Sở GTVT Hà Nội đã trình UBND TP Hà Nội xem xét 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có dự án mở rộng Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy và mở rộng đường Láng hiện tại.
Dự án này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả đầu tư khai thác, nhất là chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) lớn. Một số ý kiến cho rằng, thay vì đầu tư Vành đai 2 trên cao, có thể tính đến phương án xây đường sắt đô thị để giảm bớt phương tiện cá nhân hoặc đường trên cao từ 2 - 3 tầng vượt sông Tô Lịch.
Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GTVT Hà Nội) về vấn đề này.
Xin ông cho biết thông tin về dự án xây dựng đường Vành đai 2 trên cao và mở rộng đường Láng?
Theo nghiên cứu ban đầu, dự án sẽ cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng (trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng). Do mức đầu tư lớn, Sở GTVT Hà Nội đề xuất tách thành hai dự án, trong đó ưu tiên cải tạo mở rộng Vành đai 2 dưới thấp, với độ dài khoảng 3,8 km, điểm đầu dự án tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy.
Đoạn dưới thấp là đường Láng, trong đó, riêng chi phí GPMB là 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đường Láng rộng 53,5 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ trở thành trục chính đô thị. Còn đường Vành đai 2 trên cao đi qua đường Láng dài 3,8 km, rộng 19 m, đáp ứng vận tốc 80 km/giờ, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2030.
Đây mới là thông tin sơ bộ ban đầu, quá trình thực hiện tùy theo thực tế sẽ điều chỉnh và chọn phương án khả thi nhất, hiệu quả nhất.
Vấn đề đang được dư luận quan tâm khi triển khai dự án này là "số phận" của hàng cây xà cừ lâu năm chạy dọc tuyến. Vậy, phương án của Sở GTVT Hà Nội giải quyết như thế nào, thưa ông?
Quan điểm của Sở GTVT Hà Nội là giữ và bảo tồn hàng cây quý này bằng mọi giá.
Một trong những phương án đang được Sở nghiên cứu là mở rộng tuyến đường về phía sông Tô Lịch, thu hẹp một phần giải phân cách giữa đường... nhằm hạn chế tối đa chi phí GPMB, giảm thiểu tác động gây xáo trộn đến đời sống người dân ven đường Láng và bảo tồn hàng cây xà cừ cổ thụ.
Dư luận băn khoăn khi mở rộng đường về hướng sông có thể ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, phá vỡ cảnh quan đô thị và địa chất có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình... Phương án xây dựng đường Vành đai 2 trên cao về phía sông Tô Lịch không phụ thuộc dự án mở rộng dưới thấp và sẽ được tính toán cụ thể về kỹ thuật, chất lượng trước khi công bố.
Sở GTVT đang cân nhắc kỹ lưỡng, thể hiện rõ trong các báo cáo nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, đảm bảo không để dự án kéo dài. Quy trình thẩm định dự án được các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ, thận trọng.
Vậy, tính khả thi của dự án như thế nào, thưa ông?
Hiện này, đường Láng chỉ rộng 10,5 m/chiều, lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ. Với mật độ dân số Thủ đô tăng nhanh, mỗi giờ, đường Láng ghi nhận 8.000 phương tiện lưu thông. Do đó việc mở rộng đường Láng và đường Vành đai 2 trên cao qua khu vực này nằm trong kế hoạch khép kín các vành đai nội đô, để giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, phát huy hiệu quả Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hoàn thành.
Liên quan đến tổng thể đường Vành đai 2 trên cao dài 39 km, TP Hà Nội đã hoàn thiện hơn 90% tuyến, chỉ còn 6,1 km chưa được cải tạo, đầu tư mở rộng, ttrong đó có đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy đi trùng với đường Láng hiện tại và đoạn hơn 2 km ở phía Bắc sông Hồng. Do vậy, việc ưu tiên hoàn thiện đầu tư khép kín 39 km Vành đai 2 theo quy hoạch là cần thiết. Tuy nhiên, do đây là dự án có quy mô phức tạp, việc lựa chọn kỹ lưỡng đơn vị tư vấn, thi công sẽ được thực hiện sau khi tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và sự đồng thuận của dư luận, nhất là người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.