Lượng khách đi miền Tây và Đông Nam bộ những ngày Tết tăng cao

Vào những ngày này, Bến xe khách Cà Mau luôn trong tình trạng đông khách đi các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ.

Khách đi các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ tăng cao trong ngày 2/2/2017. Ảnh: TTXVN.

Mặc dù các hãng xe đã bố trí ghế ngồi chờ, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu lượng khách tăng cao. Khách đi xe chủ yếu là cán bộ, công nhân của các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh trở lại làm việc sau những ngày nghỉ Tết.

Chị Lê Hồng Tiệp tay bế cháu nhỏ cho hay: "Tết năm nào tôi cũng về quê ở tận xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển để ăn Tết cùng gia đình. Chiều nay, tôi ra bến xe Cà Mau mua vé của hãng xe Hòa Hiệp đi tuyến Cà Mau - Vũng Tàu với giá 384.000 đồng/vé. Giá cước xe trong dịp Tết tuy đắt so với ngày thường nhưng tôi vẫn đặt mua được vé để kịp trở lại Công ty Tam Phước làm việc ngày đầu năm mới".

Chị Tiệp chia sẻ, tuy bến đông khách nhưng chị và nhiều công nhân vẫn dễ dàng mua vé, đúng giá niếm yết. Bến bãi, phòng bán vé được cơi nới rộng hơn nên bớt cảnh chen lấn vất vả mua vé như những năm trước.

Theo Ban điều hành Bến xe khách Cà Mau, từ ngày 2/2- 5/2 (tức mùng 6 đến mùng 9 tháng Giêng âm lịch) là thời điểm lượng khách đi các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ tăng cao nhất trong năm. Dự kiến, khách tăng từ 20 -30%. Riêng trong ngày 2/2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch) lượng khách tăng cao với khoảng 15.000 lượt.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó trưởng Ban điều hành Bến xe khách Cà Mau cho biết: ''Lượng khách tại bến tăng cao từ trưa và kéo dài đến 21 giờ tối ngày 2/2. Ban điều hành Bến xe khách Cà Mau tích cực điều động doanh nghiệp nhanh chóng tăng cường xe phương tiện dự phòng tham gia giải tỏa lượng khách tăng đột biến, không để xảy ra tình trạng ứ đọng khách trong đêm''.

Hiện có 9 hãng xe gồm Phương Trang, Tuấn Hưng, Phước Thành, Thanh Tuấn, Vũ Linh, Tân Thanh Nhàn, Hòa Hiệp, Tuấn Hiệp đăng ký tăng cường 34 xe khách dự phòng từ 40 - 45 chỗ tham gia giải tỏa khách tại bến từ nay đến mồng Mười tháng Giêng.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách ở Cà Mau, trong dịp Tết lượng khách tăng cao gây quá tải, xe thường xuất bến muộn hơn so với thời gian khách mua vé. Trong khi số lượng phương tiện của doanh nghiệp có hạn. Tuy nhiên, để kịp thời giải tỏa hành khách tại bến, doanh nghiệp buộc phải điều động xe quay đầu chạy rỗng về tỉnh Cà Mau để đón khách.


Trước tình hình này, Sở Tài chính tỉnh Cà Mau cho phép các hãng xe chỉ được phép tăng giá cước từ 39 - 60% so với ngày thường để bù đắp chi phí chạy rỗng một chiều từ các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ đến bến xe Cà Mau. Thời gian áp dụng tăng giá cước kể từ mồng 2 đến mồng 10 tháng Giêng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh thường xuyên thanh, kiểm tra việc doanh nghiệp thực hiện niêm yết giá cước vận tải, bán vé theo đúng giá đã niêm yết tại quầy vé; qua đó kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp sai phạm do chủ hãng xe tự ý nâng giá cước hoặc phụ thu thêm tiền vé, gây bức xúc cho hành khách.

"Đến thời điểm này, Bến xe khách chưa nhận được thộng tin phản ảnh từ hành khách liên quan đến việc doanh nghiệp tự ý nâng giá giá cước thông qua đường dây nóng", ông Hiếu khẳng định.

Kim Há (TTXVN)
Xem cảnh dòng xe ùn ùn về Thủ đô sau Tết
Xem cảnh dòng xe ùn ùn về Thủ đô sau Tết

Điệp khúc tắc đường tiếp tục lặp lại trong ngày nghỉ Tết cuối cùng khi dòng xe ô tô từ các tỉnh phía Nam về Thủ đô trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN