Theo hướng dẫn của WHO, trong 3 tháng đầu năm 2018, Hà Nội có đến 82 ngày tương ứng với 91% số ngày có nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn, tức là cứ 10 ngày, Hà Nội có 9 ngày ô nhiễm không khí. Mặc dù đã có sự cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội trong quý I/2017 so với năm 2016, tuy nhiên, chất lượng không khí lại có xu hướng xấu trở lại trong năm 2018 khi số giờ ở mức không tốt cho sức khỏe chiếm khoảng 70% tổng thời gian.
Chất lượng không khí được chia làm 5 nhóm tác động đến sức khỏe con người gồm: Tốt, trung bình, kém, xấu, nguy hại. Trong 3 tháng đầu năm, chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở nhóm kém.
Tại TP Hồ Chí Minh, chất lượng không khí tốt hơn Hà Nội. Tuy nhiên, cũng có đến 18 ngày, tương đương với 20% số ngày có nồng độ bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia và 68 ngày vượt quy chuẩn của WHO.
Chất lượng không khí tại Hà Nội nhiều ngày vượt chuẩn WHO. Ảnh minh họa: Mạnh Linh |
Mặc dù chất lượng không khí ở TP Hồ Chí Minh tốt hơn ở Hà Nội, nhưng dường như chất lượng không khí có xu hướng xấu đi. Ngược lại với Hà Nội, trong quý I những năm gần đây, số giờ có AQI ở mức không tốt cho sức khỏe (với AQI> 100) tăng dần qua các năm từ 32,1% năm 2016 lên 41,9% Năm 2017 và 44,2% vào năm 2018.
Điều đáng nói, ô nhiễm bụi mịn vẫn ở mức cao ở cả hai thành phố. Bụi PM¬2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 µm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Bụi PM¬2.5 có khả năng len sâu vào phổi và đi trực tiếp vào máu có khả năng gây ra hàng loạt bệnh về ung thu, hô hấp. Đặc biệt, Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene.
Cơ sở dữ liệu chất lượng không khí của WHO mới cập nhật chỉ ra rằng khoảng 90% số người trên thế giới đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép của WHO và có tới khoảng 7 triệu người tử vong mỗi năm do phơi nhiễm với các hạt bụi siêu nhỏ trong không khí.
Trong khi tất cả các khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nhưng người dân ở các thành phố thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khu vực có mức ô nhiễm không khí cao nhất là phía Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Dựa trên cơ sở dữ liệu của WHO, GreenID phân tích và chỉ ra rằng người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ hai trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).
Đại diện của GreenID kiến nghị cần lắp thêm các trạm quan trắc để có bức tranh đầy đủ về chất lượng không khí ở Việt Nam. Hiện tại Hà Nội chỉ có 13 trạm quan trắc không khí và TP Hồ Chí Minh chỉ có 1 trạm công bố số liệu trực tuyến cho người dân.