Nhiều vụ việc đau lòng do đốt than, củi để sưởi ấm

“Người dân tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas… để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín.

Chú thích ảnh
 Các hộ kinh doanh cần sớm thay thế bếp than tổ ong bằng bếp từ, bếp điện nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nếu có sử dụng các nhiên liệu này thì cần mở cửa đủ rộng cho không khí và oxy từ bên ngoài vào hoặc tốt nhất đun nấu ở không gian mở hoặc ngoài trời, còn trong phòng thông khí hạn chế thì nên đun nấu hoặc sưởi ấm bằng điện".

Đây là khuyến cáo của Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài những ngày qua tại các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ dẫn đến việc nhiều người dân đã sưởi ấm bằng cách đốt than, củi trong không gian kín. Cách sưởi ấm này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn vô cùng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Nhiều vụ việc đau lòng

Sáng 28/1, người dân xã An Hà, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) phát hiện tại một gia đình ở thôn Mia có 3 người trong một gia đình bị tử vong. Ngay khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng đã đến hiện trường.

Qua sơ bộ khám nghiệm hiện trường, thấy anh Đ.V.N (sinh năm 1984) và vợ là chị P.T.V (sinh năm 1983) cùng con trai Đ.V.Đ (sinh năm 2019) nằm chết trên giường trong phòng ngủ rộng hơn 10m2 đóng kín cửa, phía dưới nền có một chậu than hoa đã cháy hết.

Bước đầu xác định có thể các nạn nhân đốt than để sưởi chống rét sau đó bị ngộ độc khí than.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai mới đây cũng đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.T.L (71 tuổi, ở Nga Sơn, Thanh Hóa) bị ngộ độc khí CO.

Con trai bệnh nhân kể, khoảng hơn 1 giờ ngày 29/1 thấy mẹ mệt, rét run, khó thở, nên gia đình đã đốt than, củi cạnh giường để sưởi ấm cho bà. Đến khoảng 7 giờ, thấy mẹ nằm thở ngáy, gọi hỏi không đáp ứng nên gia đình đưa bà đến Trung tâm Y tế huyện Nga Sơn cấp cứu.

Bệnh nhân đươc đưa đến Trung tâm Chống độc vào 16 giờ cùng ngày. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não cho thấy, hình ảnh theo dõi các ổ nhồi máu cấp thùy chẩm, thùy thái dương, thùy nhộng và bao trong bên phải, tụ dịch kèm dày niêm mạc hốc mũi, xoang sàng, xoang hàm và xoang trán phải - chưa loại trừ nấm xoang...

Đốt than củi để sưởi ấm trong phòng kín là vô cùng nguy hiểm

Đánh giá về tình trạng bệnh nhân N.T.L, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc khí CO, tổn thương não và tổn thương một số cơ quan khác, sau khi sưởi ấm bằng than, củi trong phòng kín. Với các biểu hiện hôn mê sâu, nồng độ khí CO trong máu cao.

Bên cạnh tổn thương não thì bệnh nhân còn bị tổn thương nhiều cơ quan, tổn thương cơ tim, tiêu cơ vân, cùng tình trạng nhiễm toan chuyển hóa.

Tình trạng bệnh nhân bị tổn thương rất nặng, tổn thương nhiều cơ quan, nặng nhất là não. Tiên lượng bệnh nhân có khả năng rất cao sẽ có những biến chứng, di chứng về thần kinh và tâm thần.

“Một vài ngày hoặc vài tuần sau, bệnh nhân có thể xuất hiện biểu hiện về thần kinh như rối loạn ý thức, cơ thể quay trở lại trạng thái hôn mê, mất trí nhớ, lú lẫn… Những biến chứng này thường xuất hiện ở những bệnh nhân ngộ độc khí CO mà ban đầu có biểu hiện bất tỉnh, tổn thương nhiều cơ quan như bệnh nhân nói trên", Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Hiện nay người dân xây nhà kín để ở, không thoáng khí như nhà gỗ, nhà tranh như trước kia nên việc đốt than, củi để sưởi ấm không còn phù hợp. Trong môi trường kín, khí CO từ việc đốt than củi không thoát ra được, sẽ nhanh chóng khiến con người hít phải và gây ngộ độc, việc điều trị rất khó khăn, tốn kém.

Không hiểu về tác hại của việc đốt than, củi trong phòng kín khiến nhiều người rơi vào cảnh ngộ độc khí CO. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, nên nhớ, việc đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín là vô cùng nguy hiểm", Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Theo chuyên gia chống độc, khi phát hiện người bị ngạt khí CO cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc. Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở thì hô hấp nhân tạo theo điều kiện tại chỗ, nếu ngừng tuần hoàn thì cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau khi sơ cứu, cần đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị tiếp.

BT (TTXVN)
Lạng Sơn: Đốt than hoa sưởi ấm, 3 người bị ngộ độc khí CO
Lạng Sơn: Đốt than hoa sưởi ấm, 3 người bị ngộ độc khí CO

Chiều 24/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn và Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình cho biết vừa tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc khí CO (Cacbon Monoxide) do đốt than hoa để sưởi ấm trong nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN