Không khí ba miền tốt cho sức khỏe

Ngày đầu tuần (22/3), bản đồ quan trắc chỉ số chất lượng môi trường không khí (AQI) ghi nhận không khí ở khắp ba miền trong cả nước phần lớn đều tốt cho sức khỏe.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Lúc 11 giờ, ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) ghi nhận một màu xanh (tương đương với chất lượng không khí tốt) ở hầu hết các điểm quan trắc từ Bắc vào Nam. Màu vàng (chất lượng không khí ở mức chấp nhận được) chiếm tỷ lệ nhiều.

Màu cam (kém, những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng) chỉ có 4 điểm là Thư viện xã Hán Đà (Yên Bình, Yên Bái), Nguyễn Chí Thanh (thị xã Sa Pa, Lào Cai), 2 điểm thuộc Thành phố Hồ Chí Minh là Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) và Đông Hưng Thuận (Quận 12). Ở miền Bắc, có 2 điểm màu đỏ (có hại cho sức khỏe) là Lạc Trung (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), đường Ba Tháng Hai (thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên). Đặc biệt, có 1 điểm màu tím (rất có hại cho sức khỏe) ở Thư viện cộng đồng xã Song Khê (Yên Dũng, Bắc Giang).

Ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận ở 52 điểm quan trắc trên cả nước, chỉ có 1 điểm màu cam, 17 điểm màu vàng, còn lại 34 điểm màu xanh.

Riêng Thủ đô Hà Nội, Website moitruongthudo.vn của UBND thành phố Hà Nội chỉ ra tất cả các điểm quan trắc chất lượng không khí đều màu xanh và vàng, trong đó có 12 điểm màu vàng, còn lại 22 điểm màu xanh.

Theo thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), trong số 95 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc, Hà Nội đứng thứ 28 với chỉ số AQI ở mức 86, Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 25 với chỉ số AQI ở mức 89 (chấp nhận được).

Chất lượng không khí ngoài việc phụ thuộc vào yếu tố thời tiết theo mùa, những giải pháp có thể thực hiện để không khí sạch hơn như dùng những nguồn năng lượng sạch, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tăng không gian xanh ở các khu đô thị, không đốt rơm rạ, hạn chế ra đường vào giờ cao điểm…

Bên cạnh đó, người dân nên tranh thủ những lúc không khí trong lành mở cửa giúp không khí lưu thông tốt, giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ. Ở những nơi chất lượng không khí xấu, mọi người nên hút bụi thường xuyên, nếu có điều kiện chạy máy lọc không khí để loại bỏ các tạp chất cùng nhiều yếu tố độc hại, hạn chế hoạt động ngoài trời, đóng cửa sổ, đeo khẩu trang chống bụi khi ra đường.

Minh Nguyệt (TTXVN)
So sánh chất lượng không khí ở châu Á
So sánh chất lượng không khí ở châu Á

Theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới IQAir, Bangladesh và Pakistan có chất lượng không khí kém nhất ở châu Á năm 2020 dựa trên nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN