Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế:

Nên xây dựng các gói dịch vụ BHYT

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) mới đây đã thể hiện nhiều điểm mới tích cực và tăng quyền lợi của người tham gia BHYT. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên xây dựng các gói dịch vụ BHYT khác nhau nhằm phát huy tối đa hiệu quả.


Tăng quyền lợi thông qua gói dịch vụ cơ bản

Điều 36 BHYT 2008 quy định quyền lợi của người tham gia BHYT gồm: Được cấp thẻ BHYT khi đóng bảo hiểm; lựa chọn cơ sở khám, chữa BHYT ban đầu theo quy định; được khám, chữa bệnh; được tổ chức BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT; được quyền yêu cầu và được giải thích, cung cấp thông tin về chế độ BHYT; khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Theo đánh giá, những quy định như vậy về quyền lợi của người tham gia BHYT là vẫn còn chung chung, người tham gia chưa thực sự biết mức quyền lợi của mình khi tham gia, đồng thời cũng không có những thông tin đầy đủ, rõ ràng trước khi tham gia BHYT.


Bệnh viện Đa khoa Đakrông (Quảng Trị) nâng cao chuyên môn phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT mới, tuy chưa có những điều khoản bổ sung trực tiếp tại điều 36 này song với những nội dung mới được đưa vào đã hướng tới quyền lợi người tham gia BHYT. Đó là việc đưa ra “gói dịch vụ y tế cơ bản” tại khoản 10 điều 6 gồm những dịch vụ thiết yếu cho cấp cứu, khám chữa và phục hồi chức năng; việc ban hành danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kĩ thuật… Tại khoản 10, người tham gia BHYT sẽ được tăng quyền lợi bởi họ biết cụ thể trong gói BHYT họ tham gia, họ sẽ được quyền hưởng lợi tới đâu, đâu là những loại thuốc, dịch vụ kĩ thuật, vật tư y tế họ được dùng trong trường hợp phải sử dụng tới BHYT. Quy định mới được đưa vào lần này tạo ra sự minh bạch, rõ ràng, tránh được những thắc mắc về sau cho người tham gia khi việc chi trả có thể bị đội giá do người tham gia BHYT phải sử dụng tới các kĩ thuật, vật tư y tế, những loại thuốc không nằm trong danh mục của gói BHYT.


Dự thảo mới về Luật BHYT 2014 tính tới nay đã được sửa đổi, bổ sung 28/52 điều với 44 mục so với luật 2008. Trong đó, đáng chú ý phải kể tới các quy định như: BHYT thanh toán 100% cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, người bệnh có thời gian tham gia BHYT trên 5 năm và số tiền chi trả cho y tế trong 5 năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; bắt buộc mọi người phải tham gia BHYT thay vì hai hình thức bắt buộc và tự nguyện; hay quy định về việc đăng ký khám, chữa ban đầu tại trạm y tế xã, trung tâm huyện hay bệnh viện đa khoa khu vực không có viện huyện được quyền khám chữa tại các cơ sở y tế trong cùng huyện thì không bị coi là trái tuyến, được hưởng đầy đủ các quyền lợi của BHYT…


Bảo hiểm y tế “đa thành phần”


Theo TS, bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng (RTCCD), Ban thường trực hành động nhóm Hợp tác và Thúc đẩy Phát triển Chính sách Y tế dựa vào Bằng chứng Khoa học (EBHPD), có tới 40% người tham gia khám, chữa bệnh tại bệnh viện công không sử dụng thẻ BHYT. Điều này cho thấy, BHYT chưa thực sự được người dân đánh giá cao và coi trọng. BHYT đã có những đóng góp quan trọng đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe, và đặc biệt là với người nghèo, những người yếu thế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy do những quy định chưa rõ ràng về đối tượng nên nhiều người dân không tham gia BHYT, không sử dụng thẻ BHYT mà sẵn sàng khám, chữa vượt tuyến, khám, chữa theo yêu cầu. “BHYT rất ưu việt, nhưng nhiều gia đình có điều kiện kinh tế không dùng thẻ. Vì vậy cần xem xét lại chất lượng cung cấp dịch vụ BHYT tại các tuyến”, Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc RTCCD nói.


Nhằm nâng cao việc áp dụng tính hiệu quả trong áp dụng luật BHYT, có ý kiến đề xuất có nên đưa ra các gói BHYT khác nhau cho các đối tượng khác nhau. Đây là câu hỏi đúng và phù hợp tình hình thực tế. Bởi, hiện nay ngoài mức đóng theo quy định, nhiều người dân sẵn sàng tham gia đóng BHYT ở mức giá cao hơn để được sử dụng những dịch vụ y tế cao cấp hơn. Không bị hạn chế trong gói dịch vụ y tế cơ bản với các danh mục thuốc, thiết bị vật tư, kĩ thuật mặc định… TS, BS Trần Tuấn nói: Để đảm bảo tối đa quyền lợi chăm sóc sức khỏe, BHYT cũng nên theo cơ chế thị trường, có như thế người dân mới được bảo hiểm y tế đa thành phần. Do vậy, nên đẩy mạnh BHYT tư nhân, mở ra các gói dịch vụ BHYT khác nhau cho người dân lựa chọn. TS, BS Trần Tuấn cũng nhấn mạnh: BHYT phải có quy định rõ ràng như một loại hợp đồng giữa một bên là nhà cung cấp dịch vụ với đối tượng sử dụng dịch vụ, cần có quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên rõ ràng. Điều này trong luật BHYT 2008 chưa làm được. Như vậy, nếu làm tốt điều này, rõ ràng BHYT sẽ phát huy hơn được vai trò của mình.

 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT sẽ được trình Quốc Hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, dự kiến trình vào ngày 20/6. Trong thời gian từ nay tới 20/6, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT sẽ tiếp tục thảo luận nhằm hoàn thiện hơn trình Quốc hội.


Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN