Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy và Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương. |
Những bước chân lầm lỡ Nằm sau bức tường cao hàng mét là tòa nhà các trại, đội, thuộc Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy và Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Các học viên tập trung thành từng nhóm nhỏ, miệt mài lao động, tăng gia sản xuất. Mỗi học viên đều có một hoàn cảnh khác nhau nhưng có điểm chung duy nhất là trải qua quãng đời lầm lỡ, tập trung tại đây để cai nghiện.
Anh Nguyễn Trường G, 42 tuổi, quê ở huyện Bình Giang (Hải Dương) đã cai nghiện tại Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy được 11 tháng. Anh G tâm sự: Tôi có “thâm niên” nghiện 18 năm. Tôi cũng đã đi cai nghiện nhiều lần ở nhiều nơi nhưng vẫn tái nghiện.
Trước khi vào trung tâm, anh G là lái xe. Ở trong tổ, anh G là người cao tuổi nhất, mới phát hiện mình mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Anh G cho biết thêm. Từ khi vào Trung tâm, việc ăn, nghỉ điều độ và luyện tập thể thao, lao động sản xuất nên anh cảm thấy khỏe hơn, tinh thần phấn chấn, vui vẻ.
Các học viên của Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy và Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương lao động trị liệu và học nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ. |
Cùng tổ sản xuất với anh G có Phạm Trường Đ, một cậu bé thư sinh, trắng trẻo, nếu không được cán bộ Trung tâm giới thiệu không ai nghĩ Đ cũng là học viên đang cai nghiện tại đây. Mới bước sang tuổi 15, Đ là học sinh một trường Trung học cơ sở ở Hà Nội nhưng đã sớm vướng vào ma túy.
Đ cho biết: Bố mẹ em đi làm từ sáng đến tối. Ở nhà, những lúc rảnh, em lên mạng chơi game online với bạn bè và rồi nghiện game lúc nào không hay. Em thường xuyên “cày game” tại các quán Internet và được bạn game cho dùng ma túy đá. Vào Trung tâm, được các cô, chú chỉ bảo, tham gia lao động cùng mọi người, em đã hiểu ra rất nhiều điều. Hiện nay, bố mẹ đã gửi sách vở vào Trung tâm để em ôn lại kiến thức, mong ngày trở về để tiếp tục đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Anh Phạm Xuân T, sinh ra trong một gia đình gia giáo ở thành phố Hải Dương, bố T công tác trong lực lượng vũ trang, do bạn bè lôi kéo, không làm chủ được bản thân nên T đã rơi vào con đường nghiện ngập. Vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương, T quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh T cho biết: Đến nay, anh đã cai được ma túy, sức khỏe tốt hơn so với trước kia.
Những người nghiện như anh T, anh G… khi bước vào các Trung tâm, cơ sở cai nghiện đều mang quyết tâm từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Coi học viên như người thân Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, hiện có 339 học viên đang được điều trị cắt cơn, giải độc tại Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy và Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương; trong đó có 32 học viên bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cai nghiện bắt buộc (được điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh), còn lại là học viên tự nguyện.
Tư vấn sức khỏe cho các học viên của Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy và Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương. |
Mỗi người nghiện khi vào điều trị, cán bộ Trung tâm đều phải lựa theo tình hình thể trạng bệnh nhân để có thể điều trị cắt cơn, ổn định tâm lý bệnh nhân, y sỹ Phạm Hữu Đạt, Trưởng phòng điều trị nội, ngoại trú, Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy chia sẻ.
Theo các cán bộ Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy, phải có tâm, yêu nghề mới có thể làm được công việc này. Do các đối tượng vào cai nghiện ma túy hiện nay phần lớn do sử dụng ma túy tổng hợp, ảnh hưởng tới não bộ nên việc cắt cơn, chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Các bệnh nhân mới vào, khi lên cơn nghiện đều la hét, kêu gào, thậm chí còn hằn học, gây sự… với cán bộ điều trị.
Việc điều trị khó khăn nhất là giai đoạn cắt cơn, trong 10-15 ngày đầu tiên khi bệnh nhân vào trung tâm. Do đó, các y, bác sỹ, cán bộ thuộc Trung tâm phải đồng hành cùng học viên bất kể ngày hay đêm để ổn định tư tưởng của họ. Thời gian này, Trung tâm chú trọng chế độ dinh dưỡng cho học viên. Kết thúc giai đoạn cắt cơn, do chế độ ăn, ngủ điều độ, các học viên đều tăng từ 3-4 kg.
Chia sẻ về công việc, anh Nguyễn Văn Hiệp, Phó Trưởng phòng bảo vệ, quản lý học viên - Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương cho biết: Chúng tôi luôn coi học viên như người thân trong nhà. Từ đó, rút ngắn khoảng cách giữa cán bộ và học viên, quá trình điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhiều học viên đã suy nghĩ tích cực hơn, chịu khó vận động, tập thể thao, học nghề và tái hòa nhập cộng đồng sau khi cai nghiện thành công.
Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương, công tác điều trị, quản lý học viên gặp nhiều khó khăn do phải tiếp nhận những người nghiện vào cai bắt buộc. Những đối tượng này phần lớn là người nghiện có thời gian sử dụng ma túy rất lâu, nơi cư trú không ổn định, thiếu sự quan tâm của gia đình. Đối với những học viên này, các cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương phải động viên, cảm hóa, tư vấn để họ lấy lại cân bằng, coi nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình để yên tâm điều trị.
Ông Vũ Thành Phương, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương cho biết: Với quan điểm “người nghiện ma túy là người bệnh" và "cơ sở cai nghiện ma túy là nơi chữa bệnh”, thời gian qua, đơn vị đã chăm lo cho người nghiện theo đúng tinh thần “đến để chữa bệnh chứ không phải bị cách ly”. Cơ sở cũng đã xây dựng phòng tập phục hồi chức năng kết hợp phương pháp chữa bệnh Đông y, Tây y, giúp học viên nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Không chỉ điều trị cắt cơn, dạy nghề, các cơ sở cai nghiện của tỉnh Hải Dương còn luôn quan tâm nâng cao đời sống tinh thần cho học viên. Ông Bùi Quốc Trình, Giám đốc Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương cho biết: Hàng ngày, Trung tâm tổ chức cho học viên chơi thể thao để tăng cường sức khỏe, tinh thần đoàn kết.
Các học viên của Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy và Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương tập Gym để nâng cao sức khỏe.
|
Ngoài ra, Trung tâm tổ chức chương trình văn nghệ, giao lưu hát karaoke giữa các học viên; tổ chức thi đấu thể thao nhân các dịp nghỉ lễ, Tết… Các cơ sở cai nghiện còn phối hợp với Thư viện tỉnh mở thư viện với nhiều đầu sách phù hợp nhu cầu của học viên. Học viên cũng thường xuyên được giao lưu với học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn nhằm giúp họ tự tin hơn khi tái hòa nhập cộng đồng.
Mỗi học viên vào Trung tâm sẽ được điều trị theo quy trình: Khám sức khỏe ban đầu để xác định tình trạng nghiện, tư vấn tâm lý, phổ biến nội quy, quy chế, đưa về khu vực cắt cơn, giải độc. Sau khi hồi phục sức khỏe sẽ được đưa về các lớp để tiếp tục điều trị, giáo dục hành vi nhân cách, tham gia học tập, lao động, học nghề. Hiện Trung tâm đang tổ chức cho học viên tham gia lao động trị liệu và học các nghề như: Mộc, làm hương, trồng rau, làm đậu, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Bên cạnh đó, Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương còn phối hợp với Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Hải Dương tổ chức tư vấn, tuyên truyền về công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy cho cán bộ làm công tác lao động xã hội, lực lượng Công an, cộng tác viên tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương cũng đã cử cán bộ tới từng gia đình học viên để tư vấn, điều trị ngoại trú, đẩy mạnh công tác quản lý sau cai đối với người đã tham gia điều trị tại các đơn vị trên.
Quá trình điều trị, lao động trị liệu tại các Trung tâm cai nghiện của tỉnh Hải Dương bước đầu đã giúp học viên sớm cai nghiện, làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, để việc cai nghiện đạt hiệu quả, chống tái nghiện, bên cạnh nỗ lực của cán bộ cai nghiện, mỗi học viên cần có sự chung tay từ phía gia đình và toàn xã hội.
Đặc biệt, cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để tiếp nhận, tạo việc làm ổn định cho người đã từng nghiện ma túy và cai nghiện thành công, ông Bùi Quốc Trình nói.