Nhà vệ sinh công cộng bị chiếm dụng
Là đô thị với xấp xỉ 10 triệu dân, hiện nay, địa bàn Hà Nội chỉ có khoảng hơn 400 nhà vệ sinh công cộng; được phân thành 3 loại: nhà vệ sinh công cộng bằng gạch, nhà vệ sinh bằng thép và nhà vệ sinh do các đơn vị xã hội hóa đầu tư.
Qua khảo sát thực tế, nhiều nhà vệ sinh trên địa bàn đã xuống cấp, có nơi do đưa vào sử dụng đã lâu, hệ thống van xả có vấn đề nên mỗi khi vệ sinh phải bơm nước thủ công, thậm chí có nhà vệ sinh không thể sử dụng. Cùng với đó, nhiều nhà vệ sinh cũ bằng thép, gạch, không gian rất hẹp, được lắp đặt ở những vị trí không thuận lợi. Trong khi đó, nhiều nhà vệ sinh công cộng mới được lắp đặt nhưng vòi nước hỏng, bồn cầu không được dọn dẹp và sửa chữa thường xuyên, bên ngoài có nhiều áp phích quảng cáo và những hình vẽ bậy, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người sử dụng.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 5/6 dọc tuyến đường Thanh Bình, quận Hà Đông (Hà Nội), nhà vệ sinh công cộng ở đây trong tình trạng khóa trái cửa. Bà Nguyễn Thị Hoa (một người dân) cho biết, nhà vệ sinh có mà không được sử dụng do người bán nước cạnh đó khóa cửa để tiện cho việc bán hàng. Vì vậy, nhiều người có lúc phải xuống dưới bờ sông.
Theo phản ánh của bà Nguyễn Minh Hương (quận Hai Bà Trưng), không chỉ chiếm dụng của công thành của tư, sử dụng sai mục đích, nhà vệ sinh công cộng còn là nơi các con nghiện tụ tập tiêm chích ma túy. Bởi thế, người dân không còn muốn sử dụng. Khi ngại ngần với nhà vệ sinh công cộng, họ tìm đến những chân tường, bờ rào, góc khuất trên đường phố, có khi chỉ cách nhà vệ sinh công cộng vài bước chân. “Việc người dân phóng uế ra môi trường do thiếu nhà vệ sinh công cộng tạo ra một thói quen xấu, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đô thị văn minh, sạch đẹp, hiện đại mà Hà Nội đang hướng tới”, bà Hương trăn trở.
Không chỉ thiếu trên những đường phố, ở nhà ga, bến xe cũng khó tìm thấy nhà vệ sinh công cộng hoặc có cũng rất mất vệ sinh. Tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, mặc dù có nhà vệ sinh công cộng, một số người thiếu ý thức vẫn đứng bên ngoài lề đường, thậm chí ngay trước cửa ra vào nhà vệ sinh phóng uế do bên trong bốc mùi không chịu nổi.
Xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng chưa hiệu quả
Bốn quận lõi của Thủ đô gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa đang thiếu nhà vệ sinh công cộng trầm trọng. Vì vậy, mỗi khi cần giải quyết nhu cầu tế nhị nhưng vô cùng chính đáng ở những nơi công cộng, nhiều người lại tìm nơi để xả tự nhiên thay vì chạy xe lòng vòng tìm nhà vệ sinh công cộng.
Trước thực trạng trên, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa, lắp đặt nhà vệ sinh công cộng. Từ năm 2016 - 2017, thành phố đã đồng ý cho hai doanh nghiệp tư nhân lắp đặt, quản lý và khai thác hàng trăm nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa. Đổi lại, doanh nghiệp được khai thác quảng cáo trên một số cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thời gian 10 năm và những quyền lợi khác theo thỏa thuận. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai lắp đặt không thuận lợi như kế hoạch ban đầu, khiến tiến độ “phủ” nhà vệ sinh công cộng còn chậm, chưa tương xứng với sự phát triển dân số và đô thị của Hà Nội. Thậm chí, vì lợi ích hoặc đơn vị xã hội hóa đã khai thác hết quyền lợi nên đã bỏ mặc việc lắp đặt mới các nhà vệ sinh tại những điểm đã được quy hoạch.
Đại diện Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành cần có sự giúp sức của những người dân tại khu vực có nhà vệ sinh công cộng. Người dân cần chủ động gìn giữ, bảo vệ, đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý những trường hợp phát sinh liên quan đến kỹ thuật hoặc chiếm giữ trái phép nhà vệ sinh công cộng. Chính quyền cần có những biện pháp và cơ chế hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nhân rộng mô hình nhà vệ sinh công cộng, sửa chữa và xây dựng nhà vệ sinh ở vị trí hợp lý, thuận tiện nhất.
Nhà vệ sinh công cộng là vô cùng cần thiết - một trong những thước đo về sự phát triển của xã hội. Do đó, thành phố cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề nhà vệ sinh công cộng; tạo cơ chế thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia xã hội hóa vấn đề này, để “công trình phụ” không còn là phụ.