Mâm cỗ Tết thời 4.0

Không còn phải lo tích trữ đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ từ cả tháng, không còn cảnh phải dậy từ sáng sớm để đi chợ mua các loại thực phẩm tươi ngon cho ngày Tết như trong ký ức của nhiều người nội trợ, việc chuẩn bị những mâm cỗ Tết thịnh soạn giờ đây chỉ còn là chuyện nhỏ trong thời cách mạng 4.0.

* Chỉ cần nhấp chuột

Hai năm vợ vắng nhà và thậm chí còn phải đi trực đến tận 29 Tết nhưng anh Quang ở Minh Khai (Hà Nội) vẫn chuẩn bị được mâm cỗ Tết truyền thống với đầy đủ các món để dâng cúng tổ tiên. “Tất cả là nhờ những tiện ích của cách mạng 4.0 mang lại”, anh Quang chia sẻ.

Chú thích ảnh
Người Việt rất coi trọng lễ cúng Tất niên. Ảnh: TT

Rất tình cờ khi lên google tìm kiếm thông tin để đặt một vài món cho ngày Tết thì chỉ vài hôm sau trên trang Facebook cá nhân của anh Quang đã có rất nhiều các quảng cáo mâm cỗ Tết được gợi ý với đủ loại món cổ truyền từ canh măng đến canh bóng, từ nem cuốn đến thịt đông, từ giò lụa đến giò xào, rồi xôi gấc, bánh chưng.

Vì vậy, chỉ cần nhấp chuột vào một số trang như hellomam.vn hay bepbacha.com… thì đến ngày cần cỗ là cỗ về tận nhà.

Giá một mâm cỗ truyền thống đầy đủ các món cũng chỉ tầm 1,2- 1,5 triệu đồng tuỳ vào lựa chọn của mỗi nhà. Và với những người đàn ông không thạo công việc chợ búa cơm nước thì đây là mức giá chấp nhận được để “vẹn cả đôi đường”, anh Quang chia sẻ.

Anh Quang cũng cho biết, chính những lợi ích của cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, như internet kết nối vạn vật và nhất là ứng dụng của dữ liệu lớn (Big data) mà mọi thông tin tra cứu của khách hàng đều được lưu giữ và xử lý rất nhanh. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà những nhu cầu tìm kiếm của người tiêu dùng lại được gợi ý chính xác trên trang Facebook cá nhân của chính người tiêu dùng đó.  

Tương tự vậy, với bà Dung là một giáo viên dạy tiếng Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh - người có nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, mâm cỗ Tết lại phải là những món ăn Âu.

Trong khi đó, việc tìm mua các loại gia vị và thực phẩm để nấu các món ăn đặc sắc theo kiểu Tây cũng không dễ dàng. Vì vậy bà Dung đã chọn giải pháp đặt món của một số nhà hàng chuyên ẩm thực Âu như: namanhcatering.com, delishxpress.com để có thể ung dung có được mâm cơm ngày Tết.

Đặc biệt, mâm cơm cúng Tết giờ đây còn có cả mâm cỗ chay để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, nhất là những người ăn chay, tụng kinh niệm Phật thường xuyên như bà Oanh, bà Ngọc ở Phương Liệt (Hà Nội).

Bà Oanh cho biết, gia đình bà có truyền thống cúng cơm chay. Trước đây, khi các dịch vụ chưa phát triển, bà thường mất rất nhiều thời gian để đi chợ, nấu các món chay.

Nhưng từ khi công nghệ phát triển, bà được con trai hướng tìm các địa chỉ cung cấp món chay trên mạng và đặt món chay qua mạng nên giờ bà không phải quá lo lắng và mất nhiều thời gian nấu nướng như những năm trước đây.

Thậm chí các mâm cỗ chay do nhà hàng chuyên nghiệp nấu được bày biện, trang trí rất đẹp mắt, còn món ăn thì phong phú hơn rất nhiều, bà Oanh chia sẻ.

*Truyền thống vẫn được lưu giữ

Mặc dù chỉ “phút mốt” là có cỗ Tết trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay nhưng không phải tất cả những người tiêu dùng đều thích dịch vụ mâm cỗ 4.0 này.

Gia đình bà Trang ở khu Vincom Riverside là một trường hợp như vậy. Mặc dù làm việc ở một cơ quan nước ngoài, hàng ngày tiếp xúc với văn hoá đồ ăn nhanh “fast food” và “take away” nhưng bà Trang vẫn muốn giữ nếp văn hoá truyền thống tự đi chợ nấu nướng mâm cơm cúng ngày Tết.

Tết năm nào cũng vậy, bà lại lặn lội ra tận ga Trần Quý Cáp chọn từng tàu lá dong, từng cân đỗ xanh còn nguyên vỏ, từng cân gạo nếp để gói bánh chưng Tết.

Bà Trang cho biết mua sẵn bánh chưng thì quá đơn giản nhưng bà muốn con cái được sống trọn trong không khí bận rộn của những ngày giáp Tết.

Đó là không khí đoàn viên ấm cúng cùng nhau gói bánh chưng, cùng nhau trông nồi bánh sôi lục bục thơm ngát, cùng nhau nướng khoai nướng sắn trong lúc trông bánh. “Cái không khí đoàn viên ấm cúng này thì có tiền cũng chả mua được”, bà Trang chia sẻ.

Cũng như bà Trang, bà Lệ Lan ở khu Park Hills thường tự ra chợ lựa chọn từng cân hành củ để muối cho ngày Tết. Bà Lan còn tự gói nem, làm giò xào, nấu canh măng, canh bóng, làm xôi gấc, chè kho… tất cả những món cổ truyền ngày Tết.

“Cả một năm bận rộn công việc, các cụ gia tiên đã thường phải ăn các đồ ăn sẵn rồi, giờ ngày Tết tôi muốn tỏ lòng thành kính nhất với tổ tiên bằng việc tự tay vào bếp nấu các món.

Cái không khí bận rộn vợ chồng con cháu cùng vào bếp, cùng dọn dẹp nấu nướng trong khi nồi nước lá mùi thơm nức lan toả thì đầm ấm hạnh phúc vô cùng. Và đây chính là nét văn hoá truyền thống đẹp mà tôi muốn các con các cháu mình tiếp nối”, bà Lan chia sẻ.

Anh Nguyễn (TTXVN)
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng phải có những món này
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng phải có những món này

Cúng rằm tháng Giêng hay cúng Tết Nguyên Tiêu từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Ông bà ta từ xưa đã có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN