Huyện Bến Lức là nơi đầu tiên xuất hiện mô hình Khu nhà trọ công nhân văn hóa, sau đó lan sang các huyện khác trên địa bàn tỉnh Long An. Ba năm trước, qua khảo sát trên địa bàn huyện Bến Lức có 1.154 cơ sở với 16.704 phòng trọ, trên 32 nghìn công nhân lao động thuê trọ. Qua ghi nhận thực tế cho thấy hầu hết các nhà trọ đều thiếu nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí; giá điện, nước sinh hoạt cao hơn so với quy định; vệ sinh môi trường không bảo đảm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tệ nạn xã hội tiềm ẩn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự...
Từ thực tế đó, các ngành chức năng huyện Bến Lức đã triển khai nhiều mô hình trong khu nhà trọ công nhân như: Công an huyện với mô hình “Nhà trọ tự quản về an ninh trật tự”, Đoàn thanh niên với mô hình “Câu lạc bộ Thanh niên công nhân nhà trọ”, mô hình “Tổ Công nhân tự quản” của Liên đoàn Lao động huyện… Các mô hình trên bước đầu mang lại hiệu quả tích cực trong việc bảo đảm an ninh trật tự, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội phát sinh nhưng mới là những mô hình mang tính riêng lẻ, chưa huy động được sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, vì vậy sự lan tỏa chưa cao.
Trước thực trạng nhiều khu nhà trọ mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu tạm trú ngày càng cao của công nhân lao động trên địa bàn, để khắc phục hạn chế trên, tháng 4/2017, UBND huyện Bến Lức ban hành Bộ tiêu chí Khu nhà trọ Công nhân văn hóa và triển khai thí điểm mô hình này. Đến đầu năm 2020, Bộ tiêu chí đã được chỉnh sửa đầy đủ và thiết thực hơn với các quy định cụ thể như: Diện tích tối thiểu 12m2/phòng (không tính diện tích tường xây và gác lửng), diện tích sử dụng bình quân tối thiểu cho người thuê là 5m2/người; trần cao tối thiểu 2,7m; cửa ra vào có chiều rộng từ 0,75m trở lên. Mỗi phòng có nhà bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh bảo đảm sạch sẽ. Bên cạnh đó là các tiêu chí về an ninh trật tự, có tổ công nhân tự quản, có camera an ninh, không tệ nạn xã hội; khuôn viên phải có cây xanh, sạch, đẹp; đời sống tinh thần cho công nhân cơ bản được đáp ứng…
Khu nhà trọ Minh Đại ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức được xây dựng từ đầu năm 2017 với 78 phòng. Ông Nguyễn Văn Đại - chủ nhà trọ cho biết, trước khi xây dựng ông đã nghiên cứu kỹ nhu cầu ở trọ của công nhân dựa trên thu nhập của họ. Nhận thấy nhu cầu về chất lượng chỗ ở của công nhân ngày càng cao, ông đã đầu tư rất bài bản, mỗi phòng rộng 15m2 chưa kể gác lửng. Mặc dù nằm ngay trung tâm thị trấn Bến Lức là nơi có đông khu công nghiệp nhưng nhà trọ Minh Đại vẫn giữ mức giá cho thuê phù hợp so với mặt bằng chung trong khu vực, giá phòng là 1 triệu đồng/tháng dù ở vị trí nào, quy định tối đa 3 người/phòng. Ngay mặt tiền khu trọ, ông Đại dành một khoảng không gian lớn để trồng cây xanh, đặt các máy tập thể dục và để bàn ghế làm nơi vui chơi, sinh hoạt chung cho cả khu. Khu nhà trọ cũng lắp camera tại các điểm công cộng, có người quản lý thường trực để hỗ trợ các phòng trọ khi cần thiết, có lao công quét dọn giúp khuôn viên lúc nào cũng sạch sẽ; giá tiền điện, nước tính theo giá Nhà nước, wifi miễn phí…
Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, năm 2019, khu nhà trọ Minh Đại được UBND huyện Bến Lức trao danh hiệu Khu nhà trọ công nhân văn hóa. Ông Nguyễn Văn Đại chia sẻ: "Với danh hiệu này, công nhân tự tìm tới thuê và yên tâm ở lâu dài. Trong tổng số 78 phòng trọ có 2/3 số phòng là người thuê ở từ khi khai trương đến giờ. Khu nhà trọ được sự hỗ trợ rất lớn từ các ban ngành, đặc biệt là Công an thị trấn, giúp nhà trọ thực sự an ninh, trật tự”,
Ở khu nhà trọ Minh Đại đã được 2 năm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Khá rất hài lòng vì giá cả hợp lý, không gian trong phòng vừa đủ sinh hoạt, điểm nổi bật là an ninh và sạch sẽ. “Giá có cao hơn những khu trọ cũ khoảng 200-300 nghìn đồng một tháng nhưng tạo cho tôi sự yên tâm. Tôi đang chuẩn bị sinh em bé nên đây là lựa chọn tốt, Khu nhà trọ còn có không gian chung cho trẻ vui chơi, tôi rất ưng ý”, chị Khá cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Bến Lức cho biết, sau 3 năm triển khai mô hình Khu nhà trọ công nhân văn hóa, chất lượng các khu nhà trọ cho công nhân trên địa bàn huyện tăng lên rõ rệt. Nếu như năm đầu tiên toàn huyện chỉ có 69 nhà trọ đăng ký, đi phúc tra có 64 nhà trọ đạt danh hiệu Khu nhà trọ công nhân văn hóa thì đến năm 2020 đã có 91 nhà trọ đăng ký thực hiện. Mô hình này giúp chất lượng nhà trọ cho công nhân nâng lên rõ rệt, người lao động an tâm làm việc
Từ huyện Bến Lức, mô hình Khu nhà trọ công nhân văn hóa đã lan rộng ra nhiều địa phương, giúp công nhân có nơi ở sạch đẹp hơn, an ninh trật tự, ổn định hơn. Nhà trọ Ngũ Sắc ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa với gần 60 phòng được công nhân ưu ái gọi là nhà trọ công nhân “5 sao” vì đáp ứng đầy đủ những tiêu chí xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Chị Ngô Thị Trúc Ly, công nhân thuê trọ tại Nhà trọ Ngũ Sắc cho hay, phòng chị ở thoáng mát, hai mặt tiền đường nội bộ trong khu trọ nên có giá 1,6 triệu đồng. Chị Ly cùng 2 công nhân nữa ở chung và chia tiền trọ nên chi phí hàng tháng không quá cao. Hơn nữa, nhà trọ có wifi miễn phí; tiền rác, tiền điện nước tính theo giá Nhà nước; đặc biệt là nhà trọ có công viên cây xanh ngay trước mặt nên rất đáng sống. Nhà trọ cũng có một người quản lý, trực 24/24 giờ, hỗ trợ người ở trọ bất cứ lúc nào. Mặc dù đang thời kỳ dịch bệnh, công việc bị cắt giảm nhưng tôi không có ý định chuyển chỗ trọ vì không dễ để kiếm được phòng trọ đáp ứng đầy đủ tiện nghi và còn an ninh như vậy.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thủ Thừa, chị Nguyễn Thị Thu Tâm cho biết: Do nhu cầu đời sống ngày càng nâng cao, bên cạnh những doanh nghiệp xây phòng trọ cho công nhân, thời gian gần đây các chủ nhà trọ trên địa bàn huyện Thủ Thừa cũng rất chú trọng đầu tư xây mới, sạch đẹp, an toàn để thu hút công nhân. Điểm nổi bật là các chủ nhà trọ luôn đồng hành với người lao động lúc khó khăn, đặc biệt là trong đợt dịch COVID-19, hầu hết các chủ nhà trọ đã chia sẻ bằng cách tặng mì tôm, gạo cho công nhân hoặc giảm tiền nhà. Tùy đối tượng có thể giảm từ 10 đến 50%, thậm chí 100% tiền nhà trọ trong 3 tháng vừa qua.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An Lê Thị Thu Cúc cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thành lập 326 tổ công nhân tự quản ở các khu nhà trọ có đông công nhân lưu trú. Từ huyện Bến Lức, mô hình Khu nhà trọ công nhân văn hóa đã được Liên đoàn lao động các địa phương nhiệt tình hưởng ứng, lan ra các huyện, thị khác như Đức Hòa, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, thành phố Tân An… Mô hình này kết hợp với các Tổ công nhân tự quản do chủ nhà trọ làm tổ trưởng không những tạo thuận lợi cho các chủ nhà trọ trong kinh doanh mà còn góp phần cùng địa phương đảm bảo ninh trật tự, giảm thiểu tội phạm trong các khu nhà trọ đông công nhân… Đặc biệt, không có tình trạng công nhân lao động bị kích động, lôi kéo tham gia nghỉ việc tập thể.
Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh Long An tiếp tục duy trì Tổ công nhân tự quản trong các khu nhà trọ và nhân rộng mô hình Khu nhà trọ công nhân văn hóa tại các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt ở các khu nhà trọ; tuyên truyền, giúp công nhân tiếp cận đầy đủ thông tin, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động; đồng thời quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, chăm lo cho đời sống tinh thần, vật chất của người lao động.