Lo lắng của người dân là bởi trong những năm qua, bờ sông Dinh thường xuyên xảy ra sạt lở. Mới đây nhất, trên 5 km bờ sông này lại tiếp tục sạt lở, lấn sâu vào khu dân cư và đất sản xuất của người dân.
Ông Phan Ngọc Huy (ở thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn) cho hay, trước đây căn nhà của ông cách bờ sông Dinh hơn chục mét. Nhưng mấy năm nay, do xảy ra sạt lở nên bờ sông ngày càng tiến gần vào, có nơi sạt lở lấn sâu vào khoảng 8 mét và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mặc dù đất của gia đình ông ở ven sông có các bụi tre che chắn dọc bờ, nhưng qua nhiều năm các bụi tre cũng bị nước lũ cuốn trôi và sạt lở cứ xâm lấn vào đất từ 2 - 3 mét.
Khi xảy ra sạt lở, ông đã báo cấp thẩm quyền có giải pháp khắc phục, xử lý, nhưng không có phản hồi. Chờ lâu, ông Huy tự khắc phục bằng cách lấy bao xi măng về đổ đất, cát rồi cho xuống nơi sạt lở từ 2 đến 3 lớp nhưng bờ sông tiếp tục sạt, rất nguy hiểm.
Thực tế cho thấy, hai bên bờ sông Dinh (còn gọi là sông Cái) đoạn chảy qua các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có tổng chiều dài gần 10 km thì đã có 4 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 5 km, lấn sâu vào khu dân cư và đất sản xuất của người dân.
Ông Ngô Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết, thời gian qua, bờ sông Dinh bị sạt lở khá lớn. Những vị trí sạt lở trên đã lấn sâu vào khu dân cư, đất sản xuất của người dân từ 10 đến 40 mét, gây hoang mang cho nhân dân trong khu vực mỗi khi đến mùa mưa lũ.
UBND xã luôn sẵn sàng phương án ứng phó lúc cần thiết, nhưng cũng chỉ mang tính chất tạm thời. Chính quyền xã chỉ còn cách tuyên truyền, vận động bà con di dời đến các khu vực cao để đảm bảo an toàn khi có mưa lũ; về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm sạt lở bằng cách làm kè bê tông.
Không chỉ bờ Nam sông Dinh chảy qua địa bàn xã Phước Sơn, bờ Bắc của con sông này thuộc địa bàn huyện Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, tốc độ sạt lở lớn, lấn sâu vào các khu dân cư. Hiện tại, hàng trăm hộ dân trong vùng đang sống sát mép bờ sạt lở, cận kề với khu vực có hiểm họa cao.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường lực lượng kiểm tra các khu vực xung yếu để có giải pháp gia cố kịp thời khi xảy ra sạt lở, không để ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không mang lại hiệu quả cao bởi diễn biến mưa lũ ngày càng phức tạp, giải pháp lâu dài vẫn là sớm đầu tư xây dựng kè chống sạt lở.
Hiện nay, nhu cầu đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai tại Ninh Thuận rất nhiều. Không những sạt lở cục bộ tại xã Phước Sơn mà đoạn bờ tả sông Cái từ xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) đến Cầu Móng (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) trong những năm gần đây cũng xảy ra sạt lở hết sức nghiêm trọng. Trong khi, tỉnh Ninh Thuận không đủ nguồn lực để bố trí đầu tư chống sạt lở và chỉ trông chờ kinh phí đầu tư từ nguồn cấp bách dự phòng ngân sách Trung ương.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, trên cơ sở đề xuất của Sở, UBND tỉnh đã có văn bản số 104/TTr-UBND ngày 4/9/2024 và văn bản số 173/TTr ngày 11/11/2024 gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh để đầu tư xây dựng các công trình kè sông nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân một cách sớm nhất.
Qua kiểm tra thực tế các điểm sạt lở bờ sông trên địa bàn xã Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở, triển khai các phương án sửa chữa, gia cố đảm bảo, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra; lắp đặt các biển cảnh báo để người dân biết, nâng cao cảnh giác.
UBND tỉnh đã có văn bản gửi các Bộ, ngành Trung ương xem xét, sớm bố trí vốn để tỉnh triển khai dự án đầu tư bờ kè chống sạt lở, ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân sống hai bên bờ sông Dinh.