Tình trạng “biến” phố thành chợ này đang là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Video Nhếch nhác phố kiểu mẫu biến thành chợ:
Dọc tuyến đường Hoàng Quốc Việt, tuyến phố kiểu mẫu sau khi được nâng cấp, xén giải phân cách, đưa vào khai thác từ đầu năm 2022, được quận Cầu Giấy chọn để xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, do có diện tích vỉa hè rộng, tuyến phố kiểu mẫu này đang bị biến thành chợ đào, quất, tập kết hàng hóa, hoa cây cảnh, bày bán tràn lan, vô tội vạ. Cảnh các tiểu thương ăn ngủ, sinh hoạt tại chỗ, lấn chiếm cả lòng đường để kinh doanh... khiến người dân sinh sống trên tuyến phố này bức xúc phản ánh về tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự. Nếu các cấp chính quyền cơ sở không có biện pháp giải quyết sớm, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.
Tương tự, trên tuyến phố Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) - tuyến phố văn minh, tập trung nhiều điểm vui chơi văn hóa, đình chùa, thu hút đông du khách đến tham quan, thưởng lãm, cũng đang bị các tiểu thương không biết từ đâu tới chiếm dụng toàn bộ diện tích vỉa hè, họp chợ, chăng dây, chăng bạt để kinh doanh đào quất, chậu hoa cây cảnh, không chỉ đẩy người đi bộ xuống lòng đường, mà còn bịt hết lối ra vào các di tích, địa điểm vui chơi giải trí...
Trao đổi với phóng viên, đại diện các cơ quan Nhà nước trên các tuyến phố này đều khẳng định không cấp phép, tạo điều kiện cho các hộ tiểu thương kinh doanh trên vỉa hè trước mặt các trụ sở, dù tạm hay lâu dài, chỉ thấy các hộ tự đến, tự mở hàng, dựng lều bạt để kinh doanh, không biết ai cho phép. Thêm vào đó, các hộ kinh doanh còn xả rác bừa bãi, bày bán đủ loại đào quất, hàng hóa tràn cả xuống lòng đường, người mua kẻ bán dừng đỗ xe vô tội vạ, giao thông vào giờ cao điểm vốn dĩ đã ngột ngạt, càng thêm bức bí. Thậm chí, khu vực chợ Bưởi - Lạc Long Quân hiện đã được chính quyền cơ sở lập hàng rào chắn, bố trí công an phường chốt trực, không để các hộ kinh doanh hoa cây cảnh tràn ra giữa đường giao dịch hàng hóa... nhưng tình trạng nhếch nhác, lộn xộn vẫn diễn ra.
Đến hẹn lại lên, mỗi độ Tết đến Xuân về, các chợ hoa cây cảnh, đào quất lại nở rộ, bên cạnh mặt tích cực đem đến những chậu hoa phong phú sắc màu, đáp ứng nhu cầu người dân Thủ đô, trở thành nét đặc trưng báo hiệu mùa xuân mới lại về, tô điểm cho đường phố thêm rực rỡ, nhưng mặt trái tiêu cực là tình trạng họp chợ tự phát, ngang nhiên, sai quy định, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đáng nói, các hộ tiểu thương ngang nhiên chiếm dụng bất cứ chỗ nào còn trống trên vỉa hè để bày đào quất, chậu hoa, chặt tỉa cành theo thế cây, sau đó xả rác bừa bãi hàng ngày, góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường và cũng gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự đô thị.
Qua tìm hiểu, hoạt động buôn bán tự phát như trên đang bất chấp các quy định pháp luật, không gian vỉa hè dành cho người đi bộ được không chỉ bị chiếm dụng, mà không ít khách hàng đến mua còn dựng xe máy, ô tô tràn kín lòng đường, cản trở giao thông. Báo chí đến nay đã tốn không ít giấy mực để phản ánh về tình trạng buôn bán hàng hóa tự phát trên vỉa hè tràn lan, gây mất an ninh trật tự, thế nhưng vẫn không hề có biện pháp can thiệp nào từ phía các cơ quan chức năng và những ngày cận Tết thì hoạt động nở rộ hơn bao giờ hết.
Khoản 3 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về các hành vi cấm thực hiện trên đường phố, gồm: Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên; tụ tập đông người trái phép; lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông; che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông; đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định... Như vậy, theo quy định trên, việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh đào quất trong dịp Tết là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Mức xử phạt hành vi kinh doanh đào quất trên vỉa hè căn cứ điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định. Đồng thời, tại điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với tổ chức sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông...
Cũng theo Nghị định 100/CP, các lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi lấn chiếm lòng lề đường. Trưởng Công an cấp xã, phường có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng và họp chợ. Ngoài ra, Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi xả nước, đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định hoặc đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ.