Hà Nội: Mưa như trút nước, các quận trung tâm ngập úng cục bộ

Cơn mưa lớn dồn dập trút nước xuống Hà Nội vào chiều 19/6 đã gây ngập úng cục bộ tại khu vực trung tâm.

Mặc dù trận mưa chỉ kéo dài gần 1 giờ nhưng vào đúng giờ tan tầm khiến giao thông ở Thủ đô hỗn loạn. Nhiều tuyến đường, nhất là các ngã ba, ngã tư ùn tắc nghiêm trọng.

Các phương tiện đi lại rất khó khăn, nhiều xe máy bị chết máy, không thể di chuyển. Nhiều tuyến phố nước ngập dâng cao, tràn vào cả nhà dân và các cửa hàng hai bên đường.

Mưa ngập gây cản trở giao thông tại ngã tư Thợ Nhuộm - Quán Sứ. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Theo Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội, trận mưa lớn bắt đầu từ 16h40, tuy nhiên lượng mưa không đều mà tập trung chủ yếu ở các quận: Hoàn Kiếm 118,5mm, Ba Đình 90,5mm, Đống Đa 60,9mm, Long Biên 79,4mm, Gia Lâm 55,7mm, Đông Anh 75,3mm… Một số khu vực khác như: Bắc Thăng Long 20,9mm, Xuân Đỉnh 38,0mm, Hoàng Quốc Việt 29,4mm, Nam Từ Liêm 19,9mm, Mễ Trì 26,3mm, Hoàng Cầu 46,2mm, Láng 52,1mm, Vân Hồ 42,1mm, Linh Đàm 14,2mm, Yên Nghĩa 44,4mm, Kim Liên 39,5mm…

Mưa lớn gây ngập ở phố Lý Thường Kiệt. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Một số khu vực quận, huyện như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Đông Anh mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn (cường độ mưa vượt quá cường độ mưa tính toán 50mm/2h) nên vào lúc 19h00 ngày 19/6/2017 xuất hiện nhiều điểm úng ngập trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, mưa gây ngập cục bộ tại khu vực Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, Thuỵ Khuê (Chu Văn An - dốc La Pho), Đội Cấn, Tôn Đản, Lê Lai, Đinh Liệt, Hàng Bài - Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Nguyễn Siêu - ngõ Gạch, Quang Trung - Trần Quốc Toản, Nguyễn Chính , dốc Thanh Đàm, Hoàng Mai , Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Khuyến, Hoàng Như Tiếp, Ngọc Lâm, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Cự Lộc, Phạm Văn Đồng, Hoa Bằng, …

Khu vực các huyện lượng mưa không đều. Công ty đã triển khai lực lượng ứng trự ở các điểm úng ngập tại huyện Đông Anh và một số vị trí trên quốc lộ 21, quốc lộ 6, đường 32.

Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, theo phương án thoát nước mùa mưa năm 2017, trước khi mưa mực nước trên toàn hệ thống mương, sông, hồ được giữ theo đúng quy định. Công tác tổ chức ứng trực đã được Công ty triển khai, lực lượng ứng trực tại hiện trường thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy và phối hợp hướng dẫn giao thông.


Các dàn thiết bị cơ giới, các xe bơm di động đã được bố trí ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại các vị trí được phân công. Các cửa phai các hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… và đập Thanh Liệt đã được mở để điều hoà nước theo quy trình. Trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm khác đang vận hành các bơm để tiêu thoát nước trên hệ thống.

Hiện tại, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội vẫn triển khai công tác ứng trực để giải quyết tình trạng úng ngập cho đến khi rút hết nước, đảm bảo an toàn giao thông.

Cũng theo thống kê của Công ty Thoát nước, Hà Nội hiện vẫn còn 18 điểm có nguy cơ úng ngập khi mưa lớn bất thường, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân khi mưa lớn. Cụ thể, lưu vực Tô Lịch có 11 điểm gồm ngã tư Phan Bội Châu- Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành- Bát Đàn- Nhà Hỏa; Cao Bá Quát; Đội Cấn; Thụy Khuê; Minh Khai; đường Giải Phóng (đoạn trước cửa Bến xe phía Nam); Nguyễn Chính; Thanh Đàm; Trường Chinh, Nguyễn Khuyến. Lưu vực Tả Nhuệ có 2 điểm: Phố Hoa Bằng, đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy); lưu vực Hà Đông có 2 điểm: Ngã ba Quang Trung- Phan Đình Giót, khu vực trước cửa Bến xe Yên Nghĩa; lưu vực Long Biên có 3 điểm: Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp, Cổ Linh.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết ở nội thành Hà Nội
Xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết ở nội thành Hà Nội

Ngày 27/6, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua, từ ngày 19 - 25/6, bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh trên địa bàn thành phố với 574 ca mắc, trong đó có nhiều ổ dịch từ 2-3 người mắc trở lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN