'Nóng' trong tuần: Phiên toà phúc thẩm vụ ‘chuyến bay giải cứu’ và xét xử vụ Việt Á; Khởi tố, khám nhà cựu Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến

Trong tuần từ ngày 29/10 – 4/11, trong nước đã diễn ra một số sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm của dư luận: Đại hội Hội nông dân Việt Nam; Giá vàng vượt mọi “đỉnh”, Thủ tướng ra công điện về quản lý thị trường vàng; Trao giải thưởng Sách Quốc gia; Tuyên án phúc thẩm vụ "Chuyến bay giải cứu và phiên tòa xét xử vụ Việt Á; Khởi tố bị can, khám nhà cựu Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến

Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Trong các ngày từ 25-27/12/2023, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã được tổ chức, với sự tham dự của 995 đại biểu, đại diện cho 10 triệu hội viên Hội Nông dân Việt Nam toàn quốc.

Chú thích ảnh
Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 ra mắt. Ảnh: TTXVN

Tại phiên khai mạc trọng thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.

Với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển", Đại hội đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ 5 năm tới (2023 - 2028).

Theo đó, Đại hội đề ra 5 mục tiêu chung cho cả nhiệm kỳ, trong đó có nội dung Xây dựng người nông dân văn minh, giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật và nếp sống văn minh; nâng cao trình độ, năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của nông dân để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đại hội đã biểu quyết thông qua 17 chỉ tiêu chủ yếu để làm cơ sở phấn đấu và đánh giá hiệu quả hoạt động của nhiệm kỳ mới. Đại hội đã thông qua toàn văn Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), gồm 8 chương với 26 điều. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII và các chức danh lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, tái đắc cử chức danh Chủ tịch khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Lương Quốc Đoàn cho biết, một trong 3 nhiệm vụ đột phá được Đại hội thông qua trong nhiệm kỳ tới là tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, hướng đến khắc phục những điểm yếu, tháo gỡ những nút thắt của ngành nông nghiệp hiện nay. Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng riêng đề án tham gia phát triển kinh tế tập thể. Dự thảo đề án đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ ký kết với một số ngân hàng thương mại, hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với các bộ, ngành để tham gia phối hợp, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Giá vàng trong nước cách xa giá vàng thế giới, Thủ tướng Chính phủ ra công điện chấn chỉnh thị trường vàng

Tuần qua, thị trường vàng trong nước chứng kiến phiên giao dịch được đánh giá là “vượt đỉnh mọi thời đại”, với mức giá cao trên 80 triệu đồng/lượng, cách xa giá vàng thế giới từ 18- 20 triệu đồng/lượng, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Chú thích ảnh
Giá vàng những ngày đầu tuần luôn trong trạng thái "vượt đỉnh".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành hữu quan, đặc biệt là Ngân hàng Ngà nước khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; sẵn sàng các biện pháp xử lý, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước có các giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng

Sau công điện của Thủ tướng, giá vàng chiều 28/12 quay đầu giảm mạnh.

Ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-C về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.

Trao tặng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6

Tối 29/12, tại Hà Nội, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đã trao Giải thưởng Sách quốc gia cho 41 cuốn sách, bộ sách. Trong đó, 2 giải A thuộc về: Tác phẩm "Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển" của nhóm tác giả: Bùi Công Quế (chủ biên), Phùng Văn Phách, Đỗ Duy Cường, Trần Tuấn Dũng, Lê Đức Anh - do Nhà Xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ xuất bản và bộ sách "Chào tiếng Việt" (Cấp độ 1: Ra khơi, Cấp độ 2: Khám phá) của tác giả Nguyễn Thụy Anh do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản.

Chú thích ảnh
Nhóm tác giải và Nhà xuất bản giành thưởng cao nhất. Ảnh: Lê Sơn

Ban tổ chức cũng trao 10 giải B, 11 giải C, 18 giải Khuyến khích cho các cuốn sách, bộ sách giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao.

Cũng trong dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao Bằng khen tặng các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, doanh nghiệp sách có thành tích xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền quảng bá, xuất bản, phát hành sách số lượng lớn, góp phần phát triển văn hóa đọc.

Trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trưng bày, triển lãm những cuốn sách, công trình nghiên cứu đặc biệt có giá trị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nhiều tác phẩm lý luận chính trị quan trọng khác và toàn bộ sách đoạt giải qua các kỳ trao giải từ lần thứ nhất đến nay.

Tuyên án phúc thẩm vụ chuyến bay giải cứu

Sáng 25/12/2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 21 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”.

Chú thích ảnh
Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án, chiều 28/7/2023. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trước đó, từ 11 - 28/7/2023, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 54 bị cáo các mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân, về 5 tội danh: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Sau bản án sơ thẩm, đã có 23 bị cáo kháng cáo, tuy nhiên sau đó, có 2 bị cáo Ngô Quang Tuấn và Nguyễn Anh Tuấn đã rút đơn kháng cáo.

Sáng 27/12/2023, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ "chuyến bay giải cứu" xét xử các bị cáo có kháng cáo. Đáng chú ý, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo: Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế) tù chung thân về tội "Nhận hối lộ"; Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) tù chung thân về tội "Nhận hối lộ"; Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) tù chung thân về tội "Nhận hối lộ"; Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ"; Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Hòa) 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Đưa hối lộ"; Phạm Bích Hằng (Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Quốc tế) 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ".

Tuyên án 7 bị cáo trong vụ Việt Á
Sau ba ngày xét xử và nghị án, chiều 29/12, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã tuyên án đối với 7 bị cáo trong vụ án liên quan đến Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị liên quan.

Theo đó, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Á) bị phạt 15 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hợp hình phạt chung đối với Phan Quốc Việt là 25 năm tù.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 27/12/2023. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Đối với nhóm bị cáo bị kết án về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Tòa đã tuyên phạt: Hồ Anh Sơn (cựu Thượng tá Quân đội, cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân Y) 12 năm tù, Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) 15 năm tù.

Bốn bị cáo còn lại bị kết án về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" bị tuyên phạt các mức án gồm: Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) 6 năm tù, Nguyễn Văn Hiệu (cựu Đại tá, Trưởng phòng, Phòng Trang bị - Vật tư, Học viện Quân y) 7 năm tù, Ngô Anh Tuấn (cựu Thiếu tá, Trưởng phòng, phòng Tài chính, Học viện Quân y) 4 năm tù, Lê Trường Minh (cựu Thiếu tá, Trưởng ban, Ban Hóa dược, Phòng Trang bị - Vật tư, Học viện Quân y) 6 năm tù.

Về hình phạt bổ sung, Tòa tuyên cấm các bị cáo: Trịnh Thanh Hùng, Hồ Anh Sơn, Nguyễn Văn Hiệu, Lê Trường Minh, Ngô Anh Tuấn, Vũ Đình Hiệp đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong 2 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù. Riêng bị cáo Phan Quốc Việt bị cấm đảm nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo 4 năm.

Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học Hợp nhất, Công ty Việt Á và Hồ Anh Sơn phải bồi thường, bồi hoàn cho Học viện Quân y hơn 46 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã được bồi thường là hơn 10,7 tỷ đồng; còn lại gần 35,5 tỷ đồng (trong đó, Công ty Việt Á phải bồi thường hơn 32,2 tỷ đồng, bị cáo Hồ Anh Sơn hơn 1,6 tỷ đồng và Công ty Hợp nhất 98 triệu đồng). Ngoài ra, bị cáo Hồ Anh Sơn còn phải bồi thường 4,28 tỷ đồng để sung ngân sách Nhà nước.

Do vụ lợi cá nhân nên từ tháng 1/2020, các bị cáo đã thông đồng, đưa Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á vào tham gia đề tài với vai trò là cơ quan phối hợp, sản xuất 20.000 kit xét nghiệm thử nghiệm; sau đó để Công ty này được cấp phép, sản xuất thương mại trái pháp luật bộ kit. Hành vi gian dối của các bị cáo trong việc tiếp nhận, nghiên cứu, nghiệm thu, quyết toán đã xâm phạm tính đúng đắn của cơ quan, tổ chức, quân đội, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân.

Khởi tố bị can, khám nhà cựu Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến

Tối 29/12, Công an tỉnh Thanh Hóa đã quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét nhà và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Trịnh Văn Chiến (đã từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020; đã bị cách hết các chức vụ trong Đảng) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 điều 219 bộ luật Hình sự để điều tra sai phạm liên quan đến dự án Hạc Thành Tower. Quyết định đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.

Chú thích ảnh
Dự án Hạc Thành Tower.

Theo tài liệu của cơ quan công an, năm 2013, khi làm Chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hoá, ông Trịnh Văn Chiến đã yêu cầu Sở Tài chính Thanh Hoá tham mưu để ông đồng ý phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp vào ngân sách Nhà nước của Công ty Sông Mã với đơn giá 21 triệu đồng/1m2, mức giá thấp khiến ngân sách Nhà nước thiệt hại hơn 55,8 tỷ đồng. Vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khởi tố vụ án để tiến hành các hoạt động điều tra.

Trước đó, ngày 2/10/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định thi hành kỷ luật Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trịnh Văn Chiến (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa).

PV/Báo Tin tức.
Khởi tố bị can, khám nhà ông Trịnh Văn Chiến
Khởi tố bị can, khám nhà ông Trịnh Văn Chiến

Ngày 29/12, Công an tỉnh Thanh Hóa đã quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét nhà và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Trịnh Văn Chiến (đã từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020; đã bị cách hết các chức vụ trong Đảng) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 điều 219 bộ luật Hình sự để điều tra sai phạm liên quan đến vụ án Hạc Thành Tower. Quyết định đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN