Cần quản lý chặt sinh vật ngoại lai

Trong điều kiện trang thiết bị, hiểu biết và nhận thức của người dân nước ta cũng như xu hướng phát triển hiện nay, trong thời gian tới cần có thêm nhiều biện pháp để việc quản lý sinh vật ngoại lai được hữu hiệu hơn.


Gây hại cho nông nghiệp, môi trường


Thời gian qua, không ít loài sinh vật ngoại lai đã xâm nhập vào nước ta gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái. Theo các nhà khoa học, sở dĩ chúng ta để xảy ra tình trạng đó do còn nhiều lỗ hỗng trong kiểm soát và quản lý các loại sinh vật này.

 

Những bài học vô giá


Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, những năm qua, ở nước ta đã xuất hiện nhiều động, thực vật ngoại lai. Phần lớn các loài xâm lấn được nhập khẩu. Một số loại khác được nhập khẩu một cách vô tình cùng với hàng hóa. Cây mai dương (còn gọi là cây xấu hổ), ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, chuột hải ly, tôm hùm đỏ... là những loài du nhập theo hướng đó. Một vài loài trong số đó đã trở thành những mối hiểm họa cho sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái.


 

Rùa tai đỏ trèo lên cành cây để tắm nắng. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Thạc sĩ Trần Văn Hiến (Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long) cho biết, cây mai dương là một loài thực vật ngoại lai xâm lấn mạnh, có nguồn gốc từ vùng Trung Mỹ hiện nay đã thật sự là một hiểm họa của sinh thái nông nghiệp nước ta. Theo Thạc sĩ Trần Văn Hiến, chưa một loại dịch hại tự nhiên nào có thể kiểm soát và hạn chế được sự lây lan của loài cây này. Ở những nơi chúng mọc thì không một loài thực vật, động vật nào sống được dưới tán của chúng. Chúng cạnh tranh với đồng cỏ, ngăn cản dòng chảy của nước, đe dọa tới chăn nuôi gia súc và ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Hiện nay nhiều vùng ở nước ta xuất hiện cây này, như: Đồng Nai, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang)...


Theo số liệu của Vườn quốc gia Tràm Chim, cây mai dương đã lấn chiếm hơn 2.000 ha, làm mất dần thảm thực vật bản địa, dẫn đến thay đổi hệ động, thực vật bản địa, làm giảm giá trị bảo tồn của vùng đồng cỏ ngập nước còn lại duy nhất của Đồng Tháp Mười. Tại nhiều địa phương khác, cây mai dương cũng xâm lấn vào đất nông nghiệp, bờ sông, bờ kênh làm cản trở giao thông, tốn kém rất nhiều cho các địa phương để tiêu diệt chúng.


Ốc bươu vàng cũng là một mối họa đã được thực chứng. Ban đầu, loài này vào nước ta bởi một số người đưa về làm cảnh. Về sau, chúng thoát ra ngoài môi trường tự nhiên và trở thành loài dịch hại nghiêm trọng nhất cho cây lúa. Loài này đã xuất hiện và gây hại ở hầu hết các tỉnh thành và nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm ước tính hàng trăm ha lúa thiệt hại vì ốc bươu vàng.


Việc hạn chế, tiêu diệt các loài sinh vật ngoại lai có hại không đơn giản. Theo PGS TS Phạm Bình Quyền (Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam), với một số loài (như cây keo vua) có thể dễ dàng hạn chế, nhưng nhiều loài rất khó tiêu diệt. Các loài này đã gây nên thiệt hại cực kỳ to lớn. Nền nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất và ảnh hưởng trước tiên. Chúng ta đã từng phải bỏ cả triệu triệu đô la cho việc xử lý nạn ốc bươu vàng. Còn cây bèo Nhật Bản hiện nay sinh sôi phát triển rất mạnh tràn ngập khắp nơi đe dọa gây tắc cống, tắc thủy vực, gây vỡ đập, vỡ đê... mà hiện nay cũng chưa có cách nào tiêu diệt.

 

Nhiều bất cập trong kiểm soát


Người dân hiểu biết chưa nhiều về sinh vật ngoại lai, hoặc ý thức kém. Trong khi đó, các hệ thống kiểm soát vẫn còn “bỏ lọt”, nhất là các đối tượng mang sinh vật ngoại lai vào theo đường tiểu ngạch. Đó là những bất cập trong kiểm soát loài sinh vật ngoại lai.


 

Người dân xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum triệt hạ cây mai dương. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Theo PGS TS Phạm Bình Quyền, hiện nay, chế tài rất lỏng lẻo trong kiểm soát các loài sinh vật lạ vào Việt Nam. “Có một lỗ hổng rất lớn trong quản lý dẫn đến việc để mất mát nguồn gen các loài ở nước ta cũng như việc phải gánh chịu những thiệt hại do tiếp nhận các loài sinh vật ngoại lai vào để trồng, nuôi. Mang vào cũng dễ, mang ra cũng dễ”, PGS Quyền nói.


Theo quy định của Luật Đa dạng sinh học, muốn đưa một giống mới về trồng thì phải được cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho phép. Nhưng điều mà PGS Phạm Bình Quyền băn khoăn là: “Hiện nay, nhận thức pháp luật của người dân còn kém, họ chưa ý thức được đầy đủ khi sử dụng nguồn tài nguyên của đất nước. Có trường hợp, cán bộ có thể biết mà làm ngơ”. Bên cạnh đó, đối với việc du nhập các giống này qua con đường cá nhân mang lẻ (đi du lịch) thì hiện nay nhiều khi cơ quan quản lý không yêu cầu chặt chẽ, không muốn gây phiền hà, còn khách du lịch thì không kê khai, dẫn đến không kiểm soát được.


Theo PGS. TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), việc kiểm soát qua cửa khẩu hiện nay chưa được chi tiết, vì khối lượng hàng hóa qua đây rất lớn, trong khi phương tiện kiểm tra lại chưa được hiện đại.


Theo PGS. TS Lê Xuân Cảnh, các biện pháp xử phạt những đối tượng vi phạm Luật Đa dạng sinh học hiện nay là tương đối thỏa đáng. Cái khó là các cá nhân cố tình vi phạm, các công ty lách luật, vì lợi nhuận mà họ bất chấp. Sự lan tràn các loài sinh vật ngoại lai có hại trong thời gian qua phần nhiều là do nhận thức và ý thức của người dân. 

 

Mạnh Minh

Phải luật hóa việc quản lý sinh vật ngoại lai

Trao đổi với Báo Tin tức, PGS. TS Lê Xuân Cảnh (ảnh), Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khẳng định: về việc quản lý các sinh vật ngoại lai ở nước ta, phải có những thông tư, nghị định và sau này hướng tới phải luật hóa riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN