Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), từ ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện quy định về việc phát triển thuê bao mới, mặc dù vậy, vẫn còn tình trạng SIM rác được phản ánh từ một số cơ quan báo chí và người sử dụng.
Các doanh nghiệp viễn thông đã rà soát những người dùng đứng tên từ 4-9 SIM, từ đó phát hiện ra một số lượng tương đối lớn, khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4-9 SIM/1 giấy tờ. Cục Viễn thông sẽ rà soát thêm để có hoạt động chuẩn hóa thông tin, chặn thuê bao có dấu hiệu thông tin không chính xác.
“Người dùng di động cần tích cực sử dụng dịch vụ nhắn tin tới đầu số 1414, kèm theo số căn cước công dân để xem đang đứng tên bao nhiêu SIM, từ đó có hoạt động chuẩn hóa hoặc đăng ký lại thông tin thuê bao”, ông Nguyễn Phong Nhã cho biếti.
Đối với việc ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Cục Viễn thông đã cùng các nhà mạng triển khai việc cung cấp tên định danh (brandname) cho cuộc gọi. Dịch vụ này hiện đã thử nghiệm với Bộ Công an và một số đơn vị.
Cục Viễn thông kỳ vọng biện pháp định danh sẽ giúp người dân khi nhận cuộc gọi, tin nhắn biết được đây là thông tin liên hệ chính xác từ một cơ quan xác định.
Trước đó, chia sẻ tại hội thảo phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng mới đây, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Tập đoàn VNPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cho biết: Việc giải quyết vấn đề SIM rác là trách nhiệm lớn của các nhà mạng trong cuộc chiến chống lừa đảo, bảo vệ người dùng Internet Việt Nam.
“Bộ TT&TT hiện chỉ đạo rất quyết liệt về việc này. Quyết liệt đến mức đã có văn bản cảnh báo người đứng đầu như chúng tôi về câu chuyện SIM rác”, ông Tô Dũng Thái cho biết.