Nhiều hiểm họa khi dùng gas sang chiết trái phép

Những vụ nổ bình gas xảy ra thời gian qua do bình gas kém chất lượng, sang chiết trái phép đã khiến người dân và cả cơ quan quản lý cảm thấy lo lắng.


Vừa dùng vừa sợ

Một quán lẩu thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) mỗi tháng sử dụng hết cả trăm bình gas mini để đáp ứng nhu cầu ăn uống của thực khách. Chỉ quan sát bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy những bình gas này đã cũ nát, hoen gỉ, không hề có nhãn mác, xuất xứ. Tuy thấy rõ nguy cơ mất an toàn song các thực khách vẫn vô tư sử dụng mà không hề yêu cầu đổi bình gas khác hay chất vấn về nguồn gốc, xuất xứ của các bình gas này.

Lực lượng chức năng xử lý cơ sở kinh doanh gas lậu tại Bình Dương.


Chị N.H (phố Tân Mai, Hoàng Mai) cho hay, mặc dù cũng biết dùng bình gas như vậy rất nguy hiểm nhưng cũng đành… tặc lưỡi cho qua. “Đi cùng bạn bè nên cũng ngại hỏi những thứ đó. Hơn nữa, ở nhà trọ, tôi cũng dùng những bình gas này mà chưa thấy có vấn đề gì”, chị H nói.

Sự bất cẩn của người sử dụng đã vô tình tiếp tay cho các cơ sở sang chiết gas trái phép, không đảm bảo quy định an toàn “sống khỏe”. Ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, các chi cục quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra, xử lý 368 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước là gần 4,3 tỷ đồng, thu giữ và xử lý hơn 18.600 bình gas loại 12 kg, hơn 31.200 bình gas mini cùng nhiều dụng cụ sang chiết, cân đồng hồ, tem nhãn…

Một nhân viên của cửa hàng kinh doanh gas tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) “tiết lộ”, chủ các cơ sở kinh doanh gas trái phép sẽ sang chiết gas từ các bình gas giá rẻ như Vạn Lộc, Gia Định sang bình gas mang tên của các thương hiệu lớn như Shell, Total… Họ sử dụng niêm phong giả giống niêm phong chính hãng để chụp lên bình gas sang chiết. Mỗi lần như vậy, các cơ sở “ăn” chênh lệch từ 30.000 - 50.000 đồng/bình. Không chỉ vậy, các bình gas Shell, Total cũ mặc dù không đủ tiêu chuẩn lưu hành nhưng vẫn được sử dụng quay vòng nhiều lần nên nguy cơ mất an toàn cho người dùng rất lớn. Nhiều trường hợp cháy nổ xảy ra tại chính các cửa hàng gas do sang chiết gas trái phép.

Theo ông Nguyễn Khắc Trí, Trưởng ban kĩ thuật an toàn, Hiệp hội Gas Việt Nam, bình gas không đảm bảo chất lượng vẫn được sử dụng là do các cơ sở sang nạp trái phép. “Đối với bình gas sang chiết trái phép nếu nạp thiếu khối lượng gas thì sẽ gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng. Ngược lại, nếu nạp dư do công nghệ nạp bình thủ công, khi nhiệt độ môi trường tăng cao, gas lỏng giãn nở nhiệt sẽ đặc biệt nguy hiểm, áp suất thủy lực sẽ phá vỡ vỏ bình (nhất là bình gas mini) hoặc gas thoát ra ngoài qua van an toàn gây cháy nổ.

Quản lý từ khâu quy hoạch

Đại diện Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas) cho biết, phần lớn các cửa hàng kinh doanh gas được tận dụng từ nhà ở, không có nhà kho riêng biệt, kinh doanh gas chung với nhiều mặt hàng khác nên không đảm bảo quy định về diện tích thiết kế, phòng cháy chữa cháy… Đặc biệt là hệ thống điện không đảm bảo điều kiện chống cháy nổ.

Để việc quản lý các cơ sở kinh doanh gas từ gốc, ông Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) đề nghị các tỉnh thành phải có giải pháp quy hoạch đối với mạng lưới cung cấp gas: sử dụng hệ thống cấp gas trung tâm cho khu dân cư, các chung cư cao tầng, chợ, trung tâm thương mại…; quy hoạch hệ thống các cửa hàng kinh doanh gas đảm bảo diện tích mặt bằng kinh doanh, khoảng cách an toàn với các công trình xung quanh; di dời các cửa hàng kinh doanh gas cũ, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn, nằm ở khu dân cư đông người.

Còn theo ông Đỗ Quang Vinh, hiện có nhiều cơ quan cùng quản lý vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ về LPG như Cục Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an); Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ); Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội), Cục Quản lý thị trường, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương)… Do có nhiều cơ quan quản lý nên gây chồng chéo trong thực hiện.

“Nhà nước nên giao một đơn vị chủ trì, tổ chức mở lớp, các sở ban ngành phối hợp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên các đơn vị kinh doanh LPG và các đại lý đến học tập”, ông Vinh đề xuất.

Bên cạnh đó, một lý do khác gây mất an toàn trong sử dụng gas lại đến từ chính các nhân viên giao gas. Hầu hết các cửa hàng gas hiện nay tuyển nhân viên không có đào tạo bài bản kiến thức sử dụng gas và giải quyết sự cố. Trong quá trình giao gas, do thiếu đạo đức, có nhân viên còn chuẩn bị cả kim sắt để chọc thủng dây dẫn gas hoặc dùng dao cứa dây để chủ nhà phải thay với giá cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn đối với người tiêu dùng.

Hoàng Dương
Hà Nội: Tạm giữ hàng nghìn bình gas sang chiết trái phép
Hà Nội: Tạm giữ hàng nghìn bình gas sang chiết trái phép

Lực lượng chức năng bắt quả tang nhân viên công ty khí đốt Thăng Long đang sang chiết gas LPG trái phép vào các bình gas mang hơn 10 nhãn hiệu khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN