Người dân vận hành máy bơm nước từ suối vào đồng ruộng ở thị trấn Sa Thầy (Kon Tum). Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN |
Ngày nước Thế giới được tổ chức thường niên vào ngày 22/3 hàng năm. Năm 2016 nhấn mạnh đến cả hai vấn đề - “Nước và Việc làm” đều có sức mạnh tác động thay đổi cuộc sống của người dân. Bởi nước là trung tâm của cuộc sống và việc làm bền vững có thể đem lại thu nhập, mở đường cho tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế.
Ngày nay, khoảng 1,5 tỷ người đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến nước và hầu hết các công việc của họ đều phụ thuộc vào nguồn nước. Tuy vậy, hàng triệu người có công việc liên quan đến nguồn nước lại không được công nhận hoặc không được bảo vệ bởi các quyền lao động cơ bản. Do đó, câu hỏi được đặt ra đối với mỗi quốc gia trong thời điểm này chính là làm sao quản lý tài nguyên nước hiệu quả để phát triển bền vững, từ đó giúp thay đổi và ổn định cuộc sống từng người dân.
Luật hóa tài nguyênNước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống của con người, sự phát triển bền vững của mọi quốc gia và là ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững. Theo ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ở Việt Nam, tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với phát triển bền vững đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động trong cộng đồng. Từ đó đặt ra yêu cầu phải quản lý bền vững và hiệu quả hơn các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Một phương thức quản lý tài nguyên nước đã được áp dụng thành công ở một số nước trên thế giới và ngày càng chứng tỏ là một phương thức quản lý hiệu quả đang được nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam nghiên cứu áp dụng là quản lý tài nguyên nước phải theo phương thức tổng hợp, sử dụng đa mục tiêu và phải gắn với các tài nguyên thiên nhiên khác.
Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam, đã được thể hiện xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước năm 2006 “Quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông. Cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tài nguyên nước phải được phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Phải coi sản phẩm nước là hàng hóa; sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước”. Đồng thời, phương thức quản lý này cũng được thể hiện thống nhất trong các nghị định, quyết định, thông tư cũng như trong việc triển khai chính sách quản lý tài nguyên nước ở các cấp.
Đặc biệt, quan điểm quản lý tổng hợp, toàn diện tài nguyên nước đã được luật hóa và được quy định trong Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 - văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực tài nguyên nước. Theo đó, một trong những nguyên tắc quản lý tài nguyên nước đã được quy định trong Luật là: ”Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính.” và “ Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác”. Cùng với nguyên tắc này, Luật cũng đã thể chế các quy định, biện pháp cụ thể để thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong các hoạt động quy hoạch, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra...
Định hướng phù hợp với biến động tài nguyên nước
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết: Để hướng tới thực hiện thành công, hiệu quả quản lý phương thức tổng hợp tài nguyên nước, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012. Cùng với đó, cần tập trung nâng cao hiệu quả điều hành các hồ chứa thuộc Quy trình vận hành liên hồ; giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước, nhất là các nguồn nước liên quốc gia; xác định dòng chảy tối thiểu trên một số lưu vực sông lớn, quan trọng. Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, triển khai xây dựng các trạm quan trắc tài nguyên nước, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác quy hoạch, trước hết là triển khai quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Cùng với đó, các ngành phải kịp thời thực hiện đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với tài nguyên nước trên lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long, khẩn cấp đề xuất các giải pháp nhằm thích ứng với những hậu quả do tác động của biến đổi khí hậu gây ra đối với tài nguyên nước, từ đó xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch phát triển phù hợp với những biến động của tài nguyên nước. Đối với việc chia sẻ và sử dụng chung nguồn nước, cần đẩy mạnh và tăng cường hợp tác với các nước có chung nguồn nước với Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước.