Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà đã chủ động đến hiện trường nắm tình hình, phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng tại chỗ hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại. Các gia đình, cá nhân có nhà bị sập đổ hoàn toàn được làm lán ở tạm và sắp xếp ở nhờ nhà người thân; đồng thời được hỗ trợ kinh phí khắc phục theo quy định. Các trường học bị tốc mái đã được bố trí học tạm tại các nhà Văn hóa thôn và ghép lớp. Ngoài ra, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đánh giá mức độ thiệt hại, đưa ra phương án khắc phục đảm bảo ổn định lâu dài.
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai: Đến 17giờ ngày 18/3, giông lốc và mưa đá đã làm 1.265 nhà bị hư hỏng (Si Ma Cai 785, Mường Khương 354, Bắc Hà 92, Bảo Yên 34). Trong đó, nhà bị tốc mái hoàn toàn thiệt hại trên 70% có 132 nhà (Si Ma Cai 86, Bắc Hà 35, Mường Khương 11). 435 nhà thiệt hại từ 30 - 50% (Si Ma Cai 267, Mường Khương 155, Bắc Hà 13) và 698 nhà thiệt hại dưới 30% (Si Ma Cai 432, Mường Khương 188, Bắc Hà 44 nhà, Bảo Yên 34).
Mưa giông làm trên 145 ha hoa màu bị hư hỏng, trong đó có 16,81 ha ngô thiệt hại trên 70% (tại xã Bảo Hà, Yên Sơn, huyện Bảo Yên), 8 ha ngô bị thiệt hại từ 30-70% (tại xã Việt Tiến, Kim Sơn, huyện Bảo Yên); 1,42 ha lúa lai thiệt hại trên 70% (tại các xã Việt Tiến, Bảo Hà, Kim Sơn, huyện Bảo Yên) và 4 ha lúa bị ngập cục bộ (tại xã Võ Lao, huyện Văn Bàn). Mưa đá cũng làm dập nát 100 ha gồm các loại rau, đậu tương, cây mía, sa nhân, sa chỉ (tại các xã Nàn Sán, Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai), làm hư hỏng hoàn toàn 15ha cây ăn quả (tại các xã Nàn Sán, Si Ma Cai, Sán Chải, huyện Si Ma Cai); làm hư hỏng một số cơ sở hạ tầng khác như đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, nhà lưới trồng rau màu…Tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 5 tỷ đồng.
Trước tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê các vị trí có nguy cơ ảnh hưởng, chuẩn bị tốt công tác phòng, tránh theo phương châm “bốn tại chỗ”; tổ chức cắt tỉa cành, nhánh cây có nguy cơ gãy, đổ ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, đường dây điện, nhà ở…; tổ chức hướng dẫn cách chằng chống nhà ở nhằm hạn chế tốc mái do giông lốc, mưa đá.