Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11):

Nối dài tình nhân ái, san sẻ yêu thương

Ngày 23/11 là ngày truyền thống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Với 78 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, Hội không ngừng phát huy truyền thống nhân đạo cao đẹp.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ - Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”, Hội Chữ thập đỏ các cấp luôn đi đầu trong các phong trào thiện nguyện. 

Chú thích ảnh
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 300 thùng hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ từ Trung ương Hội gửi, ngày 11/9/2024. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Công tác xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân; vận động hiến máu tình nguyện; xây nhà cho đối tượng khó khăn; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa, đại dịch COVID-19… là những hoạt động trở thành “thương hiệu” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, để lại những dấu ấn sâu sắc trong cộng đồng.

Vấn đề nhà ở luôn là một thách thức lớn với các hộ nghèo, cận nghèo. Trên khắp đất nước vẫn còn nhiều gia đình phải sống trong những căn nhà tạm bợ, thiếu an toàn, không đủ điều kiện sinh hoạt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người dân. Thế nên mô hình xây dựng nhà tình thương, nhà chữ thập đỏ của Hội đã giúp cho nhiều người nghèo có mái ấm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Là ngư dân nghèo, không có điều kiện xây nhà mới, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, ông Thông Văn Tuấn tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước và Bình Thuận hỗ trợ xây dựng căn nhà 72m2, trị giá 160 triệu đồng, trong đó 73 triệu đồng do các cấp hội huy động đóng góp. Trong lễ bàn giao nhà mới cho gia đình vào cuối tháng 8/2024, ông Tuấn vô cùng xúc động bởi đây không chỉ là mái ấm mới mà còn là nguồn động viên lớn lao, giúp gia đình ông vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và yên tâm lao động, vươn lên khó khăn.

Chú thích ảnh
Tổ chức khởi công công trình nhà nhân đạo trong chương trình “Mảnh ghép nhà yêu thương” cho gia đình bà Phạm Thị Gái, trú tại tổ dân phố Lai Thành I, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà. Ảnh: Mai Trang/TTXVN

Còn Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Cà Mau hỗ trợ sinh kế và tặng áo phao, cờ Tổ quốc cho ngư dân khó khăn tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau). Trong đó, gia đình bà Huỳnh Thị Thúy được hỗ trợ xây dựng nhà chữ thập đỏ trị giá 50 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Văn Mía nhận trao 10 triệu đồng hỗ trợ sinh kế còn 20 ngư dân nghèo của xã Khánh Tiến được tặng áo phao và cờ Tổ quốc, giúp họ có thêm trang bị an toàn khi ra khơi.

Đặc biệt, thời gian qua, thiên tai, bão, lũ đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều vùng miền của đất nước, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Các cấp Hội Chữ thập đỏ đã không quản hiểm nguy, nhanh chóng vượt bão lũ tiếp cận người dân vùng ảnh hưởng, cung cấp khẩn cấp thực phẩm, nước uống, thuốc men, quần áo, chăn màn và các vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Sau thiên tai, Hội Chữ thập đỏ các kịp thời rà soát thiệt hại, đồng thời hỗ trợ nguồn lực cần thiết để người dân tái thiết cuộc sống sau thiên tai, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.

Chú thích ảnh
Thi công xây dựng tại Khu tái định cư làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN.

Thôn Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã trở thành nỗi đau chung của người dân Việt Nam khi bị lũ quét, làm hơn 50 người thiệt mạng, nhiều người thương, cho đến nay vẫn còn nhiều người mất tích chưa được tìm thấy. Dân tộc Việt Nam với tinh thần đoàn kết, nhân ái đã nhanh chóng góp công, góp của, sẻ chia nỗi đau để giúp đồng bào hoạn nạn sớm ổn định, tái thiết cuộc sống. Trưởng thôn Làng Nủ Hoàng Văn Diệp chia sẻ: Cùng sự chung tay của đồng bào cả nước, người dân thôn Làng Nủ sau những ngày mưa lũ với quá nhiều đau thương đang dần trở lại cuộc sống thường nhật.

Anh Hoàng Văn Thới - người đàn ông duy nhất sống sót trong gia đình 6 người ở Làng Nủ đã vô cùng cảm kích trong giây phút chia tay với bộ đội, khóc nghẹn ngào, ôm chầm lấy từng chiến sĩ... Thật vui mừng là với tinh thần tương thần tương ái, những ngày giữa tháng 11/2024, ngôi nhà sàn bằng bê tông đầu tiên tại khu tái định cư Làng Nủ đã được hoàn thiện. Khu tái định cư được xây dựng tại Đồi Sim, có địa hình cao, rộng rãi, đảm bảo an toàn, cách thôn cũ khoảng 2 km, mang lại niềm phấn khởi cho người dân.

Chú thích ảnh
Các suất quà gồm nhu yếu phầm được chuyển đến cho người dân. Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN

Cũng do ảnh hưởng của bão, nhà bà Bùi Thị Son (xã Tân Lập, huyện Vũ Thư (Thái Bình) bị ngập nước, buộc phải di dời. Được sự giúp đỡ, kêu gọi, vận động của Hội Chữ thập đỏ huyện Vũ Thư, gia đình bà Son may mắn nhận được hỗ trợ tiền mặt và nhu yếu phẩm. Bà Son chia sẻ: Trong lúc khó khăn, phần quà mà các nhà hảo tâm trao tặng thực sự rất cần thiết với gia đình. Bà cảm ơn những tấm lòng "nhường cơm sẻ áo" của các nhà hảo tâm, Hội Chữ thập đỏ huyện đã đồng hành cùng người dân, động viên họ vượt qua thiên tai.

Trước đó, Đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng đã chứng kiến sự gắn kết đầy sáng tạo của cộng đồng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Là thành viên của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ không chỉ người dân trong nước trong cuộc chiến với COVID-19, mà còn ủng hộ hàng hóa và tiền mặt cho các quốc gia , trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia… Điều này cho thấy tình thần nhân đạo quốc tế trong đại dịch COVID-19 đã giúp người dân toàn cầu vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng một thế giới mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Chú thích ảnh
Đông đảo cán bộ Hội chủ chốt và tình nguyện viên Chữ thập đỏ các cấp theo dõi buổi diễn tập xử lý tình huống cứu nạn đường sông. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Việt Nam cũng đã hai lần đăng cai tổ chức Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 23/10 vừa qua, Đoàn đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn đã tham dự Đại hội đồng Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế lần thứ 24 tại Geneva, Thụy Sĩ. Đoàn đã làm việc với lãnh đạo một số Hội quốc gia nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác đối tác, giúp đỡ có hiệu quả cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương tại Việt Nam thông qua các chương trình/dự án hợp tác quốc tế, thể hiện vai trò và đóng góp của Việt Nam ở khu vực. Việt Nam được đánh giá cao trong phòng ngừa, ứng phó thảm họa, kinh nghiệm phát triển cộng đồng, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chú thích ảnh
Trao quà cho người dân. Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN

Có thể nói, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là nòng cốt trong hoạt động nhân đạo để ngày càng nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội được giúp đỡ, lan tỏa rộng rãi tinh thần nhân ái trong cộng đồng. Với tinh thần nhân văn cao cả, hội viên Hội chữ thập đỏ, tình nguyện viên trên cả nước đã luôn tâm huyết, đem tình yêu thương đến với mọi người, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời còn bất hạnh, yếu thế… để không còn ai bị bỏ lại phía sau, cùng hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tố Uyên/TTXVN (Tổng hợp)
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lưu ý khi triển khai cứu trợ cho các địa phương bị bão lũ
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lưu ý khi triển khai cứu trợ cho các địa phương bị bão lũ

Để làm tốt công tác hỗ trợ, điều phối, đáp ứng thiết thực nhu cầu của người dân vùng bị ảnh hưởng bão lũ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố; các ban, đơn vị trực thuộc lưu ý một số vấn đề khi triển khai việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN