Kiểm định chất lượng nhân lực y tế thông qua các quy chuẩn

Làm thế nào kiểm soát được chất lượng nhân lực y tế, vừa có thể đáp ứng yêu cầu vừa đảm bảo chất lượng vừa đủ về số lượng? Đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp cho vấn đề này.

Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế: Duy trì cơ chế hậu kiểm

Thời gian tới, để có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh một số văn bản như: Chỉnh sửa các quy định về mở ngành đào tạo, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí để mở ngành đào tạo riêng đối với từng ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe. Chúng tôi cũng đang khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe. Tiếp tục nghiên cứu để đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về đào tạo nhân lực y tế; thay đổi cơ chế để xác định và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh phải dựa trên nhu cầu nhân lực của hệ thống y tế và năng lực thực tế của các cơ sở đào tạo; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc duy trì các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường ...

Về lâu dài, sẽ nghiên cứu để đồng bộ hệ thống thể chế để phù hợp đặc thù đào tạo nhân lực y tế như: Sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về thi và cấp giấy phép hành nghề; sửa Luật Giáo dục để thay đổi mô hình đào tạo, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo nhân lực y tế; sửa Luật Viên chức để xác định vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh viên chức, chức danh giảng viên chuyên ngành y dược; điều chỉnh cơ chế tài chính theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ...

Trước mắt, để việc mở ngành và tuyển sinh nhân lực y tế đảm bảo tương quan chung cần phải bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí chuyên môn đối với từng ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, việc thẩm định cần có sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực y tế và cần duy trì cơ chế hậu kiểm, công khai năng lực của từng trường; bên cạnh đó, cần xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng riêng đối với việc tuyển sinh đào tạo nhân lực y tế.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học và sau đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT): Tổ chức thi chứng chỉ hành nghề


Bộ GD - ĐT đang dự thảo mới các thông tư về mở ngành đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng tất cả các ngành đào tạo, trong đó có ngành khoa học sức khỏe. Trong thông tư mới, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng mở các ngành về khoa học sức khỏe, Bộ GD - ĐT sẽ tham khảo các ý kiến đề xuất của Bộ Y tế về điều kiện giảng viên, trang thiết bị đào tạo, cơ sở thực hành... Bên cạnh đó, Bộ đã trình Thủ tướng xem xét ban hành cơ cấu hệ thống Giáo dục quốc dân, trong đó có điều chỉnh quy định về đào tạo ngành Y theo đề xuất của Bộ Y tế. Bộ cũng đã trình Thủ tướng xem xét ban hành khung trình độ quốc gia trong đó quy định rõ kiến thức, kỹ năng mà người học cần đạt được ở mỗi trình độ. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan sẽ ban hành chuẩn nghề nghiệp ở các ngành nghề khác nhau; các cơ sở đào tạo sẽ căn cứ vào đó để xây dựng, điều chỉnh lại chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra... cho phù hợp. Bộ GD - ĐT cũng đang phối hợp với Bộ Y tế (cơ quan chủ trì) xây dựng Nghị định Quy định về cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe...

Bên cạnh đó, Bộ GD - ĐT cũng đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo, các chương trình đào tạo, chú trọng kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Các cơ sở đào tạo (không riêng ngành sức khoẻ) đều phải báo cáo về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm. Kết quả kiểm định và tỷ lệ sinh viên có việc làm sẽ được sử dụng để phân tầng, xếp hạng chất lượng, quy hoạch lại mạng lưới, giao quyền tự chủ và đầu tư... Đồng thời, sẽ được công khai cho người học và xã hội giám sát, lựa chọn cơ sở đào tạo...

Bộ GD - ĐT cũng ủng hộ ngành Y tế về chủ trương tổ chức thi chứng chỉ hành nghề quốc gia - một kỳ thi độc lập với cơ sở đào tạo để đảm bảo với xã hội về sự “đủ khả năng làm việc” của sinh viên tốt nghiệp, qua đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các ngành sức khỏe.

Lê Vân - Phương Liên
Mối lo bác sỹ “non tay”
Mối lo bác sỹ “non tay”

Số lượng cơ sở đào tạo nhân lực y tế đang có xu hướng tăng nhanh với số điểm đầu vào thấp hơn hẳn so với những trường có thương hiệu. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng đào tạo đang gặp nhiều khó khăn, tiêu chí thành lập các cơ sở đào tạo còn đơn giản, nhất là chuyên môn của giảng viên và bệnh viện thực hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN