Việc xử lý chất thải rắn ở các đô thị nước ta hiện nay chủ yếu mới chỉ dừng ở mức độ thu gom. Còn việc phân loại và tái sử dụng xem ra vẫn khá xa vời.
Bài học từ dự án 3R - Hà Nội
Bỏ đi hai chiếc thùng rác chia rõ rác hữu cơ và vô cơ, chị Anh Vũ (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho tất cả rác thải sinh hoạt của gia đình mình vào một thùng rác chung. Chị Vũ cho biết: “Trước đây, phường triển khai dự án 3R - Hà Nội và phát cho mỗi gia đình hai thùng rác có chia rõ rác vô cơ và rác hữu cơ, chúng tôi đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhưng khi xe rác đến, mọi loại rác lại đổ chung vào nhau. Thấy vậy, gia đình tôi lại quay lại thói quen cũ”.
Thực tế, rất nhiều người dân ở phường Nguyễn Du đều làm như chị Vũ.
Dự án 3R - Hà Nội đã ngừng triển khai. Rác thải lại được bỏ chung vào một thùng. |
Rác hữu cơ là rác có khả năng phân hủy, có thể chế biến thành phân bón, còn rác vô cơ thì không thể phân hủy.
Dự án phân loại rác tại nguồn 3R (Reduce - Reuse - Recycle, nghĩa là Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế) nhằm tái chế và sử dụng lại nguồn rác thải có ích được manh nha từ đầu những năm 2000 thông qua việc Công ty Môi trường Đô thị (URENCO) phát túi cho người dân phân loại rác. Đến năm 2007, dự án 3R - Hà Nội được tổ chức JICA của Nhật Bản tài trợ với quy mô lớn, triển khai tại 4 phường thuộc 4 quận trung tâm thành phố là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa.
Theo một cán bộ của Công ty URENCO, sau 2 năm triển khai, tỉ lệ rác thải gia đình ở các phường thí điểm như Phan Chu Trinh, Thành Công, Láng Hạ, Nguyễn Du giảm lần lượt là 45%, 42%, 42%, và 31% tính đến tháng 8/2009. Lượng rác phải mang đi chôn lấp giảm 30%.
Báo cáo tổng hợp kết quả sau 2 năm thực hiện dự án thí điểm 3R cho thấy: Có trên 80% người dân tại các phường thí điểm dự án biết đến các hoạt động phân loại rác tại nguồn.
Tuy nhiên, dự án này cũng còn những hạn chế khiến nó không thể được nhân rộng trên quy mô toàn Hà Nội cũng như các thành phố khác. Rác thải được người dân phân loại tại nguồn nhưng khi xe rác đến lại không được chuyên chở riêng. Tất cả đổ chung vào một xe để đưa tới bãi rác xử lí.
Tại đây cũng không có những thiết bị hiện đại để tái chế rác. Chính sự không đồng bộ này đã khiến người dân chán nản, không còn tin tưởng vào hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn và không tham gia nữa.
Cần một quy trình đồng bộ
“Từ năm 2003 - 2010, lượng chất thải rắn của cả nước phát sinh trung bình tăng gần 200% và còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Dự báo đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn phát sinh ước đạt khoảng 44 triệu tấn/năm. Lượng phát sinh chất thải rắn nhiều nhất là ở các đô thị và khu công nghiệp”, ông Nguyễn Thượng Hiền, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên - Môi trường, chất thải rắn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 45% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị nhưng chỉ có khoảng 10% rác thu gom về được tái chế. Việc tái sử dụng rác thay vì đốt hay chôn lấp mang lại nguồn lợi không nhỏ cho nền kinh tế. Tại nhiều nước, việc phân loại và tái chế rác là một ngành công nghiệp quan trọng. Tuy nhiên tại nước ta, ngành công nghiệp này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Sau dự án thí điểm 3R - Hà Nội, TP Đà Nẵng là nơi được Bộ Tài nguyên - Môi trường chọn để thí điểm xây dựng kế hoạch quản lí tổng hợp chất thải rắn dựa theo nguyên tắc 3R. Đây là cơ hội tốt để Đà Nẵng đánh giá lại hệ thống quản lí hiện có, lựa chọn những phương pháp mới phù hợp và hoạch định kế hoạch quản lí, xử lí chất thải rắn cho thành phố một cách hiệu quả nhất trong tương lai.
Theo kế hoạch này, mục tiêu ngắn hạn đến năm 2015 là thí điểm thực hiện mô hình quản lí chất thải rắn tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn hộ gia đình đạt trên 90%, tỷ lệ hộ dân phân loại rác tại nguồn đạt 40%, tỷ lệ tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt 35 - 50%. Đến năm 2020 sẽ xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh nhằm quản lí tổng hợp chất thải rắn để Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường điển hình của cả nước.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch này còn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hoạt động tái chế rác thải. “Hiện các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Đầu tư vào lĩnh vực này cần nhiều tiền mà khả năng sinh lợi vừa chậm lại không cao. Do đó nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì rất ít doanh nghiệp mặn mà”, ông Điểu nói.
Đồng thời, để dự án thành công rất cần sự đồng bộ. “Có đến 5 bộ có trách nhiệm trực tiếp tham gia công tác quản lí chất thải rắn bao gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó trách nhiệm nhiều khi còn chồng chéo”, ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết.
Như vậy để quản lí hiệu quả chất thải rắn ở các đô thị lớn tại Việt Nam, không chỉ trông chờ vào ý thức người dân mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thay đổi cơ chế, chính sách liên quan để tiếp cận dần tới việc quản lý tổng hợp chất thải rắn, học tập kinh nghiệm và hợp tác đầu tư trong quản lý chất thải rắn của các nước trên thế giới.
Hoàng Dương