Hà Nội giải tỏa hành lang ATGT: Giải tỏa dễ, chống tái lấn chiếm khó

Thành phố Hà Nội đã đồng loạt xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến quốc lộ (QL) qua địa bàn như QL 32, QL 6, QL 2, Q L 5, QL 21B… từ tháng 11/2012 đến nay nhằm góp phần lập lại trật tự ATGT trên các tuyến đường này. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng tái lấn chiếm sau giải tỏa, chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thì mới phát huy hiệu quả lâu dài.

 

Vi phạm tràn lan


QL 32 với tổng chiều dài 49 km đi qua các huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì là tuyến QL huyết mạch phía tây bắc của thủ đô. Nhưng từ nhiều năm nay, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT để kinh doanh buôn bán, căng lều bạt, treo biển quảng cáo, lấn chiếm kinh doanh vật liệu xây dựng… diễn ra tràn lan. Theo thanh tra Sở GTVT Hà Nội, hiện có hơn 1.800 cá nhân, tổ chức lấn chiếm hành lang, vi phạm về trật tự ATGT suốt dọc QL 32, chủ yếu dưới hình thức nhà cấp 4, dựng lều quán tạm; quán sá treo và đặt biển quảng cáo lấn chiếm làm khuất tầm nhìn; kinh doanh, buôn bán, họp chợ trái phép...


Dọc quốc lộ 32, đoạn Cầu Diễn có gần 20 hàng hoa quả bán ở lòng đường.

QL 6 dài 38 km đi qua quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ và QL 21B dài 41 km đi qua quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, huyện Ứng Hòa hiện nay đang trở thành “điểm nóng” của thủ đô về tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ kéo dài. Tại tuyến đường này hàng chục điểm tập kết bày bán máy xúc, máy ủi, máy trộn bê tông ngang nhiên mọc lên tại địa phận các phường Quang Trung, Đồng Mai (quận Hà Đông) và tình trạng họp chợ trái phép hai bên đường gây ùn tắc giao thông tại đoạn qua xã Đông Phương, Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ)… Những vi phạm này chính là một trong những nguyên nhân khiến tuyến đường này thường xuyên là điểm nóng về tai nạn giao thông của thủ đô… Từ nhiều năm nay, mặc dù thành phố đã nhiều lần ra quân giải tỏa, nhưng không ít tuyến QL vẫn diễn ra tình trạng tái lấn chiếm sau giải tỏa, thực tế này đã trở thành “căn bệnh nhờn thuốc”.


Trước thực tế này, nhất là khi Tết Nguyên đán Quý Tỵ và các dịp lễ hội xuân 2013 đang đến gần, để hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông diễn ra, nhất là tại các cửa ngõ thủ đô, từ tháng 11/2012 đến nay, Hà Nội đã huy động tổng lực các lực lượng chức năng giải tỏa vi phạm. Đến đầu tháng 1/2013, các lực lượng chuyên ngành đã “xóa sổ” gần 3.500 trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường bộ, hầu hết các dạng nhà cấp bốn, lều quán tạm, trụ cổng, tường rào, vật kiến trúc, biển quảng cáo, biển hiệu, cầu rửa xe, điểm tập kết vật liệu xây dựng, tụ điểm buôn bán, mái che, vật dụng che chắn trong phạm vi đất dành cho đường bộ, cây xanh che khuất tầm nhìn giao thông, chợ cóc... đều được giải tỏa để trả lại thông thoáng cho các tuyến đường và bàn giao kết quả cho chính quyền địa phương tiếp quản.


Để tránh tình trạng tái lấn chiếm, thanh tra giao thông Hà Nội đã ký thông báo giải tỏa gửi đến từng tổ chức, hộ gia đình vi phạm và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các phường, xã, kết hợp tuyên truyền di động bằng băng rôn, loa phóng thanh trên xe công vụ, nhằm tạo sự đồng thuận dư luận và giúp người vi phạm hiểu nghĩa vụ chấp hành pháp luật về ATGT. Bên cạnh đó, do các đối tượng vi phạm rất đa dạng, nên ngay từ khâu lập danh sách hồ sơ các vi phạm, lực lượng chức năng thành phố đã phân loại những trường hợp đối tượng vi phạm có khả năng chống đối để chủ động có biện pháp vận động, phòng ngừa thích hợp; những trường hợp phức tạp đều có sự chuẩn bị về nhân lực, phương tiện để tháo dỡ triệt để, không để xảy ra tình trạng “dễ làm, khó bỏ”. Nhờ vậy, đến thời điểm này, các trường hợp vi phạm bị giải tỏa đều nghiêm chỉnh chấp hành, không xảy ra trường hợp chây ì, chống đối.

 

Địa phương phải chống tái lấn chiếm?


Rút kinh nghiệm từ nhiều đợt giải tỏa trước đây, chỉ sau một thời gian ngắn, sau khi lực lượng chuyên ngành rút đi và không tổ chức tuần tra định kỳ thường xuyên thì xuất hiện tình trạng tái vi phạm về lấn chiếm. Bên cạnh đó, do các trường hợp vi phạm thường không có đăng ký kinh doanh, hoạt động tự phát, ngoan cố, nên tình trạng hôm trước bị giải tỏa, tịch thu thì hôm sau lại làm mới hoặc khi lực lượng tuần tra rút đi lại tái vi phạm. Thậm chí nhiều trường hợp vi phạm thuê cả “đầu gấu” bảo kê, khiến chính quyền địa phương ngại “đụng chạm”…


Thực tế chứng minh, suốt dọc các tuyến QL 32, QL 21B… trước đây, sau khi thành phố giải tỏa, tình trạng tái lấn chiếm khá “nhức nhối”. Rõ ràng, để giải quyết tình trạng này cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của chính quyền cơ sở, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động. Còn theo các chuyên gia giao thông, để công tác chống tái lấn chiếm đạt hiệu quả cao, hiện trường giải tỏa bàn giao cho các địa phương cần thống kê các vi phạm cụ thể đến từng số nhà, phường, quận, huyện và địa phương nào để tình trạng tái lấn chiếm xảy ra sẽ có hình thức kiểm tra, xử lý kịp thời. Có như vậy, công tác giải tỏa mới đạt hiệu quả cao.


Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND TP Hà Nội về phê duyệt chương trình kiểm tra, xử lý giải tỏa hành lang ATGT đường bộ giai đoạn 2012 - 2015, ngay trong đợt giải tỏa này, sau khi tiến hành cưỡng chế các vi phạm, lực lượng chức năng sẽ bàn giao tại chỗ lại cho các xã, phường cơ sở gắn trách nhiệm duy trì, chống tái lấn chiếm; đồng thời thành lập các tổ công tác theo địa bàn thường xuyên kiểm tra, xử lý các điểm mới phát sinh vi phạm và duy trì các vị trí đã giải tỏa. Những vị trí nào trên tuyến QL đã cưỡng chế, giải tỏa sẽ tổ chức bố trí giao thông, cắm cọc tiêu, đặt biển báo hiệu, bảo trì, bảo dưỡng mặt đường, thời gian duy trì kéo dài. Đặc biệt, sau khi bàn giao trách nhiệm quản lý cho từng địa phương, nếu địa phương nào để tái lấn chiếm sẽ kiểm điểm, cắt thi đua của địa phương đó.


Thanh tra giao thông Hà Nội cũng cho biết, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ, thành phố sẽ tiếp tục giải tỏa, cưỡng chế trên các tuyến đường vào các thị trấn, thị tứ, các vùng ven tuyến QL qua Hà Nội. Trong khu vực nội thành sẽ giải tỏa các tuyến đường vành đai 1, vỉa hè bày bán hàng, các điểm dừng, đỗ phương tiện không được phép trông giữ xe để xử lý dứt điểm vi phạm tại các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm.


Việc lấn chiếm, xây dựng công trình trong hành lang an toàn đường bộ và đấu nối trái phép vào các QL đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Phá vỡ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, phá vỡ quy hoạch dân cư đô thị, ảnh hưởng đến việc đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu của các tuyến đường bộ, gây lãng phí về vốn đầu tư xây dựng, làm giảm hiệu quả khai thác chung của kết cấu hạ tầng giao thông, cản trở tốc độ lưu thông của phương tiện cơ giới, hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông, tạo ra nhiều yếu tố tiềm ẩn gây mất ATGT... Do đó, cần xử lý tình trạng này một cách nghiêm túc và quyết liệt.

 

Trưởng phòng CSGT Hà Nội, Đại tá Đào Vịnh Thắng: Huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc Đây là đợt ra quân giải tỏa quy mô lớn nhằm xóa bỏ các công trình, nhà cửa, lều, lán, quán bán hàng, biển hiệu, biển quảng cáo, các tụ điểm tập kết nguyên vật liệu, rác thải, phát quang cây cối... nằm trong hành lang ATGT đường bộ trên các tuyến QL qua thành phố. Do đó, Phòng CSGT Hà Nội đã yêu cầu toàn bộ các đội CSGT phải có phương án, bố trí lực lượng tại các cửa ngõ dẫn vào thủ đô, các điểm, nút giao thông trọng điểm. Các tổ 141 làm mạnh, nghiêm, quyết liệt với các đối tượng ''cộm cán'' sẵn sàng chống đối, cản trở thi hành nhiệm vụ để xử lý tận gốc vấn đề, kể cả vào ban đêm. Rõ ràng, các vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên các tuyến QL hiện nay là tác nhân chính gây tai nạn giao thông, nên việc khẩn trương lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ hiện nay là đòi hỏi cấp bách để lập lại kỷ cương Luật Giao thông đường bộ.

 

Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Hoài Đức, Lương Phi Hùng: Tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến QL hai lần/ngày Trước khi giải tỏa, lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng đã “đến từng nhà, rà từng điểm” để khảo sát, đánh giá thực trạng và lập hồ sơ vi phạm cụ thể, kể cả những trường hợp đối tượng vi phạm có khả năng chống đối lực lượng chức năng để có những biện pháp vận động, phòng ngừa thích hợp. Nhằm hạn chế tình trạng tái lấn chiếm, ngoài việc cần thiết phải có sự tham gia tích cực của chính quyền cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, lực lượng thanh tra GTVT chỉ còn cách bố trí thay phiên đi tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến QL qua địa bàn 2 lần mỗi ngày.

 

Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, Cao Văn Hiệp: Khó khăn nhất là công tác hậu kiểm, duy trì chống tái lấn chiếm Do đó, ngay sau khi lực lượng chức năng cưỡng chế, hiện trường sẽ được bàn giao ngay cho địa phương để có trách nhiệm duy trì, chống tái lấn chiếm. Địa phương nào để tái vi phạm trở lại sẽ đề nghị thành phố kiểm điểm, cắt thi đua. Việc quan trọng nhất hiện nay đối với chính quyền địa phương là phải tuyên truyền cho người dân hiểu về Luật Giao thông đường bộ và chấp hành kế hoạch giải tỏa, duy trì đảm bảo hành lang ATGT, sau đó cần vào cuộc tích cực để bảo vệ hành lang ATGT. Thực tế, sau gần hai tháng thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đợt giải tỏa này, hành lang ATGT dọc các QL 6, QL 32 đã phong quang hơn, các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đã được thắt chặt, bộ mặt đô thị được chỉnh trang và mở rộng hơn, góp phần đảm bảo ATGT và giảm thiểu tai nạn giao thông trên các tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN