Các hộ dân kinh doanh tại Chợ Đoàn Kết, đột nhiên nhặt được Tờ trình số 179 của UBND TP Lai Châu ban hành ngày 10/11/2015 xin chủ trương chuyển đổi mục đích đối với Chợ tạm Đoàn Kết rải khắp chợ như “truyền đơn”. Mọi người ở đây tá hỏa, tìm hiểu mới biết việc di dời chợ là đúng. Đi kèm với TT 179, UBND tỉnh ra văn bản số 1789 ngày 26/11/2015 về việc nhất trí chủ trương chuyển Chợ tạm Đoàn Kết. Dựa vào 2 văn bản này, các hộ kinh doanh tại Chợ Đoàn Kết phải di dời đến các chợ khác trên địa bàn thành phố, để điều chỉnh quy hoạch sang làm Nhà văn hóa tổ dân phố, khuôn viên cây xanh...
Các tiểu thương tại Chợ Đoàn Kết lo lắng vì sắp đến Tết, phải chuyển chợ thì không thể kinh doanh. |
Trước đây, người dân buôn bán rải rác ở khu vực quanh rạp chiếu phim và ven đường Quốc lộ 4 D, thường xuyên gây ách tắc giao thông và mất trật tự đô thị. Năm 2007, thị xã Lai Châu lúc bấy giờ xin chủ trương của tỉnh để đầu tư Chợ tạm Đoàn Kết và di dời các hộ kinh doanh vào buôn bán tập trung. Trong những năm 2011 - 2012, với nhu cầu phát triển đô thị, TP Lai Châu đã xây thêm các chợ như: Chợ Tân Phong 1, Tân Phong 2, Trung tâm thương mại. Nhiều lần chính quyền thành phố đưa một số hộ kinh doanh tại Chợ Đoàn Kết ra buôn bán, tuy nhiên, không có người đến chợ nên họ quay về chỗ cũ kinh doanh. Chợ mới xây đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng chỉ lẻ tẻ một vài hộ kinh doanh cầm chừng, trong khi đó Chợ Đoàn Kết lại tấp nập người mua và người bán. Lãnh đạo của TP Lai Châu cho biết: “Nguyên nhân chính để di dời Chợ tạm Đoàn Kết là để lấp đầy các chợ mới xây không có người kinh doanh. Việc xây các chợ mới là đúng với quy hoạch”.
Các hộ dân kinh doanh tại Chợ Đoàn Kết cho biết, họ chưa được chính quyền các cấp họp bàn, lấy ý kiến, đã tự quyết định di dời chợ, như vậy là không dân chủ và tôn trọng người dân. Phóng viên làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu, đại diện các đơn vị này đều lấy lý do khi xây dựng, chợ này là chợ tạm theo công văn số 148 ngày 10/10/2007 của Sở Xây dựng. Hiện nay, chợ tạm không đảm bảo về quy mô, an toàn cháy nổ và vệ sinh môi trường, gây ách tắc giao thông… nên phải di dời.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, di dời chợ tạm Đoàn Kết là hợp lý, tuy nhiên việc gây mất trật tự an toàn giao thông thời gian qua là do cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm. Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết, việc TP Lai Châu chuyển đổi mục đích sử dụng đất như vậy là sai quy định, môi trường của chợ vẫn đảm bảo, không phải bức thiết di dời. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu và UBND TP Lai Châu một mực nói: “Vấn đề này đã được tập thể Thường trực thành phố và tỉnh Lai Châu họp bàn, thống nhất di dời, chứ không phải một cá nhân nào quyết định”.
Người đại diện TP Lai Châu ký tờ trình xin tỉnh cho di dời chợ, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Nghiệp, lý giải: “Việc chưa họp bàn với các hộ dân kinh doanh ở chợ là do TP chưa có kế hoạch rõ ràng, bước đầu chỉ là tờ trình và công văn của tỉnh nhất trí việc di dời Chợ tạm Đoàn Kết, thời gian tới mới tiến hành họp dân và triển khai di dời”. Tuy nhiên, tại văn bản số 148, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chương ký, giao “TP Lai Châu thực hiện tuyên truyền, phổ biến và thông báo cho các đối tượng hoạt động tại Chợ tạm Đoàn Kết về chủ trương di dời… thời gian thực hiện di dời Chợ tạm Đoàn kết xong trước ngày 31/12/2015”.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dù biết chủ trương di dời chợ, phường Đoàn Kết vẫn đứng ra ký hợp đồng thuê mặt bằng trong chợ với một số hộ kinh doanh thời gian là 5 năm (2015 - 2020). Cụ thể, ngày 1/7/2015, ông Đoàn Minh Tuấn, Chủ tịch phường Đoàn Kết, ký hợp đồng với ông Trương Đăng Thế thuê 60 mét vuông, thời gian 5 năm và tổng tiền thuê là 24 triệu đồng. Vì được thuê 5 năm, các hộ đã vay mượn tiền xây dựng ki ốt và nhập một khối hàng hóa lớn để chuẩn bị bán Tết. Ông Thế cho biết: “Vợ chồng tôi ký được hợp đồng nên yên tâm vay mượn hàng tỷ đồng để đầu tư, bây giờ đột xuất phải di dời thì tôi sẽ đổ nợ. Nhiều gia đình đang kinh doanh ổn định quanh chợ, đã phải treo biển bán nhà mong cứu vớt được đồng nào hay đồng lấy để trả nợ”.
Cố gắng cứu chợ
Ngày 7/12, các hộ kinh doanh tại chợ đã treo cờ, băng rôn phản đối chính quyền chuyển chợ, ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó chủ tịch TP Lai Châu tổ chức họp với dân. Tập thể các hộ dân kinh doanh xin được giữ Chợ Đoàn Kết và tự bỏ kinh phí để nâng cấp chợ; những cửa hàng buôn bán ở vỉa hè gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị thì chuyển là hợp lý. Tuy nhiên, ông Nghiệp trả lời “nhất quyết phải di dời Chợ tạm Đoàn Kết”.
Hàng trăm tiểu thương đứng ở Quảng trường Lai Châu xin gặp lãnh đạo để đề đạt nguyện vọng giữ lại chợ cho bà con buôn bán. |
Ngày 8/12, hàng trăm hộ dân kinh doanh ký đơn tập thể và đội mưa lên trụ sở UBND tỉnh Lai Châu gặp lãnh đạo, xin được giữ lại Chợ Đoàn Kết, nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Sang ngày 9/12, các hộ dân vẫn đùm nắm cơm, bánh kẹo ăn qua trưa, đứng ở Quảng trường Lai Châu để được gặp lãnh đạo tỉnh, kêu cứu giữ chợ.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ, hộ dân kinh doanh tại Chợ Đoàn Kết, cho biết: “Tôi là người buôn bán kinh doanh đầu tiên tại chợ này, năm 2007 TP xây chợ thì chúng tôi được di dời về đây với hình thức bốc thăm ki ốt. Những năm đấy chợ chưa đông thì không thấy giải toả, đến giờ chợ đông người bán kẻ mua thì chính quyền lại chuyển. Bây giờ, phải chuyển sang chợ khác để buôn bán thì chúng tôi không biết bao nhiêu gia đình phải đổ nợ. Chúng tôi quyết không di dời đi đâu cả, lãnh đạo tỉnh phải lắng nghe ý kiến của dân và xử lý dựa trên quyền lợi của dân”. Người dân đi chợ cũng ý kiến, nên giữ lại chợ Đoàn Kết và nâng cấp, vì vị trí này thuận tiện cho việc mua bán. Bà con dân tộc có mớ rau, con gà… phải vào Trung tâm thương mại và nộp phí thì họ lấy đâu ra tiền. Các hộ dân kinh doanh tại Chợ Đoàn Kết cho biết, 3 năm trước, đơn vị tư nhân đứng ra xây dựng Trung tâm thương mại tỉnh và đưa vào sử dụng, có khuyến khích các hộ dân vào kinh doanh một buổi được hỗ trợ 50.000 đồng. Hàng trăm hộ đăng ký chuyển từ Chợ Đoàn Kết sang đây kinh doanh, nhưng sau một thời gian không có ai vào mua, nên chuyển về chợ cũ.