Người đi đầu trong phát triển trang trại du lịch sinh thái ở Phú Quốc

Trồng cây ăn quả, khôi phục vườn rừng, nuôi cá, nuôi lợn rừng và xây dựng nhà hàng… trên tổng diện tích 16 ha, tạo thành  trang trại du lịch sinh thái phục vụ du khách- đó là cách làm của ông Trần Văn Năm ở ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang).

 Đây là mô hình phát triển du lịch làm theo kiểu đột phá, “đón đầu” ở Phú Quốc, bước đầu mang lại những giá trị kinh tế đích thực, khiến cho nhiều người không khỏi bất ngờ.

Ông Năm đã đưa hàng ngàn cây ăn quả về trồng trên vùng đảo ngọc này như: Sầu riêng Thái, sầu riêng cơm vàng hạt lép, xoài Đài Loan, xoài Úc, xoài Thái, xoài cát Hòa Lộc, mít, chôm chôm, dừa… Giữa bốn bề sóng biển nơi đảo xa, chúng bám rễ xanh tốt chẳng thua kém gì những vườn cây ăn quả ở hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu trong đất liền nhiều phù sa màu mỡ.

 Ông Năm cho biết: Hiện nay, hơn 30 cây sầu riêng đã cho thu hoạch, khoảng 150 quả/cây; trên 100 cây xoài ra hoa, kết trái oằn sai trong vụ mùa vừa rồi. Số cây còn lại dự kiến sẽ tiếp tục cho quả vào những vụ mùa sắp tới. Sản phẩm quả tươi cung cấp cho người tiêu dùng tại địa phương và phục vụ khách du lịch khi ra đảo Phú Quốc, đến thăm trang trại.

 Đối với vườn rừng, ông Năm vừa đầu tư bảo vệ, khôi phục phát triển cây rừng tự nhiên vốn có, vừa gây ươm trên 400.000 cây giống xà cừ trồng bổ sung vào những nơi đất trống, làm tăng thêm màu xanh cây rừng, tạo môi trường thân thiện và bền vững. 

Tiếp đến, trên diện tích mặt nước 2,5 ha, với 13 ao hồ, ông Năm thả nuôi 300 kg cá giống nước ngọt các loại gồm thác lác cườm, cá rô đầu vuông, sặt rằn, cá chép, điêu hồng, cá phi… kết hợp trồng rau muống. Đàn cá nuôi đang sinh trưởng phát triển tốt, ước tính sản lượng khai thác từ 20 tấn cá các loại trở lên, với giá thị trường hiện nay dao động 20.000 - 25.000 đồng/kg, ông Năm thu về từ 400 - 500 triệu đồng sau 6 - 8 tháng thả nuôi.

Ngoài ra, trên những ao, hồ nuôi cá, ông Năm chuẩn bị đầu tư dịch vụ câu cá giải trí phục vụ khách du lịch và thưởng thức cá tươi sống tại chỗ, với nhiều món chế biến khác nhau, tùy theo sở thích, yêu cầu của du khách. 

Đặc biệt, nói đến trang trại du lịch sinh thái này phải nói đến đặc sản lợn rừng. Ông Năm tâm sự: “Phú Quốc là huyện đảo xa đất liền, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nhất là phát triển mạnh về du lịch sinh thái, có nhiều điều kiện thuận lợi, ưu đãi để gây nuôi động vật hoang dã quý hiếm. Tại sao không gây nuôi động vật hoang dã theo hướng “nuôi sạch”, vừa cung cấp cho thị trường, vừa phục vụ khách du lịch, tăng thu nhập cho kinh tế gia đình là trăn trở thường trực trong suy nghĩ của tôi”.

 Xuất phát từ ý tưởng đó, tháng 8/2008, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Phú Quốc, ông Năm mua 8 con lợn rừng lai F3 tại Công ty TNHH đầu tư trang trại Mạnh Sơn, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đem về gây nuôi, trong đó có 2 con đực và 6 con cái. Qua 8 tháng nuôi, đàn lợn rừng lai tăng trưởng và phát triển rất tốt, không hao hụt, con nhỏ nhất trọng lượng 45 kg và lớn nhất 60 kg, tỉ lệ sinh sản đạt 100%. 

Hiện nay, ông Năm đã phát triển đàn lợn rừng lên hơn 400 con lai F4, trong đó có 50 lợn nái đẻ, 100 lợn nái dự bị tiếp tục phối giống, nhân đàn, với phương pháp nuôi là chăn thả bán công nghiệp trong vườn rừng, nuôi sinh sản kết hợp nuôi thương phẩm hàng hóa trên tổng diện tích chuồng trại 13.000 m².

Từ năm 2009 đến nay, ông Năm xuất chuồng hơn 600 con lợn rừng giới thiệu sản phẩm cho thị trường, giá bình quân 140.000 đồng/kg thịt thương phẩm, lợn giống từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm sinh sản 60 - 100 con lợn giống cung cấp cho người nuôi.

Ông Năm cho biết: Nuôi lợn rừng khá dễ, hiệu quả cao, kỹ thuật chuồng trại đơn giản, cần chọn nơi khô ráo, thoáng mát. Thức ăn cho lợn rừng chủ yếu là khoai mì (sắn), rau muống, khoai lang, thân cây chuối, cám, gạo và tùy từng giai đoạn lợn sinh trưởng phát triển mà cho lợn ăn những loại thức ăn thích hợp, nước uống sạch để cho sản phẩm thịt hàng hóa hoặc con giống tốt nhất.

 Ưu điểm của nuôi lợn rừng là cho thịt thơm ngon, nhiều nạc, ít mỡ; lợn có sức đề kháng với bệnh tật khá tốt; thức ăn dễ kiếm và giá thành rẻ; tạo ra những món ăn hấp dẫn cho khách du lịch; mô hình chăn nuôi phù hợp với hộ gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao; làm giảm áp lực săn bắn động vật hoang dã quý hiếm trên đảo Phú Quốc. 

Từ năm 1998 đến nay, ông Năm đã đầu tư cho trang trại du lịch sinh thái hơn 10 tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ bản, đầu tư hạ tầng, trồng cây ăn trái khoảng 7 tỷ đồng, vốn còn lại là đầu tư nuôi lợn rừng. Trong định hướng phát triển kinh tế trang trại từ nay đến năm 2015 và năm 2020, ông Năm tiếp tục phát triển đàn lợn rừng, vừa tạo nguồn giống nuôi cho địa phương, vừa hình thành các vệ tinh nuôi xung quanh trên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi; mở ra những trò chơi giải trí phục vụ khách tham quan du lịch như: đấu lợn, đua lợn, đi săn lợn và xem lợn có nanh dài.

Dự kiến đến năm 2015, trang trại của ông sẽ tăng đàn lợn rừng lên từ 2.500 - 3.000 con, với vốn đầu tư 7 - 8 tỷ đồng để thực hiện các dịch vụ; đầu tư nuôi cá phát triển dịch vụ câu cá giải trí; xây dựng nhà hàng 200 chỗ phục vụ du khách, kết hợp cung cấp những đặc sản của địa phương như: hồ tiêu, nước mắm, rượu sim, thưởng thức thịt lợn rừng, nhím, chồn… được nuôi sạch tại trang trại. 

Lê Huy Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN