Theo đó, Bộ LĐTBXH yêu cầu UBND các tỉnh, thành rà soát tình hình thực hiện lương tối thiểu trên địa bàn; đánh giá khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp và những người sử dụng lao động khác trong việc áp dụng mức lương tối thiểu và trả lương cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Các tỉnh thành cũng rà soát lại địa bàn áp dụng lương tối thiểu, nhất là các đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp lại theo các nghị quyết của Quốc hội hoặc thuộc diện sắp xếp trong năm 2022, báo cáo Bộ LĐTBXH.
Đối với trường hợp dự kiến điều chỉnh phân vùng, Bộ LĐTBXH đề nghị các sở LĐTBXH phối hợp với ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi với liên đoàn lao động cấp tỉnh, chi nhánh Phòng Công nghiệp và thương mại cấp tỉnh, các Hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ý kiến gửi Bộ LĐTBXH.
Liên quan tới lương tối thiểu vùng 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên mức lương tối thiểu vùng vẫn áp dụng như của năm 2020. Trước những ý kiến còn khác nhau, tháng 3/2021, Bộ LĐTBXH đã lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo Chính phủ về lương tối thiểu vùng.
Quan điểm của Bộ LĐTBXH vẫn giữ nguyên quan điểm như kiến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia là tạm thời chưa điều chỉnh lương tối thiểu cũng như thời điểm tăng lương tối thiểu vùng 2021 nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, duy trì việc làm cho người lao động và tái tham gia thị trường lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp.
Do vậy, mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng theo quy định của Nghị định 90/2019/NĐ-CP từ 1/1/2020 đến nay là: Mức lương tối thiểu từ vùng 1 tới 4, lần lượt là: 4.420.000 đồng, 3.920.000 đồng, 3.430.000 đồng và 3.070.000 đồng.