Đào tạo nghề, bố trí công việc phù hợp
Hợp tác xã Vụn Art được thành lập, điều hành bởi một người khuyết tật luôn vững vàng ý chí vươn lên. Đó là anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học, về công tác tại Viện Châm cứu trung ương, anh Lê Việt Cường tiếp xúc với nhiều người khuyết tật đến điều trị. Quá trình làm việc tại đây giúp anh Lê Việt Cường nhận thấy, điều trị bằng y học giúp người khuyết tật phục hồi chức năng, kích thích sự sáng tạo, nhưng khi chưa có việc làm, thu nhập để làm chủ cuộc sống, thì họ vẫn thiếu tự tin để hòa nhập xã hội. Từ đó, anh Lê Việt Cường nung nấu ý tưởng tạo việc làm cho người khuyết tật.
Chủ động quan sát thị trường, bền bỉ tích lũy kinh nghiệm, nguồn vốn, năm 2013, anh Lê Việt Cường và một số người khuyết tật cùng chí hướng thành lập Công ty Kym Việt, chuyên sản xuất thú nhồi bông, tạo việc làm cho hàng chục lao động khuyết tật.
“Với thành công bước đầu của Kym Việt và sự khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan chức năng quận Hà Đông, năm 2017, tôi mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Vụn Art, làm tranh bằng vải vụn. Công việc này phù hợp với sức khỏe của lao động khuyết tật, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại làng lụa Vạn Phúc”, anh Lê Việt Cường chia sẻ.
Lý do lấy tên Vụn Art, anh Lê Việt Cường cho biết: "Chúng tôi là người khuyết tật, nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật. Mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vụn nhỏ. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội như một "chất keo" kết dính chúng tôi thành một mảnh vải lớn và trên đó, chúng tôi có thể tự vẽ được ước mơ của chính mình”.
Hợp tác xã Vụn Art tập hợp trên 20 người khuyết tật, chủ yếu là phụ nữ cùng làm ra những sản phẩm từ vụn lụa Vạn Phúc. Ban đầu, Vụn Art tập trung sản xuất tranh ghép vải, sau đó mở rộng sang túi vải, bộ kit tranh và áo phông. Để làm một bức tranh, cần phải chọn vải, lọc lại, là phẳng rồi ép, sau đó dán vào bìa. Trong quá trình đào tạo, Vụn Art sẽ sàng lọc, tùy vào khả năng của từng bạn khuyết tật để bố trí công việc phù hợp, tận dụng tối đa khả năng của họ. Vụn Art tận dụng những mảnh vải vụn bằng lụa Vạn Phúc tưởng như không còn giá trị sử dụng, qua bàn tay cần cù, tỉ mẩn và khéo léo của những người thợ để tạo nên sản phẩm độc đáo và đầy màu sắc, mang đậm tính nghệ thuật.
Những miếng lụa vụn không thể sử dụng vào các sản phẩm như may áo, khăn… trước đây sẽ là rác thải, phải bỏ đi. Nhưng Vụn Art đã khéo léo cắt, dán trên sản phẩm của mình, giúp lượng rác thải từ lụa giảm đi đáng kể, góp phần hạn chế rác thải vào môi trường. Những sản phẩm độc đáo của Vụn Art được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến, nhất là làng lụa Vạn Phúc có từ lâu đời thu hút nhiều du khách.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Sau 5 năm đi vào hoạt động, Vụn Art đã đào tạo nghề và tạo việc làm, mang đến cơ hội hòa nhập cho hơn 20 lao động. Có thể kể đến là trường hợp chị Bùi Thu Dung (trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), không may bị khuyết tật trí tuệ. Từ một người thiếu tự tin vào bản thân, khả năng nhận thức kém, hiện nay, chị Dung tự tin, hoạt bát, đảm nhiệm khâu xếp và cắt giấy trong quy trình làm ra sản phẩm, mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.
Trường hợp khác có cuộc sống đổi thay là chị Hoàng Thị Hậu (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông). “Từ khi trở thành người lao động của Vụn Art, tôi vừa có thu nhập, vừa tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống. Sau gần 5 năm gắn bó, tôi đã tích lũy được một khoản tiền để dành cho tuổi già”, chị Hoàng Thị Hậu bộc bạch.
Ngoài dạy nghề, Vụn Art còn phải bỏ một khoản chi phí đáng kể để thuê giáo viên dạy các học viên ở đây ngôn ngữ ký hiệu, và cả dạy văn hóa cho những người chưa từng đi học.
Anh Lại Văn Quân, hướng dẫn viên du lịch cho biết: "Làng lụa Vạn Phúc là 1 trong 2 làng nghề mà chúng tôi hay dẫn khách qua. Du khách rất ấn tượng với sản phẩm của Vụn Art, nhất là khách quốc tế. Sau khi trải nghiệm và biết được ý nghĩa bảo vệ môi trường, nhiều du khách quốc tế rất cảm động".
Nhờ đó, không chỉ chinh phục người tiêu dùng đơn lẻ, các sản phẩm của Vụn Art còn được trưng bày, giới thiệu tại nhiều nơi, có mặt tại không ít sự kiện lớn, thậm chí được chọn làm quà tặng, quà lưu niệm cho khách trong nước, quốc tế. Gần đây nhất, những sản phẩm mang thương hiệu Vụn Art trở thành hàng lưu niệm hấp dẫn tại đường hoa Home Hanoi Xuan, thành phố sáng tạo Mailand Hanoi City (huyện Hoài Đức). Đáng ghi nhận hơn, Vụn Art đã xuất khẩu một số sản phẩm sang các thị trường Anh, Mỹ, Nhật Bản...
Dù đã có những bước đi thành công, song, do tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh và chặng đường chinh phục thị trường quốc tế của Vụn Art hiện gặp nhiều khó khăn. “Ngoài kênh bán hàng truyền thống, chúng tôi đã tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa qua sàn thương mại điện tử trong nước, bán trên Amazon, mạng xã hội để người tiêu dùng, du khách biết đến, từ đó đón nhận sản phẩm...”, anh Lê Việt Cường trăn trở.
Đáng chú ý, vào năm 2019, sản phẩm của Vụn Art được TP Hà Nội thẩm định đánh giá OCOP 4 sao – hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu, đại diện cho thương hiệu Quốc gia.
“Tôi mong muốn các sản phẩm của Vụn Art được biết đến nhiều hơn nữa, từ đó chúng tôi có nguồn kinh phí tái đầu tư và xây dựng bộ máy hoàn chỉnh hơn, nhân rộng ra, tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật”, anh Lê Việt Cường chia sẻ.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ: "Những hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật thật đáng trân trọng. Thành phố Hà Nội có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động. Hỗ trợ giải quyết việc làm, nhằm tìm cho người khuyết tật một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội".