Hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở góp phần ổn định đời sống xã hội

Công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong 5 năm qua, công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chú trọng, nhất là công tác xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 940 tổ hòa giải với 5.794 hòa giải viên.


Thời gian qua, do tác động của cơ chế thị trường, tình trạng tranh chấp trong các giao dịch, quan hệ xã hội có chiều hướng gia tăng, nhất là các tranh chấp đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình xảy ra ngày càng đa dạng, phức tạp. Trước thực trạng đó, cơ quan Tư pháp đã thường xuyên chỉ đạo, củng cố kiện toàn các tổ hòa giải để công tác hòa giải ở cơ sở thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ngay tại địa phương, giảm bớt các tranh chấp đến các cơ quan cấp trên.


Trong giai đoạn 2010-2015, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo UBND cấp huyện tiến hành củng cố, kiện toàn hoạt động hoà giải ở cơ sở không chỉ về số lượng mà còn cả về chất lượng. Đặc biệt, ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được thông qua năm 2013, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành trong toàn tỉnh. Trong đó, đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát và kiện toàn lại các tổ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Đồng thời tổ chức hội nghị triển khai, giới thiệu Luật Hòa giải ở cơ sở cho các ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Sở Tư pháp cũng đã chỉ đạo cơ quan tư pháp cấp dưới tham mưu UBND cùng cấp thực hiện tổng kết 10 năm công tác hoà giải ở cơ sở (giai đoạn 2003-2013) để rút ra những kinh nghiệm và định hướng hoạt động trong thời gian tiếp theo nhằm đáp ứng nguyện vọng của đội ngũ hoà giải viên cơ sở.


Mỗi năm, từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dường nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở. Từ năm 2010 đến nay, cấp tỉnh đã tổ chức được 16 lớp tập huấn, cấp huyện trung bình mỗi năm có từ 1-2 lớp tập huấn cho hòa giải viên cơ sở. Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức biên soạn, in ấn các loại tài liệu tuyên truyền thiết thực như Sổ tay nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; tờ gấp pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, khiếu nại tố cáo. Tăng cường các chuyên mục, chuyên đề liên quan đến công tác hòa giải trên Bản tin Tư pháp, Đài Phát thanh cơ sở, trên website của Sở... Qua đó, nhằm chuyển tải kịp thời những chính sách, văn bản pháp luật mới đến các hòa giải viên, cung cấp thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu pháp luật để phục vụ công tác hòa giải của các hòa giải viên trên địa bàn tỉnh.


Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị tập huấn, cung cấp tài liệu, Sở đã chú trọng tổ chức các cuộc thi nhằm khuyến khích và tạo động lực cho các hòa giải viên cơ sở; tổ chức Hội thi“Hòa giải viên giỏi năm 2012”. Và dự kiến trong năm tới sẽ tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi năm 2016. Đây là sân chơi cần thiết và bổ ích để các hoà giải viên đến giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cơ sở.


Mặc dù kinh phí hoạt động còn hạn chế, nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, lực lượng hoà giải viên bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, bằng lòng tận tâm với công việc đã chủ động, tích cực, kiên trì tiến hành hoà giải thành công nhiều vụ việc, góp phần đem lại sự yên vui, giữ được tình làng nghĩa xóm trong gia đình và cộng đồng dân cư. Những trường hợp qua nhiều lần hoà giải nhưng không đạt được sự tự nguyện thoả thuận của các bên, các tổ hoà giải đều kịp thời chuyển về Tư pháp phường, xã để tiếp tục hoà giải hoặc tham mưu cho UBND xã, phường giải quyết những vấn đề theo thẩm quyền, không để tồn đọng, kéo dài ở tổ hoà giải.


Trên cơ sở những kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải, với tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, bằng uy tín kết hợp với việc vận dụng linh hoạt các phương thức hoà giải, trong những năm qua các hoà giải viên cơ sở đã có nhiều việc làm thiết thực, góp phần giải quyết các hàng nghìn tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống cộng đồng. Tính từ năm 2010 đến hết tháng 10 năm 2015, tổng số vụ việc được thụ lý trên địa bàn tỉnh là 6.047 vụ việc, trong đó hòa giải thành 5.032 vụ, việc, đạt tỷ lệ 83%.


Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đi vào nề nếpvàtương đối ổn định, công tác hoà giải được tiến hành ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hoà giải thành trong số các vụ việc phát sinh hàng năm tăng cao góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Hoạt động hoà giải đã giúp cho công dân, tổ chức tiết kiệm được kinh phí, hạn chế việc khiếu kiện lên các cơ quan có thẩm quyền. Có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác hoà giải của các ngành, đơn vị, địa phương. Đặc biệt là sự phối kết hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên trong quá trình xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức hoà giải và thuờng xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Bên cạnh đó, sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ tư pháp xã, phường, đặc biệt là đông đảo lực lượng hoà giải viên với tinh thần tự nguyện, không vì lợi ích cá nhân, tích cực, chủ động đã tạo nên thành công chung cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.


Có thể nói, 5 năm qua, công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự nhiệt huyết, cống hiến của đông đảo đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Những mâu thuẫn nhỏ, những khúc mắc trong quan hệ gia đình, làng xóm đã được các hòa giải viên hóa giải, đem lại cuộc sống bình yên, ổn định và phát triển hơn. Công tác hòa giải cơ sở đã thực sự trở thành hoạt động gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư ở các thôn, làng, khu phố, góp phần đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.


Trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện khá đồng bộ, từ khâu ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn đến tổ chức thực hiện các công việc cụ thể. Thời gian qua công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong công tác hòa giải chưa được thực hiện thường xuyên. Hòa giải viên chủ yếu làm việc kiêm nhiệm trên tinh thần tự nguyện, vì vậy việc khen thưởng đối với những người làm tốt công tác này là rất cần thiết để động viên, khích lệ kịp thời.

Lê Đăng Việt (Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN