Kiểm soát tiêu cực, phiền hà trong cấp căn cước công dân mới - Bài cuối: Xử lý nghiêm cán bộ gây phiền hà

Việc chờ đợi được cấp căn cước công dân (CCCD) mới quá lâu khiến người dân đã phải tìm đến cò, dịch vụ "làm nhanh" CCCD tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc này đang để lại hệ lụy xấu là làm mất đi hình ảnh người cán bộ, công chức liêm chính và khiến không người dân bức xúc.

Chú thích ảnh
Người dân phải chờ đợi quá lâu để được vào bên trong phòng 

Dịch vụ 'làm nhanh'

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, do hoạt động kinh tế xã hội đã quay lại bình thường, nhu cầu người dân làm CCCD tại TP Hồ Chí Minh so với giấy tờ khác khá đông, vì vậy xảy ra tình trạng người dân có nhu cầu “làm nhanh” CCCD như trường hợp một đại úy công an ở Gò Vấp vừa qua. Cụ thể, vào ngày 28/6, Công an TP Hồ Chí Minh đã phải tạm đình chỉ công tác một đại úy công an tại quận Gò Vấp để xác minh thông tin phản ánh về việc người này nhận tiền để làm nhanh CCCD.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau điều tra ban đầu cho thấy, cán bộ này đã có hành vi nhận “làm nhanh” CCCD cho người dân có nhu cầu. Đổi lại, người dân phải mất một khoản phí không có trong quy định khiến người dân bức xúc. Trước mắt, Công an TP Hồ Chí Minh đã tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ này để tiến hành kiểm điểm, xem xét xử lý nghiêm theo quy định của ngành. Quan điểm của Ban Giám đốc Công an Thành phố là vi phạm đến đâu, xử lý đến đó.

Theo ông Lê Mạnh Hà, qua xác minh ban đầu cho thấy, vi phạm của đại uý công an ở quận Gò Vấp có tính chất đơn lẻ, đã lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, tình trạng người dân có nhu cầu "làm nhanh" CCCD đã và đang xảy ra tại nhiều địa bàn, đặc biệt là các khu vực đông dân cư như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, Bình Chánh... vì không muốn phải chờ đợi quá lâu khi làm CCCD mới.

"Người dân cần hiểu rõ, hiện nay các hoạt động kinh tế - xã hội đã quay lại bình thường, nhu cầu người dân làm CCCD tại thành phố cũng tăng lên. Chưa kể, số lượng máy cấp CCCD chưa đáp ứng nhu cầu nên ở nhiều địa bàn, người dân phải bốc số chờ 2-3 ngày. Vì chờ đợi quá lâu, nhiều người đã tìm đến "cò" hoặc dịch vụ "làm nhanh" nhưng điều này cũng đã làm vi phạm quy tắc của ngành công an, vi phạm quy định của pháp luật, Nhà nước. Do đó, người dân không nên sử dụng các dịch vụ trên để tránh mất tiền mà cũng làm mất đi sự minh bạch khi làm CCCD. Nếu người dân cần làm gấp và có lý do chính đáng, người dân có thể liên hệ bộ phận cấp CCCD để được ưu tiên thực hiện cấp CCCD mới sớm", ông Lê Mạnh Hà cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Ngành công an cũng có ưu tiên cấp CCCD sớm cho các đối tượng là: học sinh chuẩn bị tốt nghiệp, người già, người khuyết tật...

Hiện nay, còn có tình trạng người dân không bốc số thứ tự mà cứ đến chờ đợi ở các phòng cấp CCCD, khi nào có thời gian trống thì đăng kí làm CCCD mới. Tuy nhiên, Công an TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo, việc này chỉ khiến người dân thêm vất vả, mất thời gian hơn bởi các cán bộ công an chỉ giải quyết theo số thự đã được phát mỗi ngày và mỗi ngày các cán bộ này phải thực hiện cấp hàng ngàn thẻ CCCD mới cho người dân trên toàn thành phố nên mong người dân kiên nhẫn, chờ đợi và thông cảm. 

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng cán bộ sách nhiễu người dân, ông Lê Mạnh Hà cho biết, mới đây ngành Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm khắc phục triệt để nâng cao hơn nữa hiệu quả cấp CCCD gắn chip như: báo cáo Bộ Công an  tăng cường thêm máy móc, thiết bị ở một số địa bàn đang quá tải; bố trí thêm lực lượng, tăng thời gian làm việc; kiểm tra lại trên hệ thống đối với những trường hợp người dân đã thực hiện hoàn tất thủ tục nhưng chưa được cấp CCCD để có phương án xử lý thỏa đáng cho người dân...

Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã giao thủ trưởng các đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy trình, quy định, lễ tiết, tác phong của cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ cấp thẻ CCCD; hạn chế thấp nhất các sai sót; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của lực lượng công an. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ cũng được quán triệt tư tưởng phải luôn cầu thị, tôn trọng, ghi nhận, tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của cơ quan báo chí, người dân để không ngừng hoàn thiện từng khâu trong quy trình công tác, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Công an TP Hồ Chí Minh yêu cầu TP Thủ Đức, quận Gò Vấp nghiêm túc rút kinh nghiệm sau sự việc để báo chí phản ánh vừa qua. Trong thời gian tới, đơn vị nào tiếp tục để xảy ra tình trạng người dân hoặc các cơ quan báo chí phản ánh nhiều lần liên quan công tác cấp và trả thẻ CCCD thì thủ trưởng đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc.

Ứng dụng công nghệ thông báo đến dân

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hào, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, việc làm căn cước công dân gắn chip là một đề án rất tốt, sẽ giảm được nhiều thủ tục trong sinh hoạt và hoạt động mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, công tác này đang khiến người dân bức xúc khi kết nối mạng ở các tỉnh, thành phố có lúc chưa thông suốt. Việc làm liên tục cũng khiến công tác này có những thiếu sót vì quá tải cả nhân sự và máy móc. Vì vậy, hy vọng ngành Công an nên sớm khắc phục những phản ảnh để điều chỉnh cho thích hợp, đạt hiệu quả cao, tiện lợi cho dân.

Chú thích ảnh
Tại trụ sở Công an thành phố Thủ Đức, nhiều người dân phải ra về khi nhận được thông tin phải chờ tới số thứ tự.

 "Ngoài ra, ngành công an có thể áp dụng theo cách ưu tiên những người có giấy trả CCCD cách đây 1 năm trở về trước đến làm trước, sau đó giải quyết các hồ sơ đã chậm 8 tháng, 6 tháng... Hiện nay, tại các điểm cấp CCCD, tất cả người dân dù chậm cấp 1 năm hay mới đi làm đều đổ dồn đi làm CCCD nên mới xảy ra tình trạng quá tải tại khu vực tiếp nhận. Thực tế, mỗi quận, huyện và phường đều có cổng thông tin điện tử, các phường có thể sử dụng các cổng thông tin này để thông báo tình hình làm căn cước công dân cho người dân. Ví dụ, cảnh sát khu vực có thể đưa lên danh sách ai đã có thẻ CCCD mới đến nhận, ai có thẻ chưa nhận thì đến đâu để nhận, ai bị sai sót hồ sơ thì có thể bổ sung qua mạng hoặc trong trường hợp cần thì đến công an nào để khai báo lại thông tin... Tránh trường hợp người dân chờ đợi quá lâu và đi lại nhiều lần và chờ bốc số ở các cơ quan công an chỉ để hỏi việc làm CCCD bị sai ở đâu và sai như thế nào, điều chỉnh thông tin ra sao..", ông Nguyễn Văn Hào đề xuất.

Theo phản ánh của nhiều người dân, trong mùa dịch vừa qua, việc trả CCCD được thực hiện khá nhanh tại các địa phương khi ứng dụng công nghệ thông tin thông báo qua các mạng như Zalo, Viber cho người dân tại các khu phố.  Khi cuộc sống trở lại bình thường, các cơ quan chức năng có thể tiếp tục sử dụng kênh thông tin này để thông báo về tình trạng chậm giải quyết hồ sơ làm CCCD của người dân nắm rõ. 

Chị Hồ Mỹ Thảo, ngụ ở phường Tăng Nhơn Phú B, Thành phố Thủ Đức cho biết: "Vừa qua, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để chúng tôi đổi CCCD mới khi mọi thông tin đều được cảnh sát khu vực thông báo liên tục trên Zalo của tổ dân phố, khu phố. Ngày, giờ phục vụ cho từng tổ dân phố, khu phố được thông tin rất rõ ràng trên các nhóm Zalo. Thậm chí, có thời điểm vắng người, mọi người còn động viên nhau đến nơi làm thủ tục cấp đổi CCCD. Đến khi có CCCD, chúng tôi cũng nhận được cảnh sát khu vực nhắn tin đến ban điều hành khu phố gặp Cảnh sát khu vực để nhận. Khi cuộc sống trở lại bình thường, công tác này không còn được duy trì khiến người dân không biết nơi nào đang cấp CCCD và nơi nào giải quyết các thủ tục CCCD bị chậm của người dân...".

Theo Luật Căn cước công dân, người đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước và phải đổi khi 25, 40 và 60 tuổi. Trường hợp cấp mới, đổi căn cước công dân tại thành phố, thị xã từ 7 đến 15 ngày làm việc, ở huyện miền núi, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày... Số căn cước công dân là mã định danh cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Công an TP Hồ Chí Minh thông tin về vụ trục lợi trong việc làm căn cước công dân ở Gò Vấp
Công an TP Hồ Chí Minh thông tin về vụ trục lợi trong việc làm căn cước công dân ở Gò Vấp

Chiều ngày 30/6, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, vụ việc liên quan đến Đại úy Lê Ngọc Minh, cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp nhận 3,5 triệu đồng để làm nhanh căn cước công dân (CCCD) mà báo chí phản ánh đã có kết quả điều tra ban đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN