Một nút nhấn ‘share’, bao điều kéo theo sau đó

“Trước khi nhấn share (chia sẻ), hãy biết cân nhắc xem như vậy thì có hậu quả, có tác dụng xấu gì, trước hết với cá nhân người ta, rồi với bạn bè, người thân trong gia đình người ta. Tôi nghĩ đó cũng là 1 kỹ năng, nội dung khá quan trọng cần trang bị cho giới trẻ”, đó là khẳng định của bà Clair Deevy, giám đốc Cộng đồng khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Facebook, tại lễ phát động chương trình giáo dục an toàn trên mạng mang tên “Think Before You Share” (Suy nghĩ trước khi chia sẻ), diễn ra sáng 5/6, tại Hà Nội.

Lễ khởi động chương trình.

Theo đánh giá của bà Clair Deevy, người dùng Facebook Việt Nam là một trong những cộng đồng người dùng năng động nhất trên thế giới. Trong cộng đồng người dùng này có nhóm các giáo viên, học viên, sinh viên tại các nhà trường, họ dùng Facebook như một công cụ để tìm kiếm các nguồn thông tin, qua đó học hỏi kiến thức, học tập, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau.

Họp báo giới thiệu chương trình. Ảnh: Huy Phương.

“Đối với tất cả những nhóm người dùng này, Facebook luôn mong muốn trao quyền cho họ, giúp cho họ có công cụ hữu hiệu để hỗ trợ cuộc sống. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng phải nghĩ đến việc đảm bảo an toàn cho họ trên môi trường mạng và mong muốn của chúng tôi là tạo ra môi trường an toàn cho người dùng tại Việt Nam. Để tạo ra được một môi trường mang tính chất an toàn như vậy, cần có sự cộng tác của các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, người dùng, các doanh nghiệp… Chúng tôi chỉ là chuyên gia về công nghệ, còn liên quan đến các vấn đề của Việt Nam, chúng tôi không phải chuyên gia, vì vậy, chúng tôi cần có sự hỗ trợ của các đối tác để qua đó tiếp thu những đóng góp, chia sẻ , góp phần tạo ra một môi trường mạng an toàn cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Facebook là công cụ tạo ra cuộc sống tích cực và tươi đẹp hơn cho mọi người, và để tạo ra một môi trường như vậy thì người dùng cần phải có những kỹ năng nhất định, giới trẻ nói chung cũng phải có kỹ năng cụ thể, như tư duy phản biện, sự thấu cảm, cũng như những kỹ năng cần thiết để khi tham gia môi trường mạng sẽ tạo ra môi trường an toàn cho bản thân và những người khác”, bà Clair Deevy nhấn mạnh.

Bà Clair Deevy, giám đốc Cộng đồng khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Facebook. Ảnh: Huy Phương.

Mong muốn này của Facebook đã nhận được sự đồng tình của Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD). Chính bởi vậy, một chương trình giáo dục an toàn trên mạng mang tên “Think Before You Share” (Suy nghĩ trước khi chia sẻ) đã được xây dựng và giờ đây đã được triển khai; “nhắm” đến đối tượng thanh thiếu niên 13-25 tuổi, với mục tiêu giúp các em có thể có biết phân tích nội dung trên mạng xã hội, có tư duy phản biện và có tư duy thấu cảm khi tham gia facebook cũng như mạng xã hội nói chung.


Chiến dịch trước mắt sẽ diễn ra từ nay tới cuối năm 2018, với các hoạt động: Tổ chức hội thảo, chương trình đào tạo, cung cấp các tài liệu trực tuyến… qua đó giúp cho các thanh thiếu niên có bộ công cụ, cũng như các hướng dẫn về việc chia sẻ thông tin một cách an toàn và có trách nhiệm trên mạng xã hội.


Ngay trong sáng 5/6 và kéo dài tới hết ngày 6/6, là một hội thảo dành cho 100 đại diện các tổ chức phi chính phủ có làm việc cùng thanh, thiếu niên của 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội nghị cung cấp cho các đại biểu những công cụ, kỹ năng thực tiễn để cải thiện nỗ lực của họ trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn- hữu ích, thúc đẩy công dân thời đại kỷ nguyên số có trách nhiệm và từ đó tạo nên sự hiện diện tích cực trên môi trường mạng. “Chiến dịch chọn đối tượng đầu tiên của dự án là các tổ chức phi chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức xã hội này trong việc bảo vệ trẻ em. Các tổ chức phi chính phủ sẽ giúp lan tỏa những thông điệp, mục tiêu của chiến dịch tới mọi miền”, đại diện chiến dịch cho biết.


Cùng với đó, các phụ huynh, giáo viên cũng là đối tượng “tuyên truyền” của chiến dịch, nhằm giúp các bậc làm cha mẹ, các giáo viên thấu hiểu, chia sẻ và tôn trọng các con, không ngăn cấm mà học hỏi, đồng hành cùng các con. Dự kiến sẽ có khoảng 1.500 giáo viên được tiếp cận với chiến dịch.


Và quan trọng nhất trong chiến dịch này chính là việc “trao quyền” cho giới trẻ để họ có thể tự làm chủ công nghệ. Cụ thể, 40 thanh thiếu niên sẽ được đào tạo trở thành những giảng viên nguồn, từ đó sẽ truyền tải thông tin tới cho 30.000 thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 13-25, đồng thời sẽ có tác động gián tiếp (thông qua chia sẻ trực tuyến) tới 250.000 thanh thiếu niên khác.


Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc điều hành MSD chia sẻ: Chiến dịch là một phần quan trọng trong việc giúp cho giới trẻ sử dụng mạng an toàn và đảm bảo rằng các em có những kỹ năng thích hợp để đóng góp tích cực vào việc xây dựng các cộng đồng lành mạnh. Chương trình này được thiết kế để giúp các em biết phân tích nội dung trên mạng xã hội, cũng như sử dụng tư duy phản biện và sự thấu cảm của họ để hiểu được nội dung đó hình thành quan điểm của mình ra sao. Qua đó, sẽ trao quyền cho các em, những công dân kỹ thuật số, để các em có thể sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, thông minh và có những trải nghiệm truyền thông xã hội tuyệt vời nhất.


PT/Báo Tin tức
Cô bé 14 tuổi xinh đẹp tự tử vì bị bắt nạt triền miên trên mạng
Cô bé 14 tuổi xinh đẹp tự tử vì bị bắt nạt triền miên trên mạng

Cô bé 14 tuổi, từng là gương mặt của Công ty mũ Akubra nổi tiếng Australia, đã tự tử sau chuỗi ngày bị bắt nạt trên mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN