Những mảnh đời bất hạnh
Tám năm trước, Nguyễn Văn Tài bị bỏ rơi trước cổng nhà tình thương Tổ đoàn kết Thuận An với một mẩu giấy nhỏ chỉ ghi họ tên Nguyễn Văn Tài, quê gốc Vĩnh Long gắn trên cúc áo.
Một năm sau đó, vào một buổi chiều nắng xế sau tháp chuông nhà thờ Họ Đạo Búng, chị của Tài là Nguyễn Thị Trang cũng bị gia đình đem bỏ rơi trước cổng nhà tình thương và được các thầy cô ở đây cưu mang cho đến tận bây giờ.
Khác với hai chị em Tài và Trang bị gia đình bỏ rơi vì cả hai đều bị thiểu năng trí tuệ, trường hợp của hai chị em Huỳnh Thị Kim Ngân và Huỳnh Quốc Bảo, ngụ TP Hồ Chí Minh cũng rất đặc biệt. Cha mẹ ly hôn, bỏ lại chị em Ngân không nơi nương tựa. Chị em Ngân về sống với bà cô, khi bà cô già yếu, bị liệt cả hai tay, chân không có điều kiện nuôi hai chị em nên phải gửi vào nhà tình thương.
Một trong những trường hợp đáng thương nữa là Tô Ngọc Hoàng Nghĩa, sinh năm 2007, quê gốc An Giang mồ côi cha từ nhỏ. Cách đây 3 năm, mẹ em bỏ đi. Bà Ngoại nuôi Nghĩa, nay bà đã tuổi cao sức yếu nên không thể nuôi được. Bà Ngoại gửi Nghĩa vào nhà tình thương. Em Tô Ngọc Hoàng Nghĩa chia sẻ: Em vào đây lúc 8 tuổi, ở đây rất vui. Lớn lên, em muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo.
Mặc dù các em có nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng khi về mái ấm tình thương này, nhiều em rất cố gắng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, học tập. Nhiều em đã được tặng Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, thị xã và nhà trường. Đặc biệt là Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2017 và Bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương năm 2016.
Lan tỏa yêu thương
Linh mục Ngô Xuân Hiến, Giám đốc Nhà tình thương Tổ đoàn kết Thuận An cho biết: Đồng bào Công giáo Họ Đạo Búng thấy nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn nên đã góp tiền, sau đó kêu gọi đồng bào Công giáo ở trong giáo xứ Búng và nhân dân tìm mua một hơn 1.000 mét vuông đất, sau đó góp lại xây dựng nhà tình thương này.
Theo Linh mục Ngô Xuân Hiến, hầu hết các em ở đây thuộc nhiều dân tộc khác nhau như: Kinh, Mơ Nông, Mạ, Khơ Me...một số là người Việt gốc Hoa. Các em rất đoàn kết và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Các em luôn phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi. Sắp tới, nhà tình thương mong muốn các thầy cô giáo về hưu tới hỗ trợ việc học tập của các em, giúp các em có hành trang tốt để bước vào đời.
Ông Lê Quang Vinh, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thuận An khẳng định: hoạt động của Nhà tình thương Tổ đoàn kết Thuận An rất hiệu quả. Nhà tình thương trở thành mái ấm thân thương của những mảnh đời bất hạnh. Nhà tình thương đã giúp đỡ, tạo kiện cho các em có hoàn cảnh cơ nhỡ, đặc biệt là trẻ mồ côi không chỉ trong thị xã Thuận An mà còn có nhiều em ở ngoài tỉnh Bình Dương, một số em là người dân tộc thiểu số. Nhà tình thương luôn tạo điều kiện cho các em ổn định cuộc sống, được tham gia học tập và tạo điều kiện tốt nhất cho các em hòa nhập cộng đồng.
Theo ông Lê Quang Vinh, cấp ủy, chính quyền cũng như nhân dân địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Nhà tình thương Tổ đoàn kết Thuận An. Cấp ủy, chính quyền, tổ chức Mặt trận và đoàn thể địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các em ở Nhà tình thương. Vào dịp lễ, Tết như Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết cổ truyền hoặc là những mùa Giáng sinh, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần các em học tập cũng như sinh hoạt tại cộng đồng.
Nhà tình thương thuộc Tổ đoàn kết Thuận An được thành lập và đi vào hoạt động ngày 3/9/2002 theo quyết định số 105/2002/QĐ.CT của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Nhà tình thương có chức năng tiếp nhận, quản lý, tổ chức nuôi dưỡng, đảm bảo đời sống cho các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, người nghèo, trẻ mồ côi. Hiện nay, nhà tình thương này đang nuôi dưỡng 78 em là trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.