Vịnh Xuân Đài được tạo thành bởi dãy núi Cổ Ngựa chạy dài ra biển với diện tích mặt nước hơn 130 km2. Vịnh được công nhận là Khu du lịch Quốc gia năm 2017, trong vịnh có nhiều vũng đẹp, hoang sơ với hệ sinh thái biển, rừng đa dạng, phong phú có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Bãi vũng Chào (thôn Dân Phú 1, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu) là một trong các vũng có bãi biển đẹp nhất của Vịnh Xuân Đài, được che chắn bởi các ngọn núi cao, trở thành nơi neo đậu của nhiều ghe, thúng nhỏ của người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Thế nhưng, toàn bộ khu vực bãi biển dài gần một kilômét đã bị phủ kín bởi hàng chục loại rác thải gồm ni lông, bao bì, thùng xốp, chai nhựa, nước biển khu vực gần bờ đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Anh Nguyễn Ngọc Giản (trú ở thôn Dân Phú 1) chia sẻ: "Được thiên nhiên ban tặng bãi cát trắng, lại có hàng dừa dọc biển nên trước đây vũng Chào thu hút nhiều du khách. Song hiện nay bãi biển đã bị ô nhiễm nặng nề, rác thải bao phủ, chúng tôi còn phải “nhón chân” khi đi qua vì sợ bị nhiếm bẩn và cũng chẳng thấy du khách nào đến đây nữa".
Còn theo ông Huỳnh Văn Lợi (cũng trú tại thôn Dân Phú 1), bãi vũng Chào bị ô nhiễm là do rác thải sinh hoạt của các cụm dân cư sống dọc các bãi biển xả trực tiếp ra môi trường; rác thải từ hoạt động chăn nuôi thủy sản (tôm hùm, cá) trên lòng Vịnh Xuân Đài cũng là nguyên nhân khiến bãi biển này đang bị "bức tử".
Từ nhiều năm nay, người dân từ nhiều địa phương đã sử dụng ni lông, bao bì, thùng xốp đựng thức ăn cho tôm hùm và các loại cá nuôi trên vịnh, sau đó vứt thẳng xuống biển. Rác thải này theo gió Tây Nam tấp thẳng vào bờ và dồn ứ lại. Người dân cùng chính quyền địa phương đã nhiều lần thu dọn, đốt rác để bờ biển đỡ ô nhiễm nhưng chỉ dọn được ít ngày thì rác lại phủ kín.
Theo ghi nhận của phóng viên, rác thải từ việc sinh hoạt, sản xuất của người dân không chỉ bao phủ các bãi biển vũng Chào, vũng Dông, vũng Sứ, mà cả hệ thống cống ngăn mặn tại các khu vực này cũng bị rác thải sinh hoạt của người dân phủ kín.
Theo báo cáo mới đây của UBND thị xã Sông Cầu tại Hội thảo khoa học về định hướng bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên (tổ chức tháng 11/2019), ước tính mỗi ngày có từ 7,2 tấn đến 11,5 tấn chất thải xả thẳng ra Vịnh Xuân Đài, gồm bùn thải, thức ăn nuôi trồng thủy sản dư thừa, thùng xốp, bao bì, túi ni lông… Đây là nguồ n thải gây ô nhiễm biển nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng tôm hùm nuôi trên vịnh chết hàng loạt vào giữa năm 2017.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Lương Công Tuấn cho biết, có 16.000 hộ dân đang sinh sống tại các xã, phường ven Vịnh Xuân Đài. Đặc biệt, hiện trên vịnh có gần 3.000 hộ nuôi trồng thủy sản, với 77.000 lồng nuôi. Số lượng lồng bè như vậy là quá lớn.
Hầu hết chất thải, rác thải đều được người dân bỏ trực tiếp xuống vùng nuôi nên tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động. Trên địa bàn thị xã hiện mới chỉ có phường Xuân Yên được Sở Tài Nguyên và Môi trường tiến hành thí điểm mô hình thu gom rác thải nuôi trồng thủy sản, còn nguồn rác thải từ các địa phương khác giáp vịnh chưa được tổ chức thu gom.
Bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, nêu rõ: Rác thải nhựa gây ô nhiễm biển đang là vấn đề nhức nhối ở một số địa phương ven biển của tỉnh Phú Yên, đặc biệt tại Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài.
Để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên vịnh, Tổ chức (JICA) Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ Phú Yên xử lý ô nhiễm môi trường nước vịnh bằng công nghệ máy hòa tan khí ô xi làm giảm thiểu khối lượng bùn và loại bỏ mùi hôi vào năm 2020.
Thế nhưng, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là xử lý nguồn gây ô nhiễm. Chính quyền các địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để không xả thải trực tiếp rác thải xuống môi trường biển, cần thu gom rác từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên lòng vịnh, đưa vào bờ để xử lý theo quy định, như vậy mới giảm thiểu được sự ô nhiễm môi trường vịnh.