Người dân vùng lõi nút giao An Bình mong sớm nhận tiền bồi thường thu hồi đất

Để thực hiện hạng mục lõi nút giao thông An Bình (nút giao với Quốc lộ 30) thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), gần 80 hộ bị ảnh hưởng, có diện tích đất thu hồi và bồi thường trên 3,2 ha.

Tuy nhiên, đã hơn 5 năm kể từ khi nhận quyết định thu hồi đất, người dân nơi đây vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ để di dời đến nơi ở mới, khiến đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn suốt thời gian qua.

Chờ tiền bồi thường thu hồi đất

Chú thích ảnh
Anh Phạm Thành Phương ở trong lõi nút giao thông An Bình, thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh bị thu hồi gần 400m2 đất nhưng chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn, nút giao An Bình có diện tích hơn 3,2ha được hình thành do thực hiện dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông. Vị trí nút giao nằm ngay cửa ngõ thành phố Cao Lãnh, đầu mối giao thông trọng điểm của tỉnh. Gần như toàn bộ phần đất của người dân bên trong lõi nút giao đều nằm trong phạm vi hành lang an toàn công trình đường bộ, không thể sản xuất do không chủ động được nguồn nước, việc đi lại gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
    
Với các lý do nêu trên, UBND tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích lõi nút giao An Bình. Tháng 3/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành văn bản thống nhất với kiến nghị này. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát những quy định về giải phóng mặt bằng làm cơ sở để quyết định phương án và tổ chức thẩm định, phê duyệt chi tiết phương án bồi thường.
 
Căn cứ chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị liên quan đã hoàn thiện thủ tục thu hồi đất để giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật đất đai trong năm 2018. Tuy nhiên, do dự án chưa được bố trí nguồn vốn nên đến nay vẫn chưa thực hiện.
    
Khi có quyết định thu hồi đất, được sự tuyên truyền, vận động của địa phương, đa số người dân đồng thuận giao đất. Mặc dù chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng những hộ có điều kiện về kinh tế đã di dời đến nơi ở mới. Nhưng hiện nay, còn gần 10 hộ dân vẫn ở trong vùng lõi nút giao, chưa tìm được chỗ ở mới vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc chưa nhận được bồi thường, hỗ trợ nên chưa có tiền mua nền nhà, xây dựng nhà.

Chú thích ảnh
Vì đã có quyết định thu hồi đất nên nhà ở của người dân trong vùng lõi nút giao thông An Bình không được phép sửa chữa, xây dựng dù bị xuống cấp, dột mưa. 

Chị Lê Thị Thảo đang ở trong vùng lõi nút giao An Bình chia sẻ, năm 2018, gia đình chị đã nhận quyết định thu hồi đất để thực hiện hạng mục lõi nút giao An Bình nhưng từ đó đến nay, chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nên không có nơi ở mới vì kinh tế gia đình khó khăn. Tuy nhà chị xuống cấp, hư hỏng nhưng không được phép sửa chữa hay xây dựng mới. Vào mùa mưa, nhà chị Thảo bị xiêu vẹo, có dấu hiệu gần sập nên đi ở nhờ bên nhà của mẹ ruột gần đó. Chị rất mong sớm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ để mua nền nhà khác và xây dựng nhà, ổn định cuộc sống.
    
UBND huyện Cao Lãnh ban hành quyết định thu hồi 120 m2 đất của bà Trương Thị Lài ở xã An Bình vào tháng 3/2018, nhưng đến nay, bà Lài chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nên bà chưa di dời đến nơi ở mới.
 
“Hiện tại, tôi vẫn ở trong khu vực lõi nút giao An Bình. Nhà tôi ở cũng là nơi đang kinh doanh quán nước giải khát. Phần mái nhà bị dột mưa, phần nền nhà thấp nhưng tôi không được phép và cũng không dám sửa chữa. Vì sợ tốn tiền sửa xong lại phải di dời đi nơi khác”, bà Lài cho hay.
    
Phần đất gần 400m2 (trên đất có ngôi nhà) là nơi gia đình anh Phạm Thành Phương đang sống ổn định mấy chục năm qua cũng bị thu hồi toàn bộ. Suốt thời gian dài, anh Phương sống trong tâm trạng lo lắng vì quyết định thu hồi đất và quyết định chi trả bồi thường, hỗ trợ đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền.
 
Anh Phương bộc bạch, khu vực quanh nhà rộng rãi nên nhiều năm nay, gia đình anh sống bằng nghề kinh doanh hoa kiểng. Anh rất mong sớm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với mức giá chi trả hợp lý để có thể mua được miếng đất vừa để ở, vừa tiếp tục hành nghề kinh doanh hoa kiểng.

Đề xuất bổ sung kinh phí

Chú thích ảnh
Lõi nút giao thông An Bình (nút giao với Quốc lộ 30) thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. 

Để có nguồn vốn chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân vì bị thu hồi đất, mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng lõi nút giao An Bình vào dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 với số tiền hơn 90 tỷ đồng.
    
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 có điểm cuối tại nút giao An Bình kết nối với điểm đầu dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh. Cả hai dự án đều thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây với quy mô, tính chất tương đồng, kết nối cùng điểm vào nút giao An Bình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, việc UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung chi phí bồi thường lõi nút giao An Bình vào dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 để trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương về nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng lõi nút giao An Bình là phù hợp và cần thiết, sớm giải quyết những vướng mắc, bất cập và phản ánh của người dân tồn tại nhiều năm qua.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tổng diện tích thu hồi để thực hiện nút giao An Bình là gần 3,35 ha, trong đó, diện tích đất công không bồi thường hơn 1.300 m2, diện tích đất hộ gia đình và cá nhân được bồi thường trên 3,2 ha. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 77 hộ; trong đó có 27 căn nhà, nhiều cây trồng và các tài sản khác trên đất; 29 hộ đủ điều kiện bố trí tái định cư với 29 nền.
 
Tổng giá trị bồi thường khi giải phóng mặt bằng toàn bộ lõi nút giao An Bình dự kiến đến thời điểm hiện tại hơn 90 tỷ đồng (đã điều chỉnh giá bồi thường theo thời điểm hiện tại). Trong đó, bồi thường hỗ trợ về đất gần 79 tỷ đồng, bồi thường về tài sản hơn 7,5 tỷ đồng, còn lại là các khoản hỗ trợ khác.

Giai đoạn 1 của dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh có chiều dài tuyến khoảng 26,56km, đi qua huyện Tháp Mười và huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Dự án có điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại lý trình Km96+875 thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười; điểm cuối tại nút giao An Bình.

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp, đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 (bao gồm bổ sung lõi nút giao An Bình) là gần 1.060 tỷ đồng. Trong đó, phần lõi nút giao An Bình dự kiến trên 90 tỷ đồng, phần dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 hơn 969 tỷ đồng.

Nhiều năm trôi qua, đời sống sinh hoạt, tình hình sản xuất của người dân ở vùng lõi nút giao thông An Bình gặp không ít khó khăn. Người dân nơi đây rất mong được Nhà nước bố trí nguồn vốn để sớm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với mức chi trả hợp lý theo thời điểm hiện tại để bà con có điều kiện di dời đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống.

Tin, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Đảm bảo quyền lợi người dân khi thu hồi đất
Đảm bảo quyền lợi người dân khi thu hồi đất

Một trong những nội dung được góp ý và quan tâm nhất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất có chỗ ở, có điều kiện sống tốt, bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN