Trao đổi với Báo Tin tức, PGS. TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khẳng định: về việc quản lý các sinh vật ngoại lai ở nước ta, phải có những thông tư, nghị định và sau này hướng tới phải luật hóa riêng.
´So với các quốc gia trên thế giới hiện nay, Việt Nam đứng ở vị trí nào trong việc thực hiện công tác quản lý và kiểm soát sinh vật ngoại lai, thưa PGS?
Việt Nam được đánh giá cao là quốc gia có nhiều chú ý trong đầu tư, xây dựng chính sách liên quan đến quản lý các loài ngoại lai và tài nguyên sinh vật. Tuy nhiên, trong điều kiện là một nước có đa dạng sinh học cao thì việc quản lý hiện vẫn rất phức tạp.
´Thưa PGS, đã có nhiều tiền lệ về việc các sinh vật ngoại lai du nhập và gây hại. Phải chăng do công tác quản lý của ta đối với những loài sinh vật ngoại lai lâu nay còn dễ dãi?
Trước nay không có chuyện nước ta dễ dãi trong việc quản lý sinh vật ngoại lai. Tuy nhiên, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại là vấn đề cực kỳ khó, bởi nhiều nguyên nhân. Đây là vấn đề của chung các quốc gia trên thế giới, không riêng gì Việt Nam, trong xu thế hội nhập ngày nay, không tránh khỏi việc trao đổi để đa dạng giống các loài cây, con.
´Vậy theo PGS, làm thế nào để cải thiện việc quản lý các sinh vật ngoại lai (trong đó có những loài xâm hại đến môi trường, mùa màng, đời sống) du nhập và phát triển ở nước ta?
Trong điều kiện trang thiết bị, hiểu biết và nhận thức của người dân cũng như xu hướng phát triển của thế giới như hiện nay, phải có các biện pháp quản lý hữu hiệu hơn.
Cần phải xây dựng các thông tư, nghị định và sau này phải luật hóa để việc quản lý hữu hiệu hơn. Hiện nay, sinh vật ngoại lai là một nhóm đối tượng trong Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực từ năm 2009. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần nghị định hướng dẫn thi hành luật này vẫn chưa được ban hành.
Đồng thời, đòi hỏi các nhà khoa học tham gia ngày càng chặt chẽ vào quá trình tư vấn, đưa ra ý kiến, phương án (phương án quản lý, phương án xử lý) giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp và thống nhất giữa cơ quan quản lý (Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ NN&PTNT) và các cơ quan khoa học để xem xét quyết định đưa loài nào vào danh sách các loài ngoại lai xâm hại để quản lý? Mức độ ảnh hưởng và sự lợi hại ra sao? Nếu không xin ý kiến của các nhà khoa học về các loài ngoại lai thì đó là một sơ suất. Và việc này đã từng xảy ra như trường hợp một công ty nhập cả công –te - nơ rùa tai đỏ, đến khi sự đã rồi mới hỏi nhà khoa học cách xử lý. Với những loài đang có nguy cơ thì phải theo dõi để tránh những hậu quả sau này.
Song song với các việc đó, phải nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan quản lý cấp xã. Dù sao, khi đã biết được thì ít ra người dân sẽ có trao đổi, hoặc báo cáo lên cấp trên.
Việc giám sát phải tăng cường, cập nhật, liên tục, vì các đối tượng này thay đổi thường xuyên; cách thức đưa vào cũng sẽ thay đổi, ngày càng tinh vi. Ngay như việc xuất nhập khẩu hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn bị nhiều đối tượng “bịt mắt”. Vì thế, luôn luôn phải đổi mới phương án kiểm tra kiểm soát, đầu tư mạnh về trang thiết bị. Các quy định đã có, nhưng cần cập nhật và bổ sung liên tục.
´Với trường hợp cỏ lạ ở Trà Vinh, theo PGS, ở thời điểm này cần có biện pháp can thiệp gì? Nhất là khi người dân đang phá hoa màu để trồng cỏ vì họ cho biết họ được thương lái hứa hẹn thu mua với giá cao?
Từ trước đến nay đã có nhiều sự việc đau lòng vì người dân nghe theo thương lái. Có thể người ta chỉ lợi dụng nông dân trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Nếu phá hết hoa màu để trồng cây này, rồi họ đột nhiên không thu mua nữa thì ai là người chịu trách nhiệm? Trong trường hợp không biết rõ về loài này, lại được hứa hẹn những quyền lợi về mặt kinh tế nên nông dân là người vô can. Tuy nhiên, nếu các cơ quan quản lý không can thiệp ngay từ đầu, để đến lúc đó thì cơ quan quản lý cấp xã, cấp huyện lại đau đầu.
Xin cảm ơn PGS!
Mạnh Minh