Tai nạn lao động, nỗi đau còn đó

Tai nạn lao động - đó là nỗi ám ảnh không chỉ của những nạn nhân bị tai nạn, mà những người thân của họ cũng đau đớn khôn cùng.

Chỉ vì một giây bất cẩn hay chỉ vì sự cố xảy ra ngoài ý muốn đã khiến nhiều nạn nhân bị tai nạn lao động, ra đi vĩnh viễn, người còn sống thì cũng mang thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và cả xã hội.

Năm 2017, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra 331 vụ tai nạn lao động

Gặp anh Nguyễn Duy Khanh (35 tuổi), công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Posco Việt Nam, trú tại phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, không khỏi xót xa, thương cảm. Từ một chàng trai cao to, đẹp trai, tuổi đời còn trẻ, lại là lao động chính trong gia đình nhỏ có vợ và một con trai của mình, giờ đây anh Khanh lại là người tàn phế suốt đời, với thương tật bỏng lên đến 98%.

Chị Ngô Thị Phương Uyên vợ anh Khanh nhớ lại, cách đây 4 năm, tai nạn bất ngờ khiến anh Khanh và một đồng nghiệp bị bỏng bột oxit sắt nặng. Sau 3 ngày điều trị, đồng nghiệp anh đã mất, còn anh Khanh trở thành tàn phế suốt đời. Sau một năm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sức khỏe của anh rất yếu, toàn bộ phần da từ chân đến cổ đều bị cháy hết, việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn. Từ ăn uống đến vệ sinh anh đều phải nhờ đến bàn tay chăm sóc của vợ.

Hàng tháng chị Uyên vẫn phải lên bệnh viện lấy thuốc về cho anh điều trị. Rưng rưng những giọt nước mắt, chị Uyên tâm sự, anh bị tai nạn cuộc sống của gia đình chị bước sang một ngã rẽ, mất đi trụ cột chính trong nhà, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Chồng bệnh tật, con trai còn nhỏ nên chị phải nghỉ việc ở nhà để chăm sóc chồng con. Hiện nay, hàng tháng gia đình nhỏ này chỉ trông chờ vào đồng lương hưu của anh Khanh và chế độ cho người nuôi là 3 triệu đồng.

Tặng quà gia đình anh Doãn Văn Quang, công nhân công ty TNHH CS Wind Việt Nam bị tử vong do tai nạn lao động vào ngày 11/1/2018. 

Căn nhà nhỏ của gia đình bà Phạm Thị Tâm, ấp Tân Ninh, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mẹ của anh Doãn Văn Quang, sinh năm 1986, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn CS Wind Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ) bị tử vong do tai nạn lao động vào ngày 11/1/2018, nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Đã hơn 4 tháng trôi qua sau vụ tai nạn, thế nhưng người mẹ ấy vẫn không thể quên những gì bất ngờ ập xuống gia đình nhỏ của bà.

Theo lời bà Tâm, anh Quang - con trai bà là công nhân vận hành xe nâng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn CS Wind Việt Nam. Trong quá trình nâng kết cấu bộ phận thân tháp gió, do sơ suất ở khâu cân bằng kết cấu máy với càng xe nâng không đảm bảo, dẫn đến việc kết cấu bộ phận thân tháp gió đổ ngược lại xe nâng, đè anh Quang khiến anh tử vong. Mất mát đối với gia đình bà Tâm khi con trai tử vong do tai nạn lao động quá lớn, bởi anh Quang là con trai duy nhất, trụ cột trong gia đình có cha mẹ già và hai đứa con còn nhỏ.

Cũng có con trai tử vong vì tai nạn lao động, ông Lưu Văn Hoàn, bố của anh Lưu Thần, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến bột cá Phúc Hưng, nạn nhân vụ tai nạn do điện giật khi đang làm việc, cho biết: “Tai nạn khiến gia đình mất mát quá lớn, chỉ mong muốn người lao động hãy thận trọng hơn trong từng thao tác, cẩn trọng hơn trong công việc hàng ngày, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, tai nạn đáng tiếc xảy ra”.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng Chính sách, an toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ trên địa bàn tỉnh thời gian qua, tuy đã ra khỏi tốp 10 tỉnh, thành phố trong cả nước có số vụ tai nạn lao động xảy ra cao, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ còn tiếp tục xảy ra. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn lao động là do doanh nghiệp chưa áp dụng các biện pháp an toàn và người lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy trình, biện pháp an toàn khi làm việc. Riêng năm 2017 toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xảy ra 331 vụ tai nạn lao động làm 339 người bị nạn, trong đó 11 vụ tai nạn lao động chết người. So với năm 2016 tăng 5 vụ tai nạn lao động và 2 vụ tai nạn lao động chết người.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm

Để hạn chế các vụ tai nạn lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ ở tất cả các cơ quan, doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các lĩnh vực xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, sử dụng điện, khai thác đá và sử dụng vật liệu công nghiệp, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

“Ngoài quy định của luật pháp, nhận thức cũng như kỹ năng an toàn của người lao động là một trong những điều rất quan trọng, để đảm bảo an toàn sản xuất cũng như để người lao động tự bảo vệ chính bản thân mình. Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, các cơ quan chức năng cần có rất nhiều biện pháp, trong đó chú trọng việc đưa Luật An toàn vệ sinh lao động đến với từng doanh nghiệp, từng người lao động thông qua tuyên truyền, đặc biệt là đẩy mạnh công tác huấn luyện An toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, Nhà nước phải kiểm soát, bên cạnh sự hướng dẫn thì cũng có những giải pháp chế tài mang tính chất răn đe, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật”, ông Hùng chia sẻ.

Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về Luật An toàn vệ sinh lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp và lao động tự do. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, áp dụng mô hình an toàn vệ sinh lao động, hệ thống quản lý ILO-OSH về an toàn vệ sinh lao động vào hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm ra việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và xử lý nghiêm các vụ vi phạm…

Bài, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Thăm hỏi gia đình nạn nhân vụ tai nạn lao động tại Công ty Thép Hòa Phát
Thăm hỏi gia đình nạn nhân vụ tai nạn lao động tại Công ty Thép Hòa Phát

Chiều 8/5, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đến thăm hỏi, chia buồn với 3 gia đình có nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn lao động tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát, xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN