Ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, đời sống
Những tháng qua, Hà Nội và nhiều khu vực trên cả nước đã hứng chịu nhiều đợt nắng nóng gay gắt, với mức nhiệt cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt và cuộc sống người dân.
Anh Nguyễn Văn Minh (thợ xây, ở thôn Xuân Nộn, xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, dưới thời tiết nắng gắt như những ngày gần đây, anh thường phải dậy rất sớm và đi làm từ lúc 5 giờ, đến khoảng hơn 10 giờ là nghỉ, buổi chiều làm việc từ lúc 16 giờ đến 18 giờ 30. Vì thường làm những công trình gần, cách nhà khoảng 3 - 4 cây số, buổi trưa, anh tranh thủ về nhà nghỉ tránh nắng nóng. Chiều khi trời dịu nắng, anh lại tiếp tục quay về công trình để làm việc.
Anh Bùi Ngọc Đĩnh, chạy xe ôm công nghệ tại Hà Nội chia sẻ, hàng ngày phải làm việc dưới trời nắng nóng, để tránh tác hại của nắng, anh thường xuyên phải mặc quần áo dài tay, đội mũ bảo hiểm có kính che mặt và đeo khẩu trang mỗi khi đi làm. Lúc không có khách, anh tranh thủ ngồi nghỉ dưới bóng cây. Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt nhưng vì cuộc sống, anh phải cố gắng làm việc.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nắng nóng, khô hạn trên diện rộng, cộng với mất điện liên tục, kéo dài, nhất là tại vùng nông thôn, miền núi đã làm cho sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Một số bệnh viện trong tỉnh, trẻ em và người già nhập viện tăng cao
Những ngày nắng nóng, nhất là vào buổi trưa, tại các vùng biển, sông suối, dưới tán cây… có rất nhiều người dân đến tránh nắng nóng. Anh Hoàng Văn Chung (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) cho biết, từ ngày 1 - 3/6, trên địa bàn một số xóm trong xã xảy ra tình trạng mất điện, có ngày điện lực thông báo mất điện từ 9 giờ đến 23 giờ. Điện mất, thời tiết lại nắng nóng làm cho người dân, nhất là trẻ nhỏ và người già rất khốn khổ.
Chị Hoàng Kim Hương (trú tại Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, trong đợt nắng nóng vừa qua, từ lúc 7 giờ, mở cửa sổ là cả nhà chị đã cảm thấy hơi nóng từ ngoài tràn vào nhà. Đến 8 giờ, cảm giác nóng như đang giữa trưa. Nếu không vì phải đi học, đi làm, không ai muốn ra khỏi nhà vì nắng nóng như thiêu đốt.
Nắng nóng gây ra tình trạng khô hạn tại nhiều khu vực, do thời tiết ít mưa, nước ở các suối, khe, hồ thủy lợi cạn kiệt đã làm hàng trăm ha lúa, hoa màu ở các địa phương vùng cao tỉnh Lào Cai bị ảnh hưởng và hàng nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Hạn hán kéo dài đang tác động nghiêm trọng tới sản xuất, đời sống, hoạt động của nhiều trường học, cơ sở y tế và hộ dân nơi đây.
Tại hồ thủy lợi thôn Tảo Giàng (xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), mực nước giảm mạnh từ độ sâu hơn 5 m xuống chỉ còn gần 1 m. Hàng chục ha lúa của người dân các thôn Bồ Lũng, Giáp Cư, Trung Tâm, Lùng Vai, Tảo Giàng đã khô hạn, nứt nẻ. Theo thống kê, xã Lùng Vai hiện có 92 ha lúa, 1.057 ha chè, 300 ha ngô và 300 ha cây giống khác đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Để có nước chống hạn cho lúa, nhiều hộ dân chấp nhận vét ao, bán cá non để bơm nước cứu lúa. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp ngắn hạn bởi vì các chân ruộng nứt nẻ, nước bơm về đến đâu thấm hết đến đó.
Không chỉ ở Lùng Vai, nhiều địa phương khác của huyện Mường Khương cũng gặp khó khăn do tình trạng ít mưa dẫn tới khô hạn. Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Na Lin, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) cho biết, gia đình chị có khoảng 5.000 cây chè đã chết do bị khô hạn. Những khu vực trồng dứa, quế, lúa bị táp hết vì thiếu nước.
Ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết, nắng nóng kèm mưa ít dẫn tới khô hạn, rất nhiều loại cây trồng, nhất là ngô bị ảnh hưởng. Diện tích ngô trên địa bàn xã là 260 ha; trong đó có khoảng 154 ha bị ảnh hưởng không phát triển được, chủ yếu ở các nương đồi cao không có nước để tưới do các khe, suối nhỏ đều cạn kiệt. Đặc biệt, địa bàn hiện có trên 600 ha chè cơ bản bị khô hạn.
Cùng với thiệt hại về cây trồng, các hộ nuôi cá nước lạnh ở thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát chịu thiệt hại nặng nề do thiếu nguồn nước dẫn đến cá chết hàng loạt.
Không chỉ thiếu nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nước phục vụ sinh hoạt của người dân vùng cao của Lào Cai đang dần cạn kiệt. Gần 1 tháng qua, nguồn nước duy nhất cung cấp cho trên 300 học sinh bán trú tại Trường Trung học Phổ thông số 2 Sa Pa liên tục bị mất. Để có nước phục vụ sinh hoạt, thầy cô giáo và học sinh phải chia nhau đến nhà người dân xin từng xô nước. Vì vậy, nước sạch được thầy trò ở đây tiết kiệm triệt để từ vệ sinh cá nhân, nấu ăn và sinh hoạt khác.
Tại tỉnh Đắk Lắk, để ứng phó với tình trạng nắng nóng, hạn hán và mực nước trên các hồ hạ thấp, công ty Thủy điện Buôn Kuốp (thuộc Tổng Công ty Phát điện 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam), đơn vị đang vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện bậc thang là Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpốk 3 trên dòng sông Srêpốk, đã chủ động, linh hoạt điều tiết nguồn nước, vừa đảm bảo sản xuất điện, vừa đáp nhu cầu nước của vùng hạ du.
Ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng ca vận hành Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah thông tin, trong giai đoạn nắng nóng kéo dài, nhu cầu cấp nước của vùng hạ du hồ Buôn Tua Srah tăng cao. Cùng với đó, yêu cầu huy động sản lượng điện của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng tăng, gây áp lực lớn cho công tác vận hành.
Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp Nguyễn Đức cho hay, trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, để đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt của vùng hạ du, từ ngày 8/5, Công ty phải khai thác phần dung tích nước chết của hồ chứa với lưu lượng 78 m3/giây/15 giờ/ngày (trong một tuần) để phục vụ sản xuất, chống hạn cho người dân. Đồng thời, đơn vị thống nhất với các địa phương trong vùng hạ du và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia từ ngày 17/5/2023 đến cuối mùa hạn (dự kiến tháng 7), hồ chứa Buôn Tua Srah sẽ tiến hành điều chỉnh nước với lưu lượng xả tối thiểu 37 m3/giây trong vòng 12 giờ/ngày, tương ứng với hàng ngày khai thác tối thiểu một tổ máy.
Chủ động ứng phó với nắng nóng, hạn hán
Theo Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn) Nguyễn Văn Hưởng, nắng nóng năm 2023 đến sớm và có xu hướng gay gắt hơn hẳn so với những năm trước. Khoảng tháng 7 đến tháng 9, do ảnh hưởng của trạng thái El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương), nắng nóng có khả năng gia tăng từ khoảng tháng 6 đến tháng 8, tập trung nhiều tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Cao điểm nắng nóng tại miền Bắc tập trung vào tháng 6 - 7; miền Trung là tháng 6 - 8. Các đợt nắng nóng trung bình kéo dài từ 2 - 4 ngày, có đợt dài hơn. Số ngày nắng nóng năm 2023 có thể xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022. Nhiều khả năng còn xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc. Dự báo một mùa hè gay gắt sắp tới, với nhiều đợt nắng nóng gay gắt, có khả năng xuất hiện các giá trị nhiệt độ cao lịch sử sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân.
Để ứng phó với nắng nóng, hạn hán, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp như xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước; phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước nhằm bảo đảm tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất.
Các địa phương tổng hợp tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hạn, thiếu nước đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp tại các huyện, thành phố; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong thực hiện các giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước như: sửa chữa công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, hồ đập,...
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước.
Các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước. Các địa phương chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi, vùng ven biển thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt. Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công một lãnh đạo bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán; tổ chức dự báo chuyên ngành, chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất...
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước...; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các địa phương thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trong cả mùa lũ, mùa cạn.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát phương án sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại các hồ thủy điện để có phương án chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng cao điểm nắng nóng; tính toán, đề xuất vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện lớn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước...
Bộ Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn nhân dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước...
Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý, vận hành các Nhà máy nước lớn rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên các lưu vực sông, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân ở hạ du.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan truyền thông tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị, người dân để thay đổi, nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động ứng phó với tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.