5 giờ đồng hồ đổ bộ, càn quét, cơn bão số 10 đã phá nát nhiều vùng quê ven biển Quảng Bình. Trên chiều dài hơn 112 km bờ biển của tỉnh này, đến đâu cũng thấy khung cảnh hoang tàn như vừa qua trận bom B52. Nhiều con người mới ngày hôm nao hãy đang còn vui vẽ, phấn khởi làm ăn, làm xuất bây giờ đượm buồn, xót xa bởi bỗng dưng trắng tay hoặc đột nhiên chịu cảnh màn trời chiếu đất chỉ sau mấy tiếng đống hồ...
Ngư dân thê thảm
Ngư Thủy Trung, vùng biển bãi ngang của huyện Lệ Thủy trong những ngày qua buồn như đang chịu tang. Toàn xã có 530 ngôi nhà thì 80% số đó bị bão đánh cho tơi tả, nhà bị thiệt hại ít thì tốc mái, nhà nặng thì sập tường hoặc bị xô ngã. Ông Ngô Văn Trường có nhà bị bão đánh sập kể: Từ trẻ tới giờ tôi chưa bao giờ chứng kiến được trận cuồng phong nào khủng khiếp đến vậy. Tiếng gió rít nghe dữ tợn như tiếng máy bay phản lực. Lúc nghe tiếng gỗ ngôi nhà chuyển tôi nghĩ nó sắp đổ nên kéo ba mẹ con chạy ra giữa trời mưa bão mà nằm bám cỏ, cây nên mới may mắn giữ được mạng. Kể đến đây, ông Trường bất giác dừng lại rồi khóc. Ông nói: Sống tưởng là mừng nhưng nhìn nhà cửa như ri thì sống có bằng chết không hở trời???
Anh Võ Đại Nghĩa thẩn thờ trước hồ tôm bị bão tàn phá |
Hoàn cảnh như ông Trường, theo ông Ngô Văn Ngãi, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy thì ở địa phương còn nhiều lắm. Trong đó, ngay cả nhiều người đang làm ăn khấm khá cũng bỗng chốc mất mát gần như trắng tay. Trường những hoàn cảnh trắng tay mà ông Ngãi muốn nói đến là những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương trong việc nuôi trồng thủy hải sản. Trận cuồng phong vừa qua cũng trút đi nhiều ao nuôi tôm, nuôi cá đang chuẩn bị thu hoạch của bà con.
Ngư Thủy Trung năm nao nỗi tiếng cả nước về chuyện Đại đội pháo binh nữ bắn cháy tàu chiến Mỹ là vùng biển bãi ngang nên đa số cuộc sống người dân ở đây chẳng lấy lấy gì làm khấm khá, vì vậy với thiệt hại do bão gây ra chắc chắn càng làm cho bà con khó khăn hơn.
Tại huyện Quảng Trạch, xã biển Cảnh Dương cũng nằm trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại. Toàn xã Cảnh Dương có hơn 370 tàu thuyền thì hơn 1/3 số đó bị bão đánh vỡ hoặc chìm dù rằng việc phòng chống đã được ngư dân ở đây thực hiện rất nghiêm túc và bài bản.
Anh Nguyễn Ngọc Phú, ngư dân ở Cảnh Dương có tàu bị bão đánh chìm ngậm ngùi nói: Đúng là "dâu bể một giờ" chú ạ. Tôi vay mượn tiền mua tàu còn chưa trả được. vậy mà bây giờ xẩy ra nạn này thì làm sao mà giải quyết đây???
Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương chia sẽ: hoàn cảnh như anh Phú trong xã còn nhiều lắm. Dưới biển thuyền tan nát nhưng trên bờ cũng thê thảm lắm. Hàng chục năm qua, làng biển Cảnh Dương chưa bao giờ gặp một trận bão ác đến như thế này với sức gió giật cấp 13-14, còn sóng biển cao hơn 3-4 m. Dân làn Cảnh Dương xưa nay can trường với sóng gió vậy mà gặp cơn bão số 10 này, đúng là khiếp sợ. Toàn xã Cảnh Dương theo thống kê chưa đầy đủ có hơn 80% ngôi nhà bị tốc mái, nhiều nhà bị sập đổ trước trận cuồng phong. Nhiều người dân vì vậy bỗng chốc trắng tay và lâm vào cảnh màn trời chiếu đất....
Đi một vòng từ Nam ra Bắc trên chiều dài 112 km bờ biển ở tỉnh Quảng Bình mới biết không chỉ có Ngư Thủy Trung, Cảnh Dương mà ở đâu cũng thấy cảnh hoang tàn, tơi tả với bao thân phận thảm thương do trận bão số 10 với cái tên mỹ miều "cánh bướm" gây ra...
Doanh nghiệp cũng buồn
Cơn bão số 10, với ngư dân như đã nêu ở trên là quá nhiều thiệt hại thì những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản ở tỉnh Quảng Bình cũng chẳng khác là bao.
Tàu thuyền của ngư dân bị bão đánh vỡ. |
"Sao Thần nông năm 2009" Võ Đại Nghĩa, nỗi tiếng ở tỉnh Quảng Bình với Khu trang trại đa ngành nghề trị giá hàng trăm tỷ đồng ở vùng biển xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Trong cơn bão số 10, 7 hồ nuôi tôm đang chuẩn bị thu hoạch của anh bị nước lũ tràn qua cuốn hết số tôm trong hồ với thiệt hại ước tính lên đến 7 tỷ đồng. Chưa hết, mấy hồ nuôi cá với ước lượng khoảng vài chục tấn cũng bị vỡ nên toàn bộ số cá coi như mất trắng.
Theo anh Nghĩa, mất của xót lòng đã đành, bây giờ, giữ được 23 hồ nuôi tôm còn lại cũng là bài toán hóc búa. Hiện nay, điện do mất điện lưới nên muốn chạy máy sục khí, thay nước cho tôm anh phải dùng đến 2 máy nổ. Mỗi ngày hai máy này dùng hết hơn 50 triệu tiền dầu nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nên anh Nghĩa cũng đang liên hệ để thuê thêm 2 máy nổ nữa về để phục vụ cho nuôi trồng ở trang trại.
Giống hoàn cảnh trang trại của Võ Đại Nghĩa còn có trại giống nuôi tôm thẻ chân trắng của Chi nhánh trại giống Quảng Bình thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy. Trong hơn 5 giờ bão số 10 càn quét, toàn bộ hệ hệ thống cột điện nội bộ trại giống đều bị bẻ gãy. Chính vì vậy, do không có điện cung cấp chỉ trong khoảng chưa đến 2 giờ đồng hồ sau cơn bão, 75 triệu con tôm giống với giá trị hơn 7 tỷ đồng đã bị chết. Theo bà Nguyễn Thị Thắm, lãnh đạo trại giống thì thiệt hại như thế chưa hết bởi 3.000 con tôm giống bố, mẹ nhật từ Thái Lan với giá thành mỗi con lên đến 1,5 triệu đồng cũng bị ảnh hưởng nặng và chưa biết sẽ thế nào nếu không có điện sớm để cung cấp ô xy, thay nước và thực hiện các biện pháp chăm sóc khác....
Theo ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình thì thiệt hại của ngư dân và doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản ở tỉnh Quảng Bình là quá lớn. Vì vậy, để giúp người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả Quảng Bình cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều phía nhất là Trung ương....
Được biết, theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này toàn tỉnh Quảng Bình có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân bị đánh vỡ hoặc chìm; diện tích nuôi trồng thủy sản mất trằng hơn 2.500 ha với tổng giá trị thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Riêng hồ tôm có 200 ha mất trắng với số tiền thiệt hại gần 150 tỷ đồng.
Mạnh Thành