Lan tỏa thông điệp
Hai đêm 22/4 và 1/5, đường phố Hà Nội yên bình đã liên tục bị náo loạn, rồi chết lặng bởi những âm thanh tang tóc từ hai vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc do "ma men" lái xe gây ra. Chỉ trong vài giây phút kinh hoàng, tai nạn cướp đi sự sống của ba người phụ nữ bình dị, một công nhân vệ sinh môi trường, một giáo viên, một nhân viên phục trang nhà hát kịch, ở cùng độ tuổi 42, 43 và đang "gánh vác" trách nhiệm chính trong các gia đình có hoàn cảnh đáng thương.
Đây không chỉ là nỗi mất mát to lớn đối với gia đình nạn nhân, mà thật sự như "giọt nước tràn ly" gióng hồi chuông báo động tới cả xã hội, cần phải hành động ngay để ngăn chặn tệ nạn lái xe sử dụng bia rượu. Mặc dù, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố hai lái xe gây tai nạn kinh hoàng và sẽ có những bản án đích đáng chờ đợi, nhưng cũng đã quá muộn mằn trước sự phẫn nộ của dư luận.
Ông Nguyễn Đức Hiệp, Chủ tịch Hội Cựu học sinh cấp III Hà Nội niên khóa 1991 - 1994 chia sẻ: "Sự ra đi của hai bạn Đinh Thị Hải Yến và Trần Thị Quỳnh (một trong hai vụ tai nạn trên), thành viên Hội là nỗi tiếc thương vô hạn đối với tất cả bạn đồng niên chúng tôi. Thông điệp 'Đã uống rượu bia, không lái xe' được Hội gửi tới hơn 10.200 thành viên, để lan tỏa đến hàng vạn gia đình, để cảnh tỉnh tới cộng đồng thực hiện khẩu hiệu an toàn giao thông (ATGT) một cách kiên trì, bền bỉ và hiệu quả. Bên cạnh đó, hy vọng thông điệp sẽ song hành với những hành động thiết thực từ phía các cơ quan chức năng, như xem xét ban hành các chế tài đánh thuế sử dụng rượu bia, tăng nặng hình phạt, thậm chí không gây tai nạn cũng có thể xử tù người vi phạm... mới có thể nâng cao hiệu quả răn đe".
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tất cả lái xe hoàn toàn đủ kiến thức, kinh nghiệm, điều kiện kinh tế để hiểu "đã uống rượu bia, không lái xe", nhưng có những người vẫn không thực hiện và hậu quả là chỉ trong tích tắc, từ người tốt biến thành tội phạm giết người. Khẩu hiệu nêu trên đang được nhiều tổ chức hội, đoàn thể in ấn, tuyên tuyền sâu rộng, với hy vọng tất cả mọi người khi ngồi lên xe dễ gặp, dễ nhìn, dễ nhớ, từ đó nhắc nhở mình và người thân.
"Ủy ban ATGT Quốc gia đang vận động các nhà hảo tâm tài trợ thực hiện chương trình dán logo 'Đã uống rượu bia, không lái xe' ở phía trước tay lái của tất cả người điều khiển ô tô. Cả nước hiện có 1,8 triệu ô tô dưới 9 chỗ, hy vọng sẽ có đủ logo phát cho các lái xe thông qua đăng kiểm, tuần tra kiểm soát hay các hoạt động cộng đồng", ông Khuất Việt Hùng nói.
Kiểm soát bằng pháp luật
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), năm 2018, lực lượng CSGT đã kiên quyết xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. 4 tháng đầu năm 2019 đã xử lý gần 50.0000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Bộ Công an cũng vừa ban hành kế hoạch xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn và ma tuý, cả với ô tô và mô tô. Kế hoạch xử lý này sẽ được triển khai xuyên suốt trong năm 2019. Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về ATGT (Cục CSGT), vấn đề này cần nhìn nhận toàn diện trước văn hoá rượu bia trong cả nước.
Các quốc gia trên thế giới đều có những ràng buộc nhất định trong việc tiếp cận rượu bia của người dân, từ thuế, phí, độ tuổi. Trong khi, điều kiện tiếp cận với rượu bia của người dân Việt Nam khá dễ dàng. Do đó, việc xử phạt của CSGT chỉ là phần ngọn. Gốc vấn đề phải kiểm soát bằng pháp luật, có quy định ràng buộc rõ ràng, để người tham gia giao thông nghĩ đến chế tài xử phạt là không muốn, không dám vi phạm.
Bên cạnh đó, cần có một cuộc vận động toàn xã hội cùng lên án hành vi này. CSGT cả nước đang áp dụng biện pháp kiểm soát nồng độ cồn tương đương với các nước, kiểm soát định tính trước rồi mới kiểm soát định lượng. Chỉ cần xác định lái xe có nồng độ cồn, thì sẽ áp các mức xử phạt tương đương.
Nước ta đã xây dựng quy định và thực hiện quy định về phòng chống, xử lý vi phạm nồng độ cồn với lái xe từ 10 năm nay. Từ Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị quyết 88/ CP ngày 23/8/2011 đến Nghị định 171/CP/2013; sửa đổi, bổ sung năm 2015; Nghị định 46/ CP/2016 đều quy định và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn. Lấy con số 11.400 người chết vì TNGT vào năm 2011 và con số 8.250 vào năm 2018, thì TNGT nói chung và TNGT liên quan đến rượu bia đã giảm đáng kể. Nhưng vì sao vẫn chưa đủ sức răn đe?
Trả lời câu hỏi này, ông Khuất Việt Hùng dẫn chứng, sự phẫn nộ của xã hội qua hai vụ TNGT thương tâm nêu trên đã thể hiện nhận thức của người dân trước tệ nạn rượu bia thực sự thay đổi. Năm 2015, khi xây dựng Nghị định 171 sửa đổi, cơ quan chức năng kiến nghị bổ sung chế tài nếu tái vi phạm nồng độ cồn, thì có thể tịch thu phương tiện, nhưng kiến nghị này bị dư luận phản đối. Hay đề xuất phải xử lý hình sự hành vi uống rượu bia vẫn lái xe cũng nhận được nhiều "gạch đá" không kém. Nhưng hiện tại, cả hai đề xuất, kiến nghị này đang được dư luận hoan nghênh ủng hộ.
Bộ GTVT ngày 2/5 đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 04/ CT-BGTVT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu bia khi làm nhiệm vụ, yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/CP nghiên cứu tăng nặng mức xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm gây mất ATGT cao, nhất là liên quan đến vi phạm nồng độ cồn.
Về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Nghị định 46/CP phạt tiền vi phạm nồng độ cồn nghiêm khắc, khiến nhiều lái xe e ngại, với mức vi phạm 0,4 mg/lít khí thở bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng. Tuy nhiên, mức xử phạt đó đã đủ để răn đe hay chưa sẽ tiếp tục nghiên cứu. Hiện, có nhiều đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi uống rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng; tăng mức xử phạt lên 20 - 30 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Ở góc độ người tham gia giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị Diễn đàn Ô tô + nêu thực tế: "Hiện nay, công tác tuyên truyền đã đầy đủ, pháp luật đã có quy định rõ ràng, nhưng u thấy vụ nào được xử ngã ngũ. Vì thế, cần xử điểm để nêu gương. Không thể chỉ phạt 16 - 18 triệu đồng theo quy định, trong khi ở nước ngoài người vi phạm phải đi tù, tịch thu bằng lái vĩnh viễn. Ngoài ra, người vi phạm nồng độ cồn cần bị điền vào lý lịch. Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, bởi thay đổi hành vi là việc cuối cùng, nhưng không thể’ nói suông không ai nghe, mà phải đưa vào chế tài của pháp luật, người dân mới tuân thủ".
"Cần bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định lái xe vi phạm nồng độ cồn quá mức cho phép là một loại tội phạm; đồng thời, bổ sung các chế tài nghiêm khắc đối với vi phạm này nếu tái phạm, làm căn cứ cho việc cưỡng chế thực thi. Bài học cấm đốt pháo năm 1995 hay bắt buộc đội mũ bảo hiểm năm 2008 cho thấy chủ trương quyết tâm làm vì sự an toàn của người dân là khả thi", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết.
"Tịch thu phương tiện có thể áp dụng với trường hợp tái phạm lần 2 hoặc 3 với nồng độ cồn quá mức cho phép, có nồng độ cồn quá cao, gấp trên 3 lần mức cho phép lần 1 hoặc 2, chống người thi hành công vụ khi kiểm tra nồng độ cồn ngay lần đầu tiên", TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất.