Cây mai dương hay còn gọi là cây trinh nữ, cây xấu hổ, thân gỗ là một loại cây ngoại lai đã xuất hiện ở Quảng Trị nhiều năm nay, nhưng hiện nay đã lây lan phân tán trên diện tích rộng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay các biện pháp kỹ thuật tiêu diệt cũng như nhận thức của người dân địa phương về loại cây này còn hạn chế.
Hiện nay, diện tích cây mai dương tại tỉnh Quảng Trị tăng lên rất nhanh từ 1.015 ha năm 2007 lên hơn 10.000 ha năm 2012, phân bố đều ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Cây mai dương hay còn gọi là cây trinh nữ thân gỗ có khả năng lây lan phân tán trên diện tích rộng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Internet
|
Cây mai dương xuất hiện khắp nơi từ: đồng ruộng, sông suối, ven hồ, bờ đập, kênh mương, lề đường, hàng rào…, đặc biệt tại một số huyện, thành phố có diện tích lớn như : Triệu Phong, Đông Hà, Đakrông, Hải Lăng và ở các lưu vực sông Ô Lâu, Thạch Hãn, Trúc Khê, Hiền Lương… Cây mai dương có sự gia tăng về diện tích cũng như mật độ khá cao.
Đặc biệt, có những nơi cây mai dương phát triển mạnh đến mức lấn át cả diện tích đất nông nghiệp không thể trồng trọt được.
Theo phản ánh của người dân, tại các vùng sản xuất nông nghiệp ven thành phố Đông Hà, đặc biệt tại khu vực thôn Điếu Ngao, phường 2, thành phố Đông Hà là một trong những nơi có diện tích cây mai dương xâm lấn lớn.
Theo quan sát, sau khi người dân thu hoạch vụ đông xuân từ cuối tháng 5 đến nay, chỉ sau 3 tháng cây mai dương con đã mọc dày đặc trên các đồng ruộng đang để hoang. Có những diện tích cây mai dương xâm lấn lớn, người dân đành để hoang không thể canh tác được.
Hiện nay, không chỉ tại các ruộng trồng rau màu, mà tại các kênh mương thủy lợi, ao cá của người dân cây mai dương cũng mọc dày đặc với tần suất cao, tập trung thành từng vùng lớn.
Tại xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong), diện tích cây mai dương mọc trên địa bàn xã rất lớn, xâm chiếm khá rộng vùng đất canh tác lúa của người dân. Tuy người dân đã chặt, phát, đốt và đào cây, nhưng không có hiệu quả, vì hạt mọc khá nhanh với số lượng lớn. Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, người dân cũng đã phản ánh mong muốn tỉnh Quảng Trị hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật diệt trừ cây mai dương.
Hiểm họa cây mai dương đã đến mức báo động khi rất nhiều diện tích đất nông nghiệp đang bị phủ kín, hoang hóa. Vào năm 2007, Chi cục Bảo vệ thực vật đã có dự án “Phòng trừ cây mai dương tại Quảng Trị năm 2007”, nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm triển khai. Quảng Trị chỉ mới triển khai công tác điều tra, chưa có biện pháp hiệu quả nào để loại trừ và tiêu diệt cây mai dương. Để tiêu diệt được cây mai dương, cần sự chung sức của các cấp, các ngành, ra quân đồng bộ của mọi người dân. Nên chăng, các cấp chính quyền cần tăng cường cảnh báo, tuyên truyền tới mọi người dân cùng quan tâm, có trách nhiệm cộng đồng để đưa ra các giải pháp và hoạt động thích hợp tiêu diệt loại trừ cây mai dương khỏi khu vực đất nông nghiệp, khu vực sản xuất và sinh hoạt.
Ông Trần Văn Tân - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết: Muốn hạn chế sự lây lan xâm lấn của cây mai dương, bà con cần thực hiện đào rễ cây con, sử dụng các biện pháp cơ giới, hóa học để loại trừ cây mai dương trước vụ hè thu, khi cây chưa kịp ra hạt. Tại các vùng đất bị nhiễm nặng cần thực hiện vừa diệt trừ, vừa canh tác các loại cây con khác đặc biệt là các loại cây bóng mát ăn quả, nhằm góp phần nâng cao mật độ che phủ đất, hạn chế sự sinh trưởng và phát triển của cây mai dương.
Nếu không được triển khai xử lý kịp thời diện tích cây mai dương sẽ còn gia tăng trong thời gian sắp tới. Mai dương hiện đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của các loài động vật, thực vật bản địa. Với tốc độ phát triển như hiện nay, cây mai dương đang mang lại mối đe dọa nguy hiểm đối với các hệ sinh thái, môi trường, đa dạng sinh học cũng như gây thiệt hại lớn về kinh tế. Mai dương là đối tượng dịch hại mới, chứa đựng nhiều tiềm ẩn và hiểm họa chưa thể đánh giá hết.
Bên cạnh đó, cây mai dương nếu mọc tại các kênh mương, ao hồ gây cản trở đường nước chảy, chất độc trong lá mirnosin (một loại axit amin) sau phân hủy sẽ tiêu diệt một số loại sinh vật trong nước, làm giảm đi sự đa dạng phong phú của các loài trong hệ sinh thái tự nhiên. Cây mai dương mọc đến đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị hủy diệt, các loại động vật không dám đến gần, ngăn dòng chảy kênh mương, đất đai sẽ cằn cỗi, bạc màu.
Được biết, mai dương là loại cây dại, có sức sống mãnh liệt, phát tán nhanh qua hạt, đặc biệt có khả năng tái sinh bằng thân và gốc là rất lớn. Nếu người dân chặt cây mẹ đốt thì từ gốc của cây mẹ sẽ tái sinh 4,5 chồi non, hạt nếu bị đốt sẽ nẩy mầm với mật độ từ 15-120 cây/m 2 .
Cây mai dương có khả năng xâm lấn mãnh liệt với các loại cây khác, đặc biệt tăng trưởng rất nhanh về chiều cao và tốc độ 1cm/ngày, có thể ra hoa đậu quả sau 6 tháng.
Trung bình 1 năm, 1 cây mai dương ra hoa 12 lần, mỗi lần sản sinh từ 50.000-100.000 hạt với cấp số nhân, tỷ lệ nảy mầm rất cao. Hạt của cây mai dương có lớp lông để bám có thể nổi trên mặt nước, dễ lan ra trên diện tích rộng trong mùa mưa lũ, đặc biệt hạt này nếu luộc sôi, hoặc đốt vẫn có thể nảy mầm, trong khoảng 20 năm vẫn mọc cây.
Từ năm 2000, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đã xếp cây mai dương là 1 trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm lấn gây hậu quả nguy hiểm nhất trên thế giới.
Thanh Thủy