“Ô nhiễm trắng” tăng nhanh từng năm
Những năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam tăng trưởng nhanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rác thải từ bao bì, đặc biệt là các vật liệu đóng gói từ nhựa cũng tăng theo.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) về chất thải nhựa bao bì từ TMĐT, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ chất thải nhựa. Theo tính toán của nhóm chuyên gia tư vấn từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2023, TMĐT ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Đặc biệt, ngành quần áo, thời trang, phụ kiện và đồ ăn nhanh có đến 90% thương nhân sử dụng túi nylon, hộp, cốc nhựa để đóng gói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ngành TMĐT tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, dự kiến năm 2030 sẽ tăng gấp trên 4,7 lần. Đáng chú ý, số lượng rác thải thải ra từ TMĐT, mua bán hàng online phải tăng ít nhất gấp 5 lần so với thương mại truyền thống.
“Chúng ta cứ nghĩ TMĐT là ngồi ở nhà gọi điện, truy cập mạng thì lượng rác thải ít hơn mua truyền thống, nhưng suy nghĩ này đã nhầm, bởi chỉ một đơn hàng giá trị nhỏ nhất đã phải đóng gói và sử dụng các vật liệu từ carton, túi nylon, băng keo… Nhưng nếu mua hàng truyền thống thì có thể sử dụng túi nylon ít hơn và gần như không sử dụng băng keo, bìa carton”, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết.
Chưa kể, việc đóng gói quá kỹ dẫn tới sử dụng bao bì nhiều hơn mức cần thiết. Bởi thông thường, người bán hàng thường muốn bảo đảm hàng hoá đến tay khách hàng trong tình trạng hoàn hảo nhất. Do đó, hàng hoá thường được bọc bằng hai hoặc ba lớp giấy và bao nilon, thậm chí được chèn thêm màng xốp hơi trước khi đặt vào hộp. Các chuyên gia dự báo, nếu không có các giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hoá thì khi đó, lượng rác thải nhựa từ TMĐT sẽ lên tới 800 nghìn tấn. Điều này thể hiện mặc dù TMĐT tác động tích cực nhưng cũng gây hệ lụy tới môi trường, bao gồm phát thải khí carbon và rác thải nhựa.
Thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, chỉ có khoảng 10% rác thải nhựa được tái chế. Trong khi đó, phần lớn TMĐT ở Việt Nam tập trung ở các địa phương ven biển hoặc bên sông lớn chảy ra biển như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Nha Trang. Do hầu hết rác thải nhựa từ TMĐT chưa được thu gom, tái chế hoặc xử lý thân thiện với môi trường nên tỷ lệ rất cao rác thải nhựa từ TMĐT sẽ đổ ra biển.
“Xanh hóa” TMĐT để bảo vệ môi trường
Trước thực trạng “ô nhiễm trắng” ngành TMĐT tác động tiêu cực đến môi trường, một số đơn vị chuyển phát, đóng gói đơn hàng đã thực hiện chuyển đổi để “xanh hóa” TMĐT. Cụ thể, từ tháng 10/2023, J&T Express đã đưa 3 triệu túi sinh thái (eco bag) vào sử dụng tại các trung tâm trung chuyển trên toàn quốc thay cho túi nhựa thông thường. Quyết định này đã giúp hạn chế lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường bởi túi sinh thái có thể tái sử dụng nhiều lần, có khả năng tự phân hủy và đặc biệt giúp giảm được 169g khí thải carbon so với việc sử dụng túi dệt thông thường.
Ông Phan Bình, Giám đốc thương hiệu J&T Express cho biết: “Với mục tiêu phát triển bền vững, "xanh hóa" trong vận hành, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau. Ngoài giải pháp trên, đơn vị còn có những sáng kiến kêu gọi người tiêu dùng - chủ shop và các shipper chung tay thực hành bảo vệ môi trường sống như tiết kiệm năng lượng lái xe, hướng dẫn đóng gói đúng cách, không lạm dụng bao bì… Song song đó, đơn vị đã thu gom được 1,5 tấn rác thải nhựa và tái chế thành những bộ bàn ghế đầy màu sắc để trao tặng đến các trường học”.
Còn theo ông Vũ Quốc Thịnh, Tổng giám đốc Lazada Logistics Việt Nam, hành trình đơn hàng từ nhà sản xuất đến người bán hàng đi qua từ 20 - 30 bước. Trong khi đó, hàng hóa hiện nay đa dạng nhưng quy chuẩn đóng gói không nhiều. Vì thế, Lazada logistics sử dụng hệ thống xác định kích thước bao bì tự động để tiết giảm rác thải; đồng thời sử dụng bao bì có chứng nhận FSC hay tái sử dụng thùng carton làm vật liệu chèn lót. Bên cạnh đó, đơn vị sử dụng xe máy điện trong giao nhận hàng hóa để tiết giảm năng lượng.
Cũng sử dụng xe máy điện trong giao nhận hàng hóa, nhưng Vietnam Post được xem là doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tại Việt Nam thực hiện phương thức này. Đơn vị hiện có 100 chiếc container trên 2 tàu container nhanh Hà Nội - Bình Dương (2021), lưu thoát khoảng 300 tấn hàng. Việc “xanh hóa” hoạt động vận tải giúp Vietnam Post giảm lượng khí thải CO2 khoảng 8,8 lần. Với hoạt động đóng gói, Vietnam Post ưu tiên sử dụng túi giấy, túi vải, chai lọ bình thủy tinh tại hơn 13.000 điểm phục vụ, số hóa tài liệu, quy trình để giảm thiểu in ấn, sử dụng giấy.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT của VECOM cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp như Lazada, Grab, Vietnam Post, J&T Express hay một số tổ chức xã hội nghề nghiệp đã quan tâm đến xu hướng xanh và có những hành động cụ thể. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vận chuyển nhỏ lẻ thì việc giảm thiểu phát thải từ hoạt động đóng gói, vận chuyển vẫn là một vấn đề lớn.
Hơn hết, trong các chiến lược về phát triển TMĐT hay cả những quy định liên quan về pháp luật TMĐT của Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến điều khoản doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp TMĐT phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường. Ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) thừa nhận, trong chiến lược phát triển ngành bưu chính đến năm 2025 đặt ra 5 mục tiêu và 8 giải pháp, nhưng yếu tố “xanh hóa”, “bảo vệ môi trường” chưa có trong chiến lược này.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, để phát triển TMĐT bền vững, cần 6 nhóm đối tượng tham gia trực tiếp vào quá trình giảm rác thải nhựa. Đó là khối cơ quan quản lý nhà nước; người tiêu dùng; doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics, hoàn tất đơn hàng; hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp; cơ quan truyền thông, báo chí và các đơn vị liên quan khác.
Để giải quyết tình trạng này, cần ưu tiên và có chính sách hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường trong TMĐT; xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình thương mại điện tử bền vững; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp vận chuyển sử dụng các phương tiện thân thiện môi trường, khuyến khích các sáng kiến bảo vệ môi trường trong TMĐT, tổ chức trao giải cho các doanh nghiệp có sáng kiến tiêu biểu hàng năm.
Ngoài ra, WWF cũng chỉ rõ, để phát triển TMĐT nhanh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, cần sớm thực hiện thống kê chính thức bao bì và vật liệu, dụng cụ nhựa trong TMĐT từ năm 2024. Mọi hoạt động đánh giá tác động của TMĐT tới môi trường, bao gồm xây dựng và thực thi chính sách và pháp luật, truyền thông, nghiên cứu… đều cần có thông tin đầy đủ, tin cậy về quy mô rác thải nhựa; đồng thời ban hành chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn đóng gói thân thiện môi trường.