Tỉnh Hòa Bình hiện có 134.960,1 ha rừng tự nhiên, trong đó, vùng trọng điểm cháy rừng ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm là 68.464 ha, cấp độ nguy hiểm là 123.958 ha. Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa hành khô, cùng với thói quen đốt nương làm rẫy và xử lý thực bì không đúng quy định của người dân, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn đối với nhiều cánh rừng trên.
Khoanh vùng trọng điểm để phòng cháy. |
Theo các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, thời điểm dễ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh thường kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Thậm chí nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 của năm sau, vì đây là thời điểm chuyển mùa thời tiết vẫn còn khô hạn.
Ông Lê Minh Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Hòa Bình cho biết, lượng mưa liên tiếp từ ngày 9 - 11/1 đã xua đi nguy cơ cháy rừng cấp độ 5 ở các huyện Đà Bắc và Mai Châu.
Tuy nhiên, vẫn phải đề cao cảnh giác vì trên địa bàn tỉnh còn 5.870,7 ha rừng tre nứa rất dễ cháy, rừng trồng có 104.972,7 ha, trong đó còn nhiều diện tích rừng mới trồng từ 1 - 3 năm, cây chưa khép tán, cộng thêm thảm thực bị bì xâm lấn. Thời tiết đang bước vào mùa hanh khô, người dân vẫn phát nương đốt rẫy tự phát, nên nguy cơ cháy rừng còn tiềm ẩn cao.
Ông Nguyễn Văn Đinh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đà Bắc cho biết, ngoài việc tuyên truyền kịp thời và thường xuyên tới người dân và các chủ rừng, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn và chính quyền cơ sở, trưởng xóm phải phối hợp chặt chẽ giám sát việc đốt nương làm rẫy của người dân, đặc biệt là ở các cánh rừng trồng giang, trồng nứa của người dân.
Trong điều kiện chưa đủ kinh phí để làm các đường băng trắng cản lửa, việc làm này phải được tiến hành thường xuyên, quy trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn nếu để xảy ra cháy rừng.
Khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hiện nay của Hòa Bình là địa hình hiểm trở, phương thức canh tác trồng rừng lạc hậu và kinh phí thấp. Do đó chưa thu hút được người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân phát quang thảm thực bì. |
Diện tích rừng trồng thường nhỏ lẻ, do vậy nếu để mỗi chủ rừng tự đầu tư xây dựng công trình phòng cháy chữa cháy rừng là điều rất khó thực hiện. Theo số liệu thống kê của Chi cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, từ năm 2003 đến nay, Hòa Bình đã xảy ra 85 vụ cháy rừng, gây thiệt hại khoảng 504 ha rừng các loại.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sẽ tập trung chỉ đạo lực lượng kiểm lâm thực hiện trọng tâm 3 nhóm chỉ tiêu cụ thể, xây dựng hệ thống công trình phòng cháy chữa cháy rừng cho cả 3 loại rừng với tổng diện tích 239.932,8 ha, tập trung ở 150 xã có rừng dễ cháy.
Trong các nhóm giải pháp thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng của tỉnh sẽ đảm bảo cả về chính sách, giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới hình thức tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời thành lập lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Bài và ảnh: Vương Hùng