Năm 2017 - một năm đầy 'sóng gió' của ngành Y

Năm 2017, có thể coi là năm đầy "sóng gió" với ngành y tế khi phải đối mặt dịch sốt xuất huyết ở cả 63 tỉnh, thành phố và đặc biệt diễn biến phức tạp tại miền Bắc. Mặt khác, đây cũng là năm xảy ra nhiều sự cố y khoa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người bệnh.

Tháng 8/2017, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết tăng, các bệnh viện đều quá tải trầm trọng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Những sự cố đáng tiếc

Năm 2017, dịch sốt xuất huyết lan rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, khiến 163.600 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 138.327 trường hợp nhập viện, 30 trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc gia tăng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8/2017, đặc biệt dịch diễn biễn phức tạp tại Hà Nội với số ca mắc tăng kỷ lục. Từ tuần đầu tháng 9/2017 số mắc giảm nhiều ở hầu hết các tỉnh, thành phố.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, thời điểm này, phần lớn các tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc sốt xuất giảm; đặc biệt là khu vực miền Bắc đang là mùa đông, thời tiết lạnh giá nên dịch thời gian tới có xu hướng giảm. Tuy vậy, ở khu vực miền Nam, miền Trung vẫn trong thời điểm mà những năm trước là tháng cao điểm về sốt xuất huyết. Chính vì vậy, cộng đồng không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết; tiếp tục phải duy trì các hoạt động phòn bệnh đã thực hiện để ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Riêng tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo chống dịch Bộ Y tế liên tục theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch, họp cùng các đơn vị liên quan và các chuyên gia quốc tế, tham mưu cho chính quyền thành phố, đẩy mạnh hoạt động các đội xung kích diệt bọ gậy trên nhiều điểm nóng, huy động toàn bộ lực lượng cần thiết cùng vào cuộc.

Cũng trong năm qua, ngành y tế đối mặt với nhiều vụ việc nghiêm trọng như: Sự cố chạy thận nhân tạo làm 8 người chết tại Hòa Bình, vụ 4 trẻ sơ sinh bị tử vong tại Bắc Ninh, hơn 100 trẻ mắc sùi mào gà do chữa hẹp bao quy đầu (tại Khoái Châu, Hưng Yên), vi phạm trong quản lý, sử dụng thuốc điều trị ung thư…

Trước đó, vào tháng 5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu bất thường; 8 người lần lượt tử vong; 10 người còn lại đã ổn định sức khỏe và xuất bản. Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là do nguồn nước cung cấp việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình...

Đến tháng 11/2017, lại xảy ra sự cố 4 bé sinh non đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh lần lượt tử vong. Kết luận sơ bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự và các chuyên gia nhi khoa, dựa trên giám định pháp y bệnh nhi, nguyên nhân gây tử vong là do "sốc nhiễm khuẩn", có liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện. Có 20 bé được đưa về các bệnh viện lớn ở Hà Nội để tiếp tục điều trị, trong khi khu vực chăm sóc đặc biệt trẻ sinh non ở viện Bắc Ninh tiến hành sát khuẩn. Hội đồng kết luận, 4 trẻ sinh non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai trên các bà mẹ có tiền sử sản khoa bệnh lý, đã được xử lý sản khoa phù hợp.

Những ngày cuối năm 2017, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam y sĩ Hoàng Thị Hiền, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, sau khi sử dụng thủ thuật can thiệp vào bao quy đầu bằng dụng cụ y tế nhiễm vi rút HPV gây bệnh sùi mào gà cho hơn 100 trẻ.

 Cơ quan Cảnh sát Công an tỉnh Hưng Yên đã tổ chức giám định, xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể có nguyên nhân từ bệnh sùi mào gà đã gây nên đối với 32 trên tổng số 103 bệnh nhi. Kết quả xác định: có một cháu bị tổn thương cơ thể 25%; 5 cháu có tổn thương 21%; 2 cháu tổn thương 10%; 4 cháu có tổn thương 8% và 20 cháu tổn thương 6%.

Cháu Đỗ Văn Đức (4 tuổi) quê ở xã Đoàn Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là bệnh nhân nặng nhất được điều trị tại bệnh viện Da liễu Trung ương (ảnh chụp trưa 20/7/2017). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nâng cao chất lượng, giảm sự cố y khoa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, sự cố 8 bệnh nhân đã tử vong trong số 18 bệnh nhân đang lọc máu trong khoa chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là sự cố y khoa trầm trọng. Cả nước hàng năm có hàng triệu trường hợp được lọc máu và hàng ngày các tuyến từ Trung ương đến tuyến tỉnh đã tuân thủ những qui trình rất chặt chẽ được Bộ Y tế ban hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, sự cố này là một trường hợp đặc biệt xảy ra trong điều kiện cụ thể tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai tham gia hội chẩn bệnh nhân trong sự cố chạy thận nhân tạo. Ảnh: Vũ Hà/TTXVN

Ngay sau khi xảy ra sự cố chạy thận nhân tạo, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Hòa Bình kết hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, khẩn trương thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét, kết luận nguyên nhân xảy ra sự cố y khoa để làm rõ; xử lý nghiêm sai phạm nếu có. Bộ đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cứu chữa cho 10 bệnh nhân còn lại, không để thêm bệnh nhân tử vong. Đặc biệt, các chuyên gia đã hỗ trợ để khoa thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình sớm quay lại hoạt động nhằm tạo điều kiện để 100 bệnh nhân ở đây được điều trị đúng qui trình chuyên môn; không để các bệnh nhân này do sự cố mà phải ngừng điều trị.

Đối với trường hợp 4 trẻ tử vong tại Bắc Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Đây là sự cố không ai mong muốn nhưng 4 trẻ sơ sinh tử vong trong cùng một ngày, cùng một khoa là hiện tượng bất thường. Sau khi phát hiện có sự hiện diện vi khuẩn đang kháng thuốc nguy hiểm (là thủ phạm gây sốc nhiễm khuẩn gây tử vong 4 trẻ sinh non ngày 20/11), Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh tiến hành khử khuẩn toàn bộ khu vực chăm sóc điều trị trẻ sơ sinh.

Thời gian tới, để giảm sự cố y khoa, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng chuẩn chất lượng bệnh viện, các chuẩn chất lượng chuyên môn (hiện đang xây dựng được cho một số chuyên ngành như đơn vị đột quỵ, mổ đục thủy tinh thể…); thiết lập tổ chức chứng nhận chất lượng bệnh viện độc lập thực hiện việc đánh giá, giám sát, kiểm định chất lượng bệnh viện một cách khách quan và được chuẩn hóa.

Đồng thời, ngành y tế tăng cường đào tạo, tập huấn về vấn đề an toàn người bệnh, thay đổi tư duy xử phạt, quy lỗi cá nhân sang khuyến khích báo cáo tự nguyện. Ngoài ra, Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Y tế tìm giải pháp để Nghị định 102/2011/NĐ-CP về bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh thực sự có hiệu lực, giúp cho người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh trước những nguy cơ, rủi ro, sự cố không mong muốn…

Mặt khác, để bảo đảm an toàn người bệnh, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc thực hiện việc bảo đảm thiết lập chương trình và xây dựng các quy định, cụ thể bảo đảm toàn người bệnh và nhân viên y tế. Thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa; xây dựng quy trình phân tích xác định nguyên nhân gốc gây nên sự cố y khoa, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn; hướng dẫn biện pháp phòng ngừa sự cố y khoa và khuyến khích sự tham gia cộng đồng và người bệnh trong công tác bảo đảm an toàn người bệnh.

Thu Phương - TTN (TTXVN)
Bắt tạm giam y sĩ can thiệp bao quy đầu khiến 103 trẻ mắc sùi mào gà
Bắt tạm giam y sĩ can thiệp bao quy đầu khiến 103 trẻ mắc sùi mào gà

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam y sĩ Hoàng Thị Hiền,xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, sau khi sử dụng thủ thuật can thiệp vào bao quy đầu bằng dụng cụ y tế nhiễm virus HPV, khiến cho hơn 100 trẻ em mắc bệnh sùi mào gà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN