Nghe chuyện nông dân lo Tết

Với người nghèo, việc có sắm được cho con tấm áo mới, nồi bánh chưng hay không đều trông chờ vào hạt thóc, mớ rau hay con gà... Họ vất vả, chắt bóp cả năm để mong có được cái Tết đủ đầy nhưng thực sự vẫn còn nhiều người phải “giật gấu vá vai” khi lo Tết...

 

Mong Tết đủ đầy hơn


Hơn nửa tháng trở lại đây, cánh đồng rau của xã Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Lộc - Thanh Hóa) lúc nào cũng có vài chục người ra ruộng chăm rau. Người xới đất làm cỏ, người gánh nước tưới, người hỏi han kinh nghiệm chăm sóc, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật... Nhìn những luống bắp cải đã cuốn bằng nắm tay, củ su hào đã bằng cái chén, chiếc hoa súp lơ đã to bằng chiếc ấm, ai cũng hy vọng vào một cái Tết đủ đầy. Chị Nguyễn Thị Sen cho biết: “Để có tiền tiêu Tết, bà con thường tính ngày trồng rau vụ đông. Có Tết hay không đều nhờ những ruộng rau này đấy”.


 

Nhiều gia đình chăm sóc vườn rau, đàn gà để bán lấy tiền sắm Tết.

Đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, gia đình chị Sen bắt đầu mua giống cải bắp về trồng. Ngày nào chị cũng phải gánh nước tưới. Ban đầu là tưới nước lã, đến khi rau bén rễ thì tưới phân đạm, kali và phun thuốc trừ sâu, khoảng 75 đến 80 ngày sau thì cải cho thu hoạch. Theo chị Sen, một sào trồng được 1.000 cây cải bắp, nếu thời tiết thuận lợi và được giá (khoảng 2.500 đồng/chiếc), chị sẽ thu được 2,5 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư 700.000 đồng, còn lãi 1,8 triệu đồng. “Số tiền đó tôi mua thịt, đỗ, gạo nếp gói bánh chưng và mua mấy bộ quần áo mới cho hai con”, chị Sen chia sẻ.


Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra đúng như sự tính toán của chị Sen bởi rau được giá hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu “trời nồm” (độ ẩm không khí cao, thời tiết ban ngày nóng và se lạnh về đêm) thì rau sẽ dễ bị thối. Nếu rau từ các nơi đưa về nhiều quá, họ sẽ bán giá thấp hơn. Chị Sen vẫn còn nhớ như in chuyện được mùa mất giá năm 2007. “Đưa rau xuống chợ huyện, lúc đầu tôi bán với giá 1.000 đồng/cây, rồi giảm xuống 700 đồng, 500 đồng, cuối buổi thì chỉ 300 đồng/cây. Vụ đó, bán cả sào rau tôi chỉ thu được 300.000 đồng”.


Khác với chị Sen, cái Tết của gia đình chị Nguyễn Thị An (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) trông vào đàn gà hơn hai chục con đang được “vỗ béo” trong chuồng.


Đàn gà khoảng ba chục con được gia đình chị nuôi “om” từ tháng 5 âm lịch nhưng con thì bị chuột cắn, con bị mèo vồ, con lại chết bệnh, đến nay chỉ còn hai chục con. Hết gà là mất Tết nên chị tìm mọi cách đảm bảo an toàn cho chúng. Chị đã tiêm phòng cho những con còn lại, lấy bạt che chắn chuồng trại. Đêm đêm, hễ có tiếng động từ chuồng gà là chị chạy ra kiểm tra. “Cẩn thận hơn, tôi cột thêm con chó cạnh chuồng để bảo vệ đàn gà”, chị An nói.


Chị An nhẩm tính, dịp Tết này, nếu bán được 15 con, chị sẽ có khoảng 2 triệu đồng. Một phần tiền này chị dùng để may quần áo cho con, một phần dành mừng tuổi ông bà nội ngoại, mua đàn gà nhỏ làm giống. Số tiền còn lại chị sẽ mua thịt lợn, gạo nếp, bánh kẹo, trái cây để gia đình đón Tết.


Cũng như chị Sen, chị An, nhiều nông dân trong cả nước chờ bán cây nhà lá vườn lấy tiền sắm Tết. Có gia đình thì trông chờ vào vườn cây ăn trái, có gia đình lại trông chờ vào con lợn, con gà. Thậm chí có gia đình chỉ trông vào buồng cau như gia đình chị Lê Thị Tám (xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên). Chồng mất sớm, tài sản duy nhất của gia đình chị là căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp. Hàng ngày, chị phải đi làm thuê, từ hái chè, làm cỏ đến phụ hồ để lấy tiền lo cho con ăn học. Nhờ có 3 cây cau trong vườn nhà mà chị mới có tiền mua quần áo cho con, chuẩn bị đồ cúng gia tiên... “Không có mấy cây cau, chắc gia đình tôi chẳng bao giờ có Tết”, chị nói.

 

Làm để con có Tết


Nhà chị Nguyễn Thị Tuyên (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) có tới 8 miệng ăn. Chồng lại ốm yếu, một mình chị vừa phải cáng đáng việc nhà, vừa phải đi làm thuê lấy tiền nuôi con ăn học. Ngày nào cũng vậy, bữa cơm của gia đình chỉ là rau và nước mắm, còn những bữa cơm thịt, cá thì phải cả tháng mới có một bữa.


Tết năm ngoái, chị cố gắng mua quần áo mới và làm được nồi bánh chưng cho con. Gọi là bánh cho lịch sự, chứ mỗi chiếc bánh chỉ là gạo nếp với nửa thìa đỗ không có thịt bọc lá dong đem luộc. Vì thế, khi chị bóc bánh ăn thì đứa con 4 tuổi khóc ré lên đòi bánh nhiều đỗ, nhiều thịt, chê bánh ở nhà chỉ toàn gạo, lại đòi sang ăn bánh nhà bác Lê hàng xóm. “Hỏi ra mới biết, hồi chiều, nó được bác Lê bóc bánh cho ăn, bánh nhà bác Lê có nhiều thịt, nhiều đỗ. Thấy ngon, nó ăn hết gần nửa cái. Nghe con kể xong, tôi thấy tủi thân quá vì không thể làm được cho con những chiếc bánh ngon”, chị Lê nhớ lại.


Năm 2012, mỗi ngày chị dành vài ngàn bỏ ống tiết kiệm, cuối năm bổ ra lấy tiền mua đỗ, thịt làm bánh chưng ngày Tết. Chị Tuyên nói: “Đói khổ cả năm cũng phải cố gắng để các con có một nồi bánh chưng ngon dịp Tết”.


Cả năm chỉ quanh quẩn với ruộng vườn, nhưng gần đến ngày Tết, chị Lê Thị Hoa (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại tranh thủ đi buôn rau để nhặt nhạnh thêm chút tiền lo Tết cho con. Cứ 5 giờ sáng, chị cùng chiếc xe cà tàng kẽo kẹt ra ruộng để mua cất rau, sau đó mang về chợ lẻ bán lại. Khoảng 10 giờ, chị lại tranh thủ về nhà dọn dẹp, thổi cơm, và vội mấy miếng rồi lại tất tả đi đón rau cho kịp chợ chiều. Mỗi mớ rau bán được, chỉ lãi từ 500 - 1.000 đồng nhưng chị vẫn cố gắng nhặt nhạnh để lo cho gia đình. Chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi 3 con và bố mẹ chồng già, vì thế, việc sắm Tết với gia đình chị là chuyện rất khó khăn. “Vất vả mình không ngại, chỉ mong con có Tết được như chúng bạn”, chị Hoa bùi ngùi.


Bài và ảnh: Hương Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN