Quảng Nam:Thủy điện làm mất rừng

Ngày 22/1, Đoàn công tác Bộ Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam đã tiến hành rà soát, đánh giá các công trình thủy điện trên địa bàn.


Tại buổi làm việc, các bên tập trung thảo luận về bất cập trong việc không đảm bảo đất sản xuất, các điều kiện sinh hoạt cho người dân ở các khu tái định cư thủy điện, các dự án thủy điện còn chiếm dụng một diện tích không nhỏ các loại đất rừng. Việc trồng rừng thay thế vẫn chưa được chủ đầu tư dự án quan tâm, đầu tư đúng mức.


Theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Nam, từ khi triển khai xây dựng thủy điện đến nay, hơn 7.657 ha rừng đã bị thu hồi, cho thuê và chuyển đổi để đầu tư 22 công trình thủy điện trên địa bàn. Trong đó, diện tích rừng chuyển đổi gần 3.415 ha. Ngoài ra, còn có hơn 8.596 ha đất lâm nghiệp cũng bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang thực hiện các dự án thủy điện.

 

Trong khi đó, chủ trương chung của tỉnh Quảng Nam là yêu cầu các chủ đầu tư phải trồng lại diện tích rừng tương đương với diện tích rừng và đất rừng mà dự án chiếm dụng. Tại tất cả các báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng đều nêu việc trồng bồi hoàn rừng bị mất khi xây dựng công trình thủy điện. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều đơn vị vẫn chưa thực hiện việc trồng rừng bồi hoàn. Đến nay, chỉ mới có 4 phương án trồng rừng thay thế được thực hiện với hơn 300 ha diện tích rừng trồng mới và khoanh nuôi trồng bổ sung. Nguyên nhân được xác định chủ yếu là không thể tìm được vị trí thích hợp, diện tích đất trống đồi trọc đã giao cho người dân địa phương sử dụng, còn diện tích khác thì đã có rừng.


Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường của việc xây dựng thủy điện là ít khả thi, đặc biệt là trong việc trồng rừng thay thế.


Ông Lê Văn Luyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, là địa phương có 2 thôn ở xã Mà Cooih thực hiện thí điểm dịch vụ chi trả môi trường rừng, thuộc dự án thủy điện A Vương cho rằng, việc giao đất rừng cho các hộ dân ở địa phương đang được triển khai thực hiện rất tốt. Với việc giao khoán trung bình từ 20 - 25 ha/hộ, người dân tự thành lập tổ quản lý, bảo vệ rừng, thu nhập của người dân cũng tăng ít nhất 6 triệu đồng/năm. Việc người dân ở khu vực miền núi sống dựa vào rừng là khá hợp lý và là biện pháp giảm đói nghèo tốt nhất. Vì vậy, các ban, ngành liên quan nên sớm triển khai dịch vụ chi trả môi trường rừng, giao khoán đất rừng cho hộ dân tái định cư ở các dự án thủy điện khác trên địa bàn.


H.Chung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN