Toàn bộ quá trình thực hiện diễn ra nhanh chóng với 3 bước, rút ngắn từ 11 bước so với các loại máy tái chế truyền thống. Khi thùng chứa các mảnh nhựa đầy, máy sẽ tự động gửi cảnh báo. Cửa hàng sẽ thu gom và đưa các mảnh nhựa này đến nhà máy để sản xuất các sản phẩm mới.

Theo Botol Việt Nam, dự kiến trong năm 2024, sẽ có hơn 100 máy thu gom tái chế chai và lon được lắp đặt tại các siêu thị, chung cư và trường đại học trên cả nước.

Các điểm thu gom chai và lon tại các chung cư TP Hồ Chí Minh thuộc chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối" đã được thực hiện từ ngày 19/8, gồm: Golden Mansion (119 Phổ Quang, Phường 9, quận Phú Nhuận); M-One Nam Sài Gòn (35/12 Bế Văn Cấm, phường Tân Kiểng, Quận 7); The Park Residence (12 Nguyễn Hữu Thọ, phường Phước Kiển, huyện Nhà Bè); chung cư D1 Phú Lợi (Khu dân cư Phú Lợi, Quận 8).

Riêng tại các điểm trường đại học, chương trình sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 9/9 gồm: Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (215 Điện Biên Phủ, Phường 15, quận Bình Thạnh); Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh  (140 Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú); Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP Hồ Chí Minh (Khu phố 6, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức); Trường Đại học Ngân hàng TP  Hồ Chí Minh (56 Hoàng Diệu, phường Linh Chiểu, thành phố Thủ Đức); Trường Đại học Gia Định (371 Nguyễn Kiệm, Phường 3, quận Gò Vấp).
Tin, ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Tái chế nhựa cứng thành nguyên liệu cho máy in 3D
Tái chế nhựa cứng thành nguyên liệu cho máy in 3D

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học tại Đại học New South Wales (UNSW) của Australia mới đây đã phát minh một thiết bị công nghệ mới nhằm tái chế nhựa cứng phế thải thành nguyên liệu cho máy in 3D.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN