Người tiêu dùng cảnh giác với đồ ăn nhập khẩu

Tràn lan thực phẩm nhập ngoại


Theo Ban quản lý chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức TP.HCM, mỗi đêm tại đây có khoảng 2.800 - 3.000 tấn rau củ, quả được tiêu thụ, trong đó có 20 - 30% là trái cây nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.


Hoa quả nhập khẩu được bán tràn lan ngoài thị trường.

Bên cạnh các loại thực phẩm nhập khẩu đảm bảo về chất lượng thì vẫn còn một số loại thực phẩm kém chất lượng. Cụ thể, vừa qua các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT đã kiểm tra, phát hiện 14/58 mẫu các loại củ, quả có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép rất cao như: lựu, nho, mận… nhập khẩu đang bày bán trên thị trường cả nước.


Không chỉ các loại hoa quả mà còn có không ít các loại thực phẩm kém chất lượng cũng được nhập khẩu theo con đường chính ngạch. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, ngụ quận Bình Thạnh TP.HCM tỏ vẻ lo lắng: “Vì sợ mua phải các loại thực phẩm kém chất lượng ở ngoài chợ, tôi thường vào siêu thị để mua hàng. Trong siêu thị có rất nhiều loại thực phẩm được nhập từ các nước và gia đình tôi cũng thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm này. Tuy nhiên, vừa qua có nhiều thông tin về nhiều loại thực phẩm kém chất lượng khiến tôi rất lo lắng, đặc biệt là thông tin về loại gà thải Hàn Quốc”.


Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Thú y vùng VI (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, gà nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam không phải là gà thải mà là gà nguyên con, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại, có 9 công ty của Việt Nam có đăng ký nhập khẩu gà Hàn Quốc vào thị trường trong nước, với số lượng khoảng 100 - 120 tấn/tháng.


Tình trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến người chăn nuôi và trồng trọt trong nước. Theo nhiều chủ trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai, họ phải bán heo, gà thành phẩm với giá thấp bởi lượng thịt gia súc, gia cầm nhập về quá nhiều.

 

Hàng nhập bị “từ chối”


Thông tin nhiều loại thực phẩm nhập khẩu kém chất lượng, và việc người tiêu dùng trở nên cảnh giác hơn với các loại hàng nhập khẩu đã khiến lượng hàng này về các chợ trên địa bàn thành phố bắt đầu giảm.


Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết: Trong vài tuần trở lại đây, lượng rau, củ, quả Trung Quốc như khoai tây, cà rốt, cải xanh, cải thảo, táo, lê, nho… về chợ giảm mạnh hơn 50%. Nếu trước đây có 20 điểm bán rau, củ, quả Trung Quốc thì hiện chỉ còn 7 - 8 điểm bán những mặt hàng này. Nhiều nhà phân phối đã phải ngưng bán và khẳng định không kinh doanh những mặt hàng này như thịt gà Hàn Quốc, rau củ quả Trung Quốc…


Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, đại diện hệ thống siêu thị Big C cho rằng, gà Hàn Quốc mà siêu thị đã bán và đang bán là gà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trước thông tin về “gà thải Hàn Quốc”, siêu thị big C sẽ ngưng bán để chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng về sản phẩm gà nhập khẩu này. Còn đại diện siêu thị Co.opmart khẳng định: không kinh doanh mặt hàng thịt gà đông lạnh nhập khẩu từ Hàn Quốc, rau củ quả của Trung Quốc.


Theo đó, nguồn thịt gà hiện đang được Co.opmart thu mua là từ các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống uy tín trên thị trường và các trang trại trong nước đạt tiêu chuẩn HACCP như: Công ty thực phẩm Đồng Nai, công ty Bình Minh, công ty Phạm Tôn…


Hiện nay, tỉ lệ trái cây nội địa bày bán tại siêu thị đạt 90%, còn lại 10% là trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Niu Dilân, Chilê, Nam Phi với xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng.


“Người tiêu dùng nên nói không với những mặt hàng nhập lậu nhưng cũng không nên tẩy chay một mặt hàng chính ngạch khi chưa rõ thực hư ra sao. Bởi hệ lụy của nó không chỉ khiến ngành chăn nuôi gặp khó khăn mà cả những doanh nghiệp cũng vạ lây”, ông Nguyễn Xuân Bình khuyến cáo.

 

Khó kiểm soát


Thực tế cho thấy, số lượng các mặt hàng thực phẩm được nhập về Việt Nam khá lớn nên số lượng mẫu cần kiểm định là không nhỏ, do đó đã dẫn đến tình trạng kiểm tra qua loa. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý, kiểm tra còn khá mỏng. Chính những hạn chế này đã khiến chất lượng hàng hóa nhập khẩu không được kiểm soát chặt chẽ.


Sở dĩ các mặt hàng nhập khẩu không đảm bảo chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường còn do lợi nhuận khá cao khiến nhiều tiểu thương khó từ chối, cụ thể như loại gà Hàn Quốc giá bán chỉ bằng 30-40% so với gà trong nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chạy theo lợi nhuận vì muốn tạo niềm tin cho người tiêu dùng vào hàng Việt và hưởng ứng chương trình ưu tiên dùng hàng Việt.


Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết: Từ chối bán gà Hàn Quốc là từ chối một khoản lợi nhuận lớn nhưng Công ty Vissan chấp nhận đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết. Mặt khác, công ty muốn tạo được niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt.


Để hạn chế mặt hàng thực phẩm kém chất lượng vừa qua, Bộ Công Thương đã gửi Công văn tới các thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất về việc thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ yêu cầu từ đầu tháng 10 sẽ tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng tiêu dùng đã qua sử dụng và các mặt hàng thực phẩm đông lạnh như: phủ tạng, phụ phẩm gia súc; phủ tạng, phụ phẩm gia cầm (bao gồm: đầu, chân, cổ, cánh,…).


Đồng thời, theo ông Nguyễn Xuân Bình, các loại sản phẩm gia cầm nhập theo đường chính ngạch vào Việt Nam đều phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt. Cụ thể, cơ quan quản lý chất lượng cấp giấy phép, được sự đồng ý của cơ quan thú y nước ngoài... Khi vào đến Việt Nam, thú y và hải quan kiểm tra và lấy mẫu một lần nữa, trường hợp sản phẩm đạt chất lượng thì hải quan mới cho thông quan.


Theo Cục Quản lý chất lượng nông-lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT), sắp tới Cục Quản lý chất lượng nông-lâm và thủy sản sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra để ngăn chặn rau quả, thực phẩm kém chất lượng, nhất là các mặt hàng nhập khẩu. Sau khi phát hiện, Bộ sẽ thông báo công khai để người tiêu dùng đủ thông tin lựa chọn được sản phẩm an toàn.


Trong khi chờ các cơ quan chức năng có những biện pháp quản lý chặt chẽ, trước hết các doanh nghiệp nhập khẩu phải tự ý thức, nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước đặt ra để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, người tiêu dùng nên “tẩy chay” những mặt hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe của chính mình.

 

Ông Văn Đức Mười, TGĐ Công ty Vissan: Cần kiểm soát chặt thực phẩm nhập khẩu Để tránh tình trạng hàng kém chất lượng tuồn vào Việt Nam làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, chúng ta cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại thực phẩm nhập. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước này nhằm cân bằng cán cân thương mại. Chúng ta nên khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại thực phẩm trong nước sản xuất.

 

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở công thương TP Hồ Chí Minh: Khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm Do hiểu được khó khăn của một số doanh nghiệp khi ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà sản xuất, đặc biệt với bà con nông dân trong việc ổn định cung cầu thực hiện tốt chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Mặt khác, chúng tôi khuyến khích các hệ thống phân phối hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất trong nước có đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm thì đưa sản phẩm của DN vào tiêu thụ trong hệ thống phân phối của mình.

 


H.Tuyết - Đ.Phương

Thực phẩm ăn dặm an toàn cho trẻ

Các chuyên gia dinh dưỡng đã giới thiệu những nhóm thực phẩm lý tưởng để bé có thể bắt đầu ăn dặm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN