Xử lý nghiêm vi phạm tồn đọng
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, hiện nay địa phương đang giao các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện rà soát tất cả các công trình, có nguồn gốc giao đất, cấp đất giai đoạn từ ngày 15/10/1993 đến trước 1/7/2014; hướng dẫn công dân làm thủ tục để được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp đang rà soát cấp giấy chứng nhận mà các địa phương phát sinh xây dựng hoặc xây dựng lại thì chủ tịch UBND các xã, thị trấn hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Cùng với việc xem xét xử lý trách nhiệm, các cán bộ để xảy ra vi phạm tại địa bàn sẽ phải tự bỏ chi phí cá nhân để tổ chức khắc phục hậu quả.Trên tinh thần này, nhiều địa phương ở Đông Anh đã bắt tay vào cuộc xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp.
Ghi nhận tại xã Kim Chung, hiện trên địa bàn xã còn tồn đọng 99 trường hợp xây dựng công trình vi phạm trên đất nông nghiệp từ trước đến nay. Các công trình tồn tại dưới dạng nhà tạm, nhà trọ… được lắp dựng bằng gạch, bê tông xi măng, tôn, có diện tích từ vài chục mét đến hàng trăm mét vuông.
Về việc xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, Chủ tịch UBND xã Kim Chung Lê Thị Vân Huyền cho biết, xã đã xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm 99 công trình vi phạm tồn đọng. Để việc xử lý vi phạm được diễn ra an toàn, đúng quy định, xã Kim Chung đã yêu cầu các lực lượng thống kê, rà soát, phân loại và lập biên bản hiện trạng đầy đủ, chi tiết từng trường hợp, rõ tiến độ xử lý từng tháng. Sau đó, thông báo cho chủ hộ biết để chủ động tháo dỡ trước khi bị cưỡng chế.
"Xã Kim Chung lập kế hoạch tháo dỡ vi phạm từ tháng 12/2020 và phấn đấu hoàn thành xử lý các vi phạm tồn đọng trong năm 2021", Chủ tịch xã Kim Chung thông tin và cho biết thêm, các trường hợp cán bộ xã, thôn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và bao che trong vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Với quyết tâm như vậy, Kim Chung từ chỗ có 500 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tồn tại trước năm 2015 thì đến tháng 2/2021 chỉ còn 99 trường hợp đang trong quá trình xử lý. Còn từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã không có phát sinh mới các vi phạm trên đất nông nghiệp.
Xã Vân Hà là địa phương có nghề sản xuất gỗ nổi tiếng cả nước. Hơn đâu hết, người dân nơi đây rất cần mặt bằng để phát triển nghề truyền thống. Trước đây, do quản lý lỏng lẻo, Vân Hà có nhiều vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công ích. Nhưng hai năm trở lại đây, với sự chỉ đạo quyết liệt từ huyện, xã Vân Hà đã vào cuộc giải quyết hàng chục vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng trên đất nông nghiệp. Trong năm 2020, Vân Hà không còn trường hợp vi phạm mới phát sinh.
Bà Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho hay, cách thức trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng là lấy vận động, tuyên truyền lên hàng đầu để người dân tự tháo dỡ công trình trên đất nông nghiệp, đất công. Đối với cán bộ thực thi nhiệm vụ, xã nghiêm cấm "tư túi" bỏ qua vi phạm trật tự xây dựng, nếu phát hiện sẽ đề nghị UBND huyện cho thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác.
Nhờ cách làm như vậy, nhiều diện tích đất bị lấn chiếm đã được trả lại cho tập thể. Chẳng hạn như khu ao Vân Điềm, ao Quang Viên…, trước đây bị lấn chiếm, giờ đã được kè bờ giống "tiểu công viên", tạo cảnh quang, xanh, sạch đẹp, không gian chung của khu dân cư.
Mặc dù có được kết quả từ xử lý vi phạm trật tự xây dựng nhưng Chủ tịch UBND xã Vân Hà trăn trở, nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn đã không thể cấy được lúa, mong muốn được cấp thẩm quyền cho chuyển đổi để vừa quản lý được đất, người dân lại có mặt bằng để sản xuất gỗ.
Yếu tố then chốt
Xác định quản lý đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Đông Anh thành quận đến năm 2025. Thời gian qua, địa phương này đã tập trung chỉ đạo, xử lý quyết liệt, triệt để các vi phạm, đặc biệt là trên đất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, để việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn được hiệu quả, huyện xác định yếu tố con người là then chốt. Do vậy, thời gian qua, Đông Anh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho Phó chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng các xã thị trấn, các bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trên địa bàn huyện.
Nội dung truyền đạt gồm quy định của Luật đất đai; Luật xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm của các xã, thị trấn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, giải phóng mặt bằng; các loại vi phạm về sử dụng đất đai phổ biến trên địa bàn và những hướng giải quyết; hướng dẫn xử lý vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, hòa giải tranh chấp đất đai;… Nhờ những chuyên đề tập huấn trên, các cán bộ được giao nhiệm vụ đã vững vàng hơn trong công việc, hiệu quả giải quyết công việc cũng được nâng lên rõ rệt.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho rằng, giải pháp được huyện đang triển khai là áp dụng chế độ báo cáo vào 17h hằng ngày; lực lượng Thanh tra xây dựng và chính quyền xã tham mưu UBND huyện thành lập tổ kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường. Đối với các địa bàn nóng, phức tạp, huyện phân công cán bộ trực cả ngày nghỉ, ngày lễ hoặc ngoài giờ hành chính... xử lý ngay vi phạm.
Kết quả, trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện Đông Anh đã xử lý dứt điểm xấp xỉ 2.000 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tồn đọng. Riêng trong năm 2020, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương huyện Đông Anh đã xử lý được thêm 305 vụ vi phạm tồn đọng từ những năm trước tại địa bàn, các vi phạm còn lại đều được lên kế hoạch xử lý dứt điểm.
Dù đã đạt được những kết quả trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng nhưng Đông Anh đang phát triển nóng, với giá trị của đất ngày càng cao. Do vậy, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm mới và tái vi phạm trật tự xây dựng. Chỉ cần lực lượng chức năng của địa phương này ngơi nghỉ, "lỏng tay" hay thỏa mãn với kết quả là vi phạm lại có thể phát sinh và gây hậu quả lâu dài.