Theo Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh An Giang, lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng cho tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện đầu nguồn lũ An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Thành, Long Xuyên. Lũ đã làm 4 người chết, trong đó có 2 trẻ em. Lũ gây sạt lở 12.907 m2 đất bờ sông; 3.471 căn nhà bị ngập; 651 căn xiêu vẹo; 344 ha lúa và hoa màu vụ 3 đang bị ngập và gặt ép; mất trắng 3.535 ha. Lũ còn làm ngập 120 ao cá và 136 km đường giao thông bị ngập, sạt bờ. Tỉnh kịp thời trích ngân sách 46 tỷ đồng chi phí gia cố đê, nhưng do cường suất lũ mạnh đã làm phát sinh 254 km đê bị vỡ, tập trung nhiều nhất là huyện Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên….
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, dự kiến tình hình lũ còn diễn biến rất phức tạp trong những ngày tới. Tỉnh An Giang đã phối hợp với Ban chỉ huy PCLB & TKCN Quân khu 9 tăng thêm chiến sĩ Trung đoàn 892, Sư đoàn 330 (Quân khu 9), Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2 (Bộ Công an), đồng thời huy động thêm lực lượng sinh viên trường Đại học An Giang, Cao đẳng nghề tham gia cứu hộ. Tiếp tục thành lập 38 điểm giữ trẻ và tổ chức đưa đón trên 3.000 học sinh của 27 điểm trường để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong mùa lũ.
Do mực nước lũ tăng, hiện tại Tân Châu là 4,97 mét nên phần lớn các tuyến đê, cống, bọng trong tỉnh bị đe dọa nghiêm trọng, không chỉ có nguy cơ sạt vỡ đê mà còn bị rò rỉ, An Giang cần gia cố thêm hơn 600 km đê, nâng tổng số đê cần gia cố khoảng 1.000 km. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra 24/24h; tập trung gia cố những đoạn, tuyến đê bị rò rỉ và không đảm bảo cao trình đỉnh lũ năm 2000; chú ý những đoạn đê có hiện tượng thấm qua mái đê hạ lưu và những gốc cây mục ở thân đê là nguyên nhân dẫn đến việc vỡ đê. Tỉnh tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân biện pháp bảo vệ tính mạng trẻ em; khuyến cáo các ngư dân khi mưu sinh trên những cánh đồng lớn, ngập sâu nên mang theo phao, can nhựa và áo phao để phòng ngừa khi có mưa, dông, đảm bảo an toàn tính mạng.