Những năm qua, bên cạnh nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh đặc biệt chú trọng công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Gắn kết quân - dân
Đồn Biên phòng Phú Mỹ đứng chân trên địa bàn xã Phú Lợi và Phú Mỹ thuộc huyện Giang Thành, chịu trách nhiệm tuần tra, quản lý và bảo vệ hơn 10 km đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia với 3 cột mốc chính là 303, 304, 305 và 23 cột mốc phụ. Thượng tá Danh Kim Huôl, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết, với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, có nhiều kênh, rạch nên việc dựa vào dân để bảo vệ biên giới không chỉ củng cố mối quan hệ giữa lực lượng Biên phòng và nhân dân, mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc.
Chùa Giồng Kè, ở ấp Giồng Kè, xã Phú Lợi là một trong những địa điểm gắn kết với các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ. Sự phối hợp giữa nhà chùa với lực lượng Biên phòng trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ biên giới là hoạt động được tổ chức thường xuyên trong những năm qua. Các hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến biên giới, thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh và chống xuất, nhập cảnh trái phép.
Hiện nay, chùa Giồng Kè có khoảng 200 phật tử sinh hoạt thường xuyên. Trong các dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer, phật tử các nơi đến chùa nhiều hơn. "Nhân các dịp sinh hoạt, gặp gỡ phật tử, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở bà con không vướng vào tệ nạn xã hội, không tham gia hoặc tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, đặc biệt là cảnh giác với các thế lực xuyên tạc Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết dân tộc và nêu cao tinh thần gìn giữ an ninh biên giới”, Đại đức En Thunl, Trụ trì chùa Giồng Kè, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành nói.
Ông Trần Ên, ấp Giồng Kè, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, phật tử của chùa Giồng Kè chia sẻ, gia đình ở khu vực giáp ranh biên giới Campuchia nên thường gặp gỡ, trò chuyện với người dân Campuchia. Nhờ được cán bộ Biên phòng và trụ trì chùa tuyên truyền nhắc nhở nên gia đình ông luôn cư xử hòa đồng, tôn trọng với mọi người. Cùng với đó, ông Ên luôn chú ý quan sát đường biên, cột mốc; sẵn sàng tố giác khi phát hiện các hành vi buôn lậu, cảnh giác với các đối tượng muốn kích động, xúi giục chống phá Đảng, Nhà nước, để cùng chung tay, góp sức bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.
Phú Mỹ là xã vùng biên có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất huyện Giang Thành (hơn 41%). Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nên đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ luôn sát cánh cùng bà con thông qua các hoạt động như: hướng dẫn sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xây nhà, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều hộ dân nghèo không chỉ được hỗ trợ lương thực mà còn được hướng dẫn kỹ thuật canh tác để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Dương Thị Mai, ngụ ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi là một trong những gia đình được Đồn Biên phòng Phú Mỹ hỗ trợ 10 ký gạo hằng tháng thông qua mô hình "Hũ gạo tình thương" của Đồn Biên phòng Phú Mỹ. Ở tuổi 80, hằng ngày, bà Mai vẫn phải đi làm cỏ mướn để có tiền trang trải cuộc sống, thấy được hoàn cảnh khó khăn của bà Mai nên các chiến sĩ thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bà những lúc đau ốm hay những ngày lễ, Tết. Nhờ vậy, cuộc sống của bà cũng đỡ hiu quạnh, vất vả.
“Sự quan tâm của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thể hiện tình cảm gắn kết quân với dân - truyền thống quý báu của bộ đội bao đời nay. Chính vì vậy, gia đình tôi luôn trân trọng và bản thân tôi luôn nhắc nhở con cháu phải có ý thức, trách nhiệm cùng các lực lượng bảo vệ biên giới toàn vẹn lãnh thổ”, bà Mai chia sẻ.
Thượng tá Danh Kim Huôl, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho hay, từ đầu năm 2024 đến ngày 15/11/2024, đơn vị đã phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự, Dân quân xã Phú Mỹ, Phú Lợi tuần tra bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới được 150 lần với gần 700 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia. Qua công tác tuần tra, lực lượng chức năng đã bắt giữ 5 vụ vận chuyển hàng cấm, thu giữ tang vật gần 11.700 bao thuốc lá điếu nhập lậu và phương tiện vận chuyển; bắt giữ, xử lý 1 vụ với 1 đối tượng có hành vi nhập cảnh trái phép.
Những kết quả có được trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, bảo vệ an ninh biên giới thời gian qua là do Đồn Biên phòng Phú Mỹ luôn nhận được sự đóng góp tích cực của nhân dân, nhất là việc bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm kịp thời, giúp các lực lượng chủ động đấu tranh, ngăn chặn.
“Để quản lý chặt địa bàn, người, phương tiện qua lại, Đồn Biên phòng Phú Mỹ tổ chức thêm các chốt gác chặt chẽ, xây dựng và nhân rộng điển hình các hộ dân là người cao tuổi, có uy tín trong vùng đồng bào để cùng chung tay giúp Bộ đội Biên phòng trong các phong trào. Hiện có 89 hộ dân tham gia tự quản toàn bộ đoạn biên giới hơn 10km”, Thượng tá Danh Kim Huôl thông tin.
Đa dạng hoạt động chăm lo nhân dân vùng biên
Đại tá Doãn Đình Tránh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, trong những năm qua, công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới được đơn vị chú trọng và triển khai trong tất cả các đơn vị với nội dung, hình thức đa dạng, thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm, hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vùng biển đảo của tỉnh.
Cụ thể, thông qua phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới", tại Kiên Giang những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu như: "Nâng bước em đến trường", "Thắp sáng đường biên", "Vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc", "Xã hội hóa hoạt động chữa cháy đường sông".
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động hơn 11 tỷ đồng (cán bộ, chiến sỹ đóng góp trên 9,7 tỷ đồng; vận động các nhà hảo tâm gần 1,3 tỷ đồng) và trên 2.035 ngày công lao động để triển khai nhiều hoạt động chăm lo nhân dân vùng biên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Riêng các hoạt động trong Chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản", những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ kinh phí xây dựng hàng trăm căn nhà Đại đoàn kết, nhà Mái ấm biên cương; tặng hơn 3.000 suất quà, 1.020 cặp bánh chưng; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 1.300 lượt người dân; cắt tóc miễn phí cho hơn 880 người… với tổng trị giá thực hiện các chương trình gần 5 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 tập thể, 202 hộ gia đình và 816 cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới; 103 tổ/619 tàu thuyền/740 thành viên tham gia tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn trên biển; 17 tổ/85 hộ tham gia tự quản về an ninh trật tự thôn, bản, tổ dân phố; 8 tổ/278 tàu tham gia tự quản bến bãi.
“Sự chung tay, góp sức của người dân đã góp phần cùng Bộ đội Biên phòng các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”, Đại tá Doãn Đình Tránh nhấn mạnh.